Xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến vụ xe container tông xe Innova lùi trên cao tốc do báo Người Đưa Tin tổ chức:
Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của các khách mời:
- Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, cục CSGT, bộ Công an.
- Ông Nguyễn Đình Hòa – nguyên Thẩm phán, Chánh án TAND quận Tây Hồ, TP.Hà Nội
- Luật sư Giang Hồng Thanh – văn phòng Luật sư Giang Thanh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội (người bào chữa cho bị cáo - tài xế lái xe container Lê Ngọc Hoàng).
Tại buổi giao lưu trực tuyến, dưới góc nhìn chuyên môn, các khách mời đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về bản án.
Thưa ông Nguyễn Đình Hòa, ngày 2/11 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Hoàng – tài xế container 6 năm tù và bị cáo Ngô Văn Sơn – tài xế Innova 9 năm tù vì tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Sau đó, có nhiều ý kiến cho rằng bản án dành cho bị cáo Hoàng là chưa hợp tình, hợp lý. Quan điểm của ông như thế nào trước ý kiến này?
Là một người đã từng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, trước đây tôi cũng đã từng tham gia các hội đồng xét xử phúc thẩm của TAND TP.Hà Nội. Với cá nhân tôi mặc dù không có hồ sơ trong tay nhưng với nhận định của HĐXX phúc thẩm cho rằng bị cáo Sơn phạm 3 lỗi và bị phạt 9 năm tù, bị cáo Hoàng có lỗi là không chú ý quan sát và không giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện nên đã bị phạt 6 năm tù, tôi thấy quyết định đó đối với bị cáo Sơn là có thể chấp nhận, nhưng riêng đối với bị cáo Hoàng thì bản thân tôi thấy băn khoăn.
Trước hết, nếu HĐXX phúc thẩm đánh giá lỗi của bị cáo Hoàng thì bị cáo Hoàng có thật sự có lỗi trong việc đó không? Tôi không có bản sơ đồ hiện trường trong tay nhưng đối với lời khai và những nhận xét của HĐXX phúc thẩm, tôi thấy rằng có thể ở đây bị cáo Hoàng hoàn toàn bất ngờ với một cái xe Innova đang lùi trên đường cao tốc. Với một xe container đi đằng sau với tốc độ mà xe cồng kềnh chở 26-27 tấn thép như vậy thì có thể nói đây như là 2 xe đang đi đấu đầu nhau. Theo như HĐXX phúc thẩm nhận xét thì bị cáo Hoàng đã rà phanh, bỏ chân ga ra đạp phanh để đảm bảo mức độ an toàn nhưng cũng không thể nào khác được và cuối cùng hậu quả xảy ra thì hậu quả xảy ra đó có nguy hiểm cho xã hội. Đúng hậu quả đó có nguy hiểm cho xã hội nhưng liệu có buộc bị cáo Hoàng có thể phải thấy trước hậu quả đó xảy ra hay không? Và có thể HĐXX xem xét cân nhắc đến sự bất ngờ là một trong những là một trong những ý chính quy định tại điều 11, BLHS năm 2015.
BLHS năm 1999 cũng đã quy định chế định này, sự kiện bất ngờ là trường hợp một người thấy nguy hiểm cho xã hội nhưng không thể thấy trước được hoặc không buộc phải thấy trước được hậu quả do mình thực hiện hành vi đó. Căn cứ nào để đánh giá được có thể không thấy trước hoặc buộc không thể thấy trước. Ở đây phải đánh giá cả yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan thì trong một khoảng cách như vậy, với tốc độ như vậy trên một tuyến đường cao tốc, được quy định rất rõ ngặt nghèo về phương tiện. Xe của bị cáo Hoàng chở hoàn toàn đúng trọng tải, không dùng rượu bia, đi đúng phần làn đường của mình và với một khoảng cách 30m thì theo Đại tá Sơn một chuyên gia về giao thông, cảnh sát giao thông sẽ đánh giá gì với khoảng cách 30m với một tốc độ như thế liệu bị cáo Hoàng có cách xử lý nào khác không? Không thể nhận thức được trong điều kiện không gian, thời gian và địa điểm hoàn cảnh thực tế xảy ra tai nạn như vậy thì làm sao bị cáo Hoàng có thể nhận thức được rằng sẽ có hậu quả đó xảy ra. Không thể nhận thức được trong khoảnh khắc chỉ mấy giây như thế.
