Theo ý kiến chỉ đạo, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và xã phường cùng thủ trưởng công an địa phương phải kiểm điểm xử lý trách nhiệm trước UBND thành phố nếu tình trạng mại dâm gia tăng. Dù nhiều ý kiến của lãnh đạo địa phương, các cơ quan quản lý ủng hộ sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố nhưng nhiều ý kiến cho rằng, có rất nhiều khó khăn để chủ trương đó đem lại hiệu quả.
Phường này truy quét chạy sang phường khác
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm Hà Nội, đầu năm 2013, trên địa bàn còn tồn tại 20 điểm có biểu hiện hoạt động tệ nạn mại dâm. Nhiều chuyên gia nhận định con số thực tế còn nhiều hơn thế.
Chỉ riêng tối 29/7, lực lượng chức năng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội (PC 45), lực lượng 141 và công an các quận, huyện thuộc công an TP. Hà Nội đã tổ chức truy quét các điểm nóng về mại dâm và các hoạt động liên quan đến gái gọi trên địa bàn thành phố, bắt giữ trên 200 đối tượng. Khai thác nhanh các đối tượng, lực lượng chức năng cho biết, các đối tượng này đều là tiếp viên dịch vụ cho các quán karaoke hay còn gọi là "gái gọi tàu nhanh". Khi có khách, các quán karaoke sẽ móc nối với những ông chủ giấu mặt, sau đó, các ông chủ này sẽ cho "tổ lái" đưa các "em chân dài" đến điểm hẹn.
Trước chỉ đạo quyết liệt của TP.Hà Nội, đa số lãnh đạo địa phương ủng hộ. Tuy nhiên, không dễ để xử lý dứt điểm được nạn mại dâm trên địa bàn. Trung tá Tống Nguyên Ngọc, Trưởng công an phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Với đặc thù địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự của thành phố và của quận nhưng quân số lực lượng còn mỏng và chưa đủ.
Địa bàn của phường Bạch Đằng với hai tuyến Trần Khánh Dư, Nguyễn Huy Tự từ lâu có số mại dâm lang thang tụ về đây từ nhiều năm. Tuy nhiên, thành phố chưa có giải pháp gì cụ thể. Bên cạnh đó những hạn chế về điều kiện cơ sở hạ tầng, nhiều nơi không có ánh đèn chiếu sáng. Thứ hai là về giải quyết số gái mại dâm tại thời điểm hiện nay mà không có những chế tài, xử lý nghiêm thì sẽ khó triệt tận gốc.
Như hiện nay ở trên địa bàn chúng tôi đang phải nỗ lực phối hợp và có nhiều tổ chức xã hội, các đoàn thể tham gia cắm chốt, đẩy lùi tình trạng mại dâm. Họ di chuyển đi nơi khác chỉ là bước tạm thời vì địa bàn này giảm thì địa bàn khác có thể sẽ tăng. Và, các hoạt động này truy quét cũng không thể liên tục được. Phường Bạch Đằng đuổi, họ lại chạy sang Chương Dương, phường Tràng Tiền hoặc các phường lân cận".
Luật sư Lương Văn Tuấn (văn phòng Luật sư Hà Nội mới) cho rằng: "Chỉ đạo này rõ ràng thể hiện quyết tâm rất cao của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên nó vẫn nặng về thể hiện quyết tâm hơn là tính thực tế. Bởi lẽ, khi đã quy trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương, tất nhiên chúng ta phải quy định những hành vi cụ thể với mức phạt cụ thể. Việc này tất nhiên cần phải ban hành một quy định riêng…".
Theo luật sư Tuấn, thực tế chỉ đạo này không phải là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Đây là một chỉ đạo rất hay của lãnh đạo UBND thành phố. Nó thể hiện tinh thần tiếp thu, tiếp nối những tinh hoa pháp lý của lịch sử. Ngay từ thời Lê sơ, trong bộ luật Hồng Đức đã quy định rất rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của từng "ông quan" địa phương nếu để xảy ra những sai phạm trên địa bàn. Bộ luật quy định rất rõ với mức sai phạm như thế nào thì các quan địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng như thế. Tôi nghĩ, chúng ta cũng nên có điều chỉnh như vậy, ít nhất trong phạm vi xử phạt nạn mại dâm như hiện nay.
