Dính chấn thương đầu gối vào tháng 3, Jack Wilshere mất đúng 1 tháng để trở lại. Ngay lập tức, sự có mặt của anh từ trận gặp QPR nhận được sự động viên của các CĐV Arsenal. Họ coi anh là vị cứu tinh. Arsene Wenger gọi anh là “bản hợp đồng mới của chúng tôi”. Nhưng các chấn thương vẫn chưa buông tha Wilshere.
Chấn thương tàn phá Wilshere
Vào sân thay cho Robin van Persie ở phút 84, trong trận gặp Blackburn Rovers vào tháng 9 năm 2008, Jack Wilshere phá kỷ lục của Fabregas để trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử Arsenal ra sân tại Premier League. Tiềm năng Wilshere nhanh chóng được thừa nhận, dù phải mất khoảng 2 năm để anh trở thành trụ cột của đội bóng. Wilshere được so sánh với Fabregas nhờ cách xử lý bóng thông minh, và khả năng lãnh đạo.
Arsenal đá tốt hơn nếu không có Wilshere? Thống kê từ Opta cho thấy, mùa 2012-13, Arsenal thi đấu hiệu quả hơn nếu không có Wilshere trên sân. Trong 28 trận Wilshere thi đấu, đội Pháo thủ thắng 14, hòa 7 và thua 7, đạt tỉ lệ chiến thắng 50%. Trong 25 trận Wilshere không thi đấu, Arsenal thắng 15 trận, hòa 6 và chỉ thua 4, đạt tỉ lệ chiến thắng 60%. Vì thể lực mong manh, Wilshere không giữ được phong độ ổn định. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến Arsenal thi đấu không hiệu quả khi có Wilshere trên sân. Có Wilshere trên sân, Arsenal ghi trung bình 1,85 bàn mỗi trận. Không có Wilshere trên sân, Arsenal ghi trung bình 2,12 bàn mỗi trận. |
Dù vậy, xuất phát điểm cao hơn Fabregas không giúp Wilshere sánh ngang đàn anh. Ở tuổi 22, Fabregas đã đá 216 trận cho Arsenal và khoác áo tuyển Tây Ban Nha 34 lần. Ở tuổi 22, Wilshere thậm chí mới đi được một nửa quãng đường ấy (97 trận cho Arsenal), và có vỏn vẹn 412 phút thi đấu cho Tam Sư. Ở Tam Sư, anh vẫn là “cầu thủ trẻ”.
Wilshere không thăng tiến vì bị chấn thương hành hạ. Riêng mùa 2011-12, Wilshere dính 4 chấn thương, trong đó có một chấn thương mắt cá khiến anh phải nghỉ đến hết lượt đi mùa 2011-12. Ngay sau khi trở lại vào tháng 10 trong trận gặp QPR, anh lại chấn thương mắt cá một lần nữa trong trận gặp Tottenham, phải nghỉ 8 tuần, và vừa phải phẫu thuật. Giải thích cho quyết định để Wilshere ngồi dự bị trước Indonesia, HLV Arsene Wenger nói: “Cậu ấy bị ốm. Cậu ấy đã ổn và sẽ chơi trận tiếp theo, nếu không có vấn đề gì ở mắt cá”. Chữ “nếu” của Wenger nói lên nhiều điều. Wilshere luôn mong manh về thể lực.
Owen Hargreaves trong hình bóng Wilshere
Phong cách chơi bóng kỹ thuật và thói quen cầm bóng lâu của Wilshere khiến anh dễ bị chấn thương. Đến giờ, Wilshere đã gặp 6 chấn thương trong sự nghiệp. Bằng tuổi anh, bệnh nhân Pato người Brazil cũng gặp từng ấy chấn thương (8). Và cách xử lý bóng rườm rà của Wilshere cũng gợi nhớ đến đàn anh Owen Hargreaves, người chỉ đá được trọn 1 mùa tại M.U, trước khi gần như tàn phế.
Tới lúc này, Wilshere có lẽ đã nhận thức được mạnh-yếu từ phong cách của mình, nên anh buộc phải thay đổi. Lối chơi kỹ thuật đã thành bản năng thì không thể thay đổi, nhưng sự tinh quái thì có thể thêm vào. Năm 2002, David Beckham từng dính một chấn thương cực nặng sau pha vào bóng của tiền vệ Aldo Duscher của Deportivo, để rồi bị gãy xương bàn chân và phải nghỉ thi đấu 8 tuần. Nhưng sau đó, Becks nổi danh toàn cầu nhờ khả năng bảo vệ đôi chân: Không còn tham lam trong những pha bóng năm ăn năm thua, và luôn nhảy thật cao khi cầu thủ đối phương triệt hạ.Nhờ sự chăm chỉ và khôn ngoan ấy, Becks vẫn có thể thi đấu tại Champions League khi đã 38 tuổi.
Wilshere chắc chắn cần phải học người đàn anh ở khoản này. Anh rất khéo, giữ bóng rất tốt, và từng được so sánh với Xavi sau khi làm lu mờ siêu tiền vệ của Barcelona trong trận lượt đi vòng 1/8 Champions League 2010-11. Nhưng Wilshere cần thêm nhiều kinh nghiệm hơn nữa để tự bảo vệ mình. Sẽ chẳng CĐV Việt Nam nào trách Wilshere nếu ngày mai, anh vào sân và thi đấu cầm chừng. Mùa 2013-14, mùa bóng tiền World Cup, rất quan trọng với thần đồng nước Anh. Wilshere cần khỏe mạnh để tỏa sáng.
Theo Thể thao Văn hóa