Cảm ơn ý kiến của ông Nguyễn Đình Hòa. Thưa luật sư Giang Hồng Thanh, với tư cách là luật sư trực tiếp bào chữa cho bị cáo Hoàng thì anh có ý kiến nào về bản án này?
Trước hết, xin cảm ơn quý báo đã có lời mời chúng tôi đến dự buổi tọa đàm ngày hôm nay. Thứ nhất, là một trong những luật sư trực tiếp của bị cáo Lê Ngọc Hoàng thì cách tiếp cận của chúng tôi không phải là bằng mọi giá để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Hoàng mà chúng tôi chỉ bảo vệ những quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Nếu chúng tôi thấy bị cáo Hoàng có những cái sai thì chúng tôi cũng sẽ không tìm mọi cách để bảo vệ cái sai đó. Bởi lẽ nếu bảo vệ cái sai của bị cáo Hoàng thì chúng tôi sẽ còn có lỗi với 5 mạng người.
Đầu tiên là chết 4 người sau đó chết thêm 1 người nữa. Vấn đề như thế nên khi chúng tôi nghiên cứu và tìm những chứng cứ hợp pháp, hợp lý để tìm mọi cách để bảo vệ hợp pháp cho bị cáo Hoàng. Trong vụ án này, tôi thấy có một vấn đề là cả HĐXX phúc thẩm cũng như HĐXX sơ thẩm căn cứ vào 2 lỗi để quy buộc bị cáo Hoàng có lỗi và khi có lỗi thì sẽ dẫn đến có tội.
Lỗi thứ nhất là không giữ khoảng cách an toàn và lỗi thứ 2 là không giảm tốc độ khi gặp biển cảnh báo nguy hiểm hoặc là gặp chướng ngại vật. Vấn đề lỗi thứ nhất, chúng tôi thấy là mặc dù trích dẫn điều luật nhưng cách hiểu có lẽ là chưa phù hợp, bởi vì với khoản 1 điều 12 Luật Giao thông đường bộ quy định phải giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước, mà như chúng ta đã biết ở đây là xe Innova là xe lùi, nên cá nhân tôi cho rằng không thể áp dụng khoản 1 điều 12 đối với trường hợp của bị cáo Hoàng quy buộc vi phạm lỗi ấy.
Còn lỗi thứ 2, HĐXX cả 2 cấp đã áp dụng điều 5 thông tư số 91 để cho rằng bị cáo Hoàng không giảm tốc độ khi gặp biển cảnh báo nguy hiểm. Ở đây có 2 biển cảnh báo nguy hiểm trên tuyến đường ấy tại nút giao Yên Bình là biển cảnh báo nguy hiểm giao nhau với đường không ưu tiên và biển cảnh báo nguy hiểm là đi chậm. Riêng với biển cảnh báo nguy hiểm đi chậm thì cục Đường bộ đã trả lời biển cảnh báo ấy chỉ có tác dụng đối với lối ra của đường cao tốc chứ không có tác dụng đối với toàn tuyến.
Giả sử, biển cảnh báo nguy hiểm đấy có tác dụng đối với toàn bộ tuyến thì bị cáo Hoàng cũng không vi phạm vì điều luật ấy quy định là phải giảm tốc độ dưới mức tối đa cho phép, mức độ tối đa ở trên đường cao tốc Thái Nguyên là 100km/h, trong khi đó giám sát hành trình ghi nhận là suốt quá trình bị cáo Hoàng đi từ 60-65km/h và 1 phút trước khi xảy ra sự việc là đi với tốc độ 60-63km/h, tức là đến khu vực gặp 2 biển cảnh báo nguy hiểm ấy thì bị cáo Hoàng đã đi dưới mức tối đa cho phép và đương nhiên là không thể đi dưới mức 60km/h bởi vì điều 16 của Luật Giao thông đường bộ quy định các xe không được đi quá mức tối đa và không được đi dưới mức tối thiểu, mức tối thiểu là 60km/h và bị cáo Hoàng đã đi 62km/h.
Như ông Hòa đã nói, có thể trường hợp này coi là sự kiện bất ngờ, thì khi chưa nhìn thấy sự kiện bất ngờ ấy thì không thể buộc bị cáo Hoàng phải đi dưới tốc độ 60km/h, vì như vậy sẽ vi phạm điều 16 của Luật Giao thông đường bộ. Chính vì vậy, quan điểm của tôi cho rằng cả 2 điều luật HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng đối với bị cáo Hoàng thì đều không phù hợp.
Câu hỏi tiếp theo xin được dành cho Đại tá Trần Sơn. Vừa rồi chúng ta cũng đã lắng nghe ý kiến của ông Nguyễn Đình Hòa và luật sư Giang Hồng Thanh . Cơ quan tố tụng đã cáo buộc tài xế Hoàng không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước, là người làm trong lĩnh vực điều tra cũng như hướng dẫn luật giao thông rất lâu, theo ông trong trường hợp như vậy thì tài xế Sơn đang cho xe lùi trên đường cao tốc như vậy thì tài xế Hoàng có thể giữ khoảng cách an toàn được hay không?
Trước hết, tôi chia sẻ ý kiến của 2 vị khách mời. Riêng cá nhân tôi thấy vụ tai nạn giao thông tại cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên xảy ra cách đây gần 2 năm. Đây là 1 vụ xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, 5 người chết và 5 người bị thương và ngay sau khi tai nạn xảy ra thì các cơ quan tố tụng của tỉnh Thái Nguyên đã khẩn trương vào cuộc khám nghiệm hiện trường, điều tra, kết luận nguyên nhân vụ tai nạn rồi chuyển VKS đề nghị truy tố và Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã xét xử sơ thẩm sau đó cũng đã nhiều lần phải dừng, hoãn phiên tòa và mới đây ngày 2/11 đã đưa ra xét xử. Tôi cho rằng, các cơ quan tố tụng của tỉnh Thái Nguyên đã rất thận trọng với vụ án này và sau ngày 2/11, sau phiên phúc thẩm thì báo chí, các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu về pháp lý cũng như cộng đồng mạng đã dậy sóng về những phán quyết của tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Nhiều người cho rằng xét xử tài xế Hoàng với mức án 6 năm tù giam là quá nặng và thậm chí là oan sai. Tôi cho rằng đây là một điều đáng mừng là người dân và các nhà chuyên môn đã quan tâm đến pháp luật của nước nhà và cũng đã lên tiếng với nhiều góc nhìn khác nhau để giúp cho vụ án được sáng tỏ. Những ý kiến đa chiều như thế tôi rất là tôn trọng. Riêng ý kiến cá nhân tôi, vụ án này cần phải được xem xét xử lý một cách công bằng, đúng người đúng tội để mang tính răn đe, giáo dục và có thể xây dựng thành một án lệ.
Qua nghiên cứu về vụ tai nạn, tôi nhận ra 1 vấn đề trong bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng – tài xế lái xe container. Theo đó, việc quy buộc bị cáo Hoàng lỗi Vi phạm về tốc độ và khoảng cách các xe đang chạy trên đường còn nhiều điều chưa hợp lý. Ở đây có thể hiểu rằng, theo điều số 12 của Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định và giữ 1 khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước. Có nghĩa là người điều khiển phương tiện phải dừng lại được an toàn khi tai nạn xảy ra. Như vậy ta có thể hiểu, xe chạy liền trước là 2 xe chạy cùng chiều cùng tịnh tiến. Áp dụng điều này đối với trường hợp của xe đi sau đâm vào xe đang chạy phía trước là hoàn toàn chính xác.
Nhưng ở khía cạnh của vụ tai nạn này, chiếc xe Innova đang lùi trên đường cao tốc. Mà trong quy định, của Luật Giao thông đường bộ đã nêu rõ khoản 2, điều 12 là không được lùi trên đường cao tốc, mà chỉ được chạy theo đúng làn đường quy định, chạy đúng tốc độ quy định không được vượt quá tốc độ tối đa cũng không được vượt quá tốc độ tối thiểu.
Một phương tiện giao thông khi lưu thông trên đường đã là một nguồn nguy hiểm mà khi chạy trên đường cao tốc thì độ nguy hiểm, rủi ro nó còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, tài xế Ngô Văn Sơn ý thức rất kém, sau khi uống rượu vẫn lái xe và trong tình trạng nồng độ cồn cao như vậy, Sơn khả năng cho xe đi lùi sẽ rất khó khăn. Lùi như thế nào, với tốc độ ra sao? Từ đó, việc yêu cầu tài xế Hoàng phải giữ được khoảng cách an toàn với 1 chiếc xe như vậy là điều chưa thỏa đáng. Rõ ràng việc áp dụng điều luật vi phạm về tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước đối với bị cáo Hoàng là chưa chuẩn xác.
Rõ ràng còn rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải làm rõ và theo Đại tá Trần