Cần một chế tài mạnh hơn để xử lý mại dâm
Xử phạt hành chính chưa đủ răn đe Trung tá Tống Nguyên Ngọc, trưởng công an phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: Nhà nước cần ban hành pháp lệnh cụ thể nào đó thay cho Nghị định để răn đe và xử lý quyết liệt với đối tượng mại dâm. Như hiện nay, chúng ta đang tiến hành xử lý bằng cách phạt hành chính từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng đối với gái mại dâm lang thang. Nhưng cũng rất khó để xử phạt đối tượng này. Gái mại dâm lang thang chỉ là một phần còn gái mại dâm trá hình trong các quán karaoke, mát-xa, tẩm quất. Công tác xử lý nạn mại dâm cũng còn rất nhiều khó khăn nếu không có biện pháp xử lý mạnh, xử lý tận gốc. |
Trung tá Tống Nguyên Ngọc cho biết: "Quan điểm của cá nhân tôi, quy trách nhiệm cho lãnh đạo, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm là đúng. Chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm ở các lĩnh vực khác như đảm bảo trật tự đô thị trật tự chẳng hạn. Ví dụ, như trên các tuyến liên quận là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khoái nếu để xảy ra tình trạng trật tự đô thị phức tạp thì quy trách nhiệm có thể cách chức Trưởng công an phường. Và, như trong chỉ đạo mới nhất của UBND thành phố về trách nhiệm xử lý mại dâm thì chúng tôi lúc nào cũng ở tâm trạng là bị lãnh đạo thành phố kỷ luật, cách chức".
Trung tá Ngọc chia sẻ: "Trách nhiệm của cá nhân tôi và các cán bộ công an bao giờ cũng sát sao trong công việc, chỉ đạo và phối hợp với các ngành, các cấp, cán bộ đơn vị thực hiện nghiêm túc trong việc xử lý, giải quyết tình hình mại dâm trên địa bàn. Hầu như hàng ngày, tôi cùng các các cán bộ công an trên địa bàn thường xuyên phải đi làm đến 11h -12h đêm. Các ban ngành đoàn thể như phụ nữ, bảo vệ, đoàn thanh niên cũng thường xuyên tham gia hỗ trợ. Các bác, các cô tham gia nhiệt tình nhưng đến khoảng thời gian từ 10h đêm đến 2h thì chỉ còn trơ lại lực lượng công an".
Thậm chí, khi các lực lượng công an truy quét và bắt gái mại dâm lang thang đưa về phường, câu cửa miệng của họ là không có tiền nộp phạt. "Số tiền họ nhận sau khi bán dâm, họ cất đi đâu đó chứ có mang theo người đâu? Đưa về công an phường kiểm tra, yêu cầu xử lý thì họ gần như không có một đồng nào trong người. Còn để giữ gái mại dâm tại công an phường trong 24h, rất là khó vì họ là đối tượng nữ mà công an phường chúng tôi không có nhà tạm giữ, không có cán bộ nữ để trông. Thậm chí nhiều gái mại dâm còn gọi người nhà mang con nhỏ đến công an phường rồi cởi quần cởi áo ăn vạ", Trung tá Ngọc kể lại.
Đáng chú ý, theo phân tích của Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm thì tình trạng gia tăng gái hoạt động mại dâm hình thức đứng đường mời chào khách mua dâm ở một số khu vực, địa điểm trên một số tuyến có nguyên nhân chủ yếu do việc thực hiện Điều 2 Nghị quyết số 24/NQ-QH của Quốc hội. Trước đó, theo khoản 1, Điều 2 Nghị quyết 24 của Quốc hội khóa 13, kể từ ngày luật Xử lý vi phạm hành chính được công bố (2/7/2012), sẽ không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đã có gần 900 người từng bán dâm trên cả nước đang được thả, trong đó Hà Nội có 200 người.
Theo luật sư Tuấn, hiện nay trong luật công chức của nước ta cũng quy định trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nếu địa phương đó để xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, những quy định xử phạt cũng rất chung chung, khó xử lý. Vì thế muốn chỉ đạo này thực thi tính hiệu quả, điều quan trọng là các cơ quan ban hành luật phải thảo luận kỹ để đưa ra một bộ luật cụ thể nhằm quy trách nhiệm rõ ràng cho từng nhiệm vụ, sai phạm ở từng cấp khác nhau. Nếu không thì cũng giống như những quy định xử phạt chung chung ở luật công chức trước đây.
Đỗ Thơm - Phạm Thiệu