Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ”

Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ”

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 29/06/2018 19:04

Sáng ngày 29/6, chương trình giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ” đã được diễn ra tại Hà Nội.

Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam ở trong quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và đạt được những kết quả khả quan, GDP tăng ở mức cao, tái cơ cấu nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong những thành quả đó, đóng góp của hệ thống tài chính- tiền tệ rất đáng ghi nhận.

Có thể thấy được, những nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống tài chính - tiền tệ vừa qua đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, giảm chi phí huy động vốn của nền kinh tế và gia tăng mức độ tiếp cận, bao phủ nền tài chính quốc gia. Đặc biệt, thông qua hệ thống tài chính- tiền tệ, công tác định hướng điều hành nền kinh tế của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ngày càng hiệu quả và hiệu lực hơn.

Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ”

Các khách mời tham gia buổi giao lưu chính luận.

Với mục đích cung cấp thông tin đa chiều, tuyên truyền và phổ biến đến quần chúng nhân dân về những vấn đề liên quan đến pháp luật, hoạt động tài chính, an ninh tiền tệ, tạo điều kiện phối hợp với Nhà nước và các tổ chức tài chính trong việc tuyên truyền, hỗ trợ điều hành chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thông qua các buổi giao ban báo chí hàng tuần, trên cơ sở ý tưởng của Nhà báo Nguyễn Đức Đông, nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Người Đưa Tin- Hội Luật gia Việt Nam và được sự đồng thuận của Hội Luật gia Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng cục An ninh (A84), Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) tổ chức buổi giao lưu chính luận "Thông tin truyền thông với An ninh tài chính- tiền tệ" tại Hà Nội.

Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ” (Hình 2).

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc trong chương trình.

Chương trình có sự tham dự của các vị đại biểu, khách mời uy tín trong lĩnh vực báo chí truyền thông, tài chính- tiền tệ và an ninh.

Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ” cho biết: “Lịch sử thế giới đã chứng kiến hàng loạt các cuộc khủng hoảng diễn ra và các cuộc khủng hoảng này hầu hết đều có nguồn gốc từ những bất ổn trong hệ thống tài chính- tiền tệ. Điển hình có thể kể đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 có nguồn gốc từ hệ thống tiền tệ tại các quốc gia Đông Nam Á, và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2009 có nguồn gốc từ hoạt động cho vay dưới chuẩn Hoa Kỳ.

Trong các cuộc khủng hoảng này, đặc điểm thường thấy là những thiếu sót trong hoạt động giám sát, trách nhiệm công bố và minh bạch thông tin của các thành viên trên thị trường. Đặc biệt, công tác truyền thông đã không được thực hiện hiệu quả và kịp thời, khiến tình trạng hỗn loạn, bán tháo tài sản, người dân rút tiền xảy ra, gây ra nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội lâu dài.

Điều này cho thấy, vai trò quan trọng của công tác truyền thông, công bố thông tin và giải trình của các cơ quan quản lý, các tổ chức liên quan trong sự ổn định, an ninh tài chính – tiền tệ và nền kinh tế quốc dân.

Do vậy, truyền thông có vai trò cơ bản với an ninh tài chính - tiền tệ với tổ chức nói riêng và Quốc gia nói chung. Và đây cũng là một vấn đề có phạm vi thông tin rộng, có tính thời sự và thu hút sự chú ý của toàn xã hội”.

Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ” (Hình 3).

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình giao lưu chính luận phát biểu khai mạc chương trình.

Buổi giao lưu tập trung trao đổi các nội dung: Quan niệm về an ninh tài chính – tiền tệ; Xác định thông tin chính xác, an toàn về hệ thống tài chính tiền tệ; Ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an ninh tài chính – tiền tệ; Nâng cao quản trị để ngăn ngừa rủi ro và đảm bảo an ninh tài chính – tiền tệ; Vai trò của báo chí đối với công tác an ninh tài chính – tiền tệ.

Tại buổi giao lưu, chia sẻ về vai trò của truyền thông đối với an ninh tài chính – tiền tệ, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “An ninh tài chính – tiền tệ liên quan trực tiếp đến an ninh của nền kinh tế, an ninh xã hội và trực tiếp liên quan đến thông tin truyền thông. Vì thế, vai trò của thông tin truyền thông đối với an ninh tài chính – tiền tệ là vô cùng quan trọng”.

Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ” (Hình 4).
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhà báo Hồ Quang Lợi cũng cho hay, đối với vấn đề an ninh tài chính - tiền tệ, những tin đồn sai sự thật có tác hại rất nghiêm trọng trên lĩnh vực kinh tế.

Do đó, vấn đề then chốt là giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ thể truyền thông và tin đồn.

Khi các phương tiện truyền thông trở thành “vật dẫn” đưa tin từ không thành có, từ tin đồn biến thành dư luận xã hội, trách nhiệm xã hội nhà báo cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và thẳng thắn hơn.

Nói về công tác đảm bảo an ninh tài chính – tiền tệ quốc gia, Cục trưởng cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư – Tổng cục An ninh, bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh cho hay: “Trong phạm vi, nhiệm vụ được giao chúng tôi đảm bảo an ninh tài chính – tiền tệ thông qua việc phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ, xử lý một số tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến tài chính – tiền tệ… góp phần ổn định tâm lý khách hàng, ổn định thị trường tài chính của đất nước. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi nâng cao vai trò, trách nhiệm của truyền thông đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tài chính, tiền tệ quốc gia”.

Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ” (Hình 5).
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh chia sẻ trong chương trình.

Là người ấp ủ ý tưởng thực hiện chương trình giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với An ninh tài chính, tiền tệ” từ rất lâu, Nhà báo Nguyễn Đức Đông, nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Người Đưa Tin, Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ: “Thông qua các buổi giao ban báo chí hàng tuần, có nhiều văn bản của ngành tài chính, ngân hàng gửi đến đề cập về vấn đề các nhà báo, các cơ quan truyền thông tuyên truyền về ngành ngân hàng, tài chính như thế nào để đảm bảo an toàn?. Đây là vấn đề nóng bỏng, cấp thiết nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, vì thế chúng tôi đã đề xuất với các cơ quan quản lý tổ chức buổi giao lưu chính luận về chủ đề thông tin truyền thông với an ninh tài chính – tiền tệ, thông qua buổi giao lưu này để tìm được hướng đi cởi mở với các nhà báo, cơ quan quản lý và ngành tài chính, ngân hàng để cùng hòa nhập, đảm bảo được an ninh tài chính – tiền tệ quốc gia”.

Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ” (Hình 6).
Nhà báo Nguyễn Đức Đông, nguyên Phó Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Người Đưa Tin.

Bên cạnh đó, trong buổi giao lưu, các chuyên gia cũng đã đưa ra giải pháp xử lý khủng hoảng truyền thông, đặc biệt là những tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến hệ thống tài chính, ngân hàng.

Theo đó, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TS. Cao Sỹ Kiêm đã đưa ra 3 giải pháp xử lý tin đồn: “Tin đồn là tin không chính xác, không rõ ràng, truyền miệng rất nhanh và gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến dư luận xã hội nhất là trong lĩnh vực kinh tế, ngân hàng.

Nếu tin đồn không được xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Để xử lý tin đồn, có 3 biện pháp cần làm: Thứ nhất, hoàn chỉnh tốt hơn các cơ chế và định chế;

Thứ hai, minh bạch công khai số liệu, dân chủ trong cách làm việc để người dân có thể tự so sánh, tự kiểm chứng thông tin đó thật hay giả; Thứ ba, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phụ trách vấn đề này”.

Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ” (Hình 7).
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TS. Cao Sỹ Kiêm.

Thông qua buổi giao lưu, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cũng đã mang lại cách tiếp cận mới, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về vai trò của thông tin truyền thông với an ninh tài chính - tiền tệ. Qua đó, góp phần phát triển thị trường tài chính- tiền tệ một cách hiệu quả và bền vững, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.

Nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị tài trợ:

Nhà tài trợ kim cương: Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank); Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco);

Nhà tài trợ Vàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (Cienco4); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN);

Nhà tài trợ Bạc: Ngân hàng TMCP An Bình (AB bank); Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank);

Nhà tài trợ Đồng: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Và các nhà tài trợ khác Tổng công ty Viglacera- CTCP; Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình; Công ty TNHH Hoàng Ngân; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank); Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB)

Buổi giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ” đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Photo: Thành Long

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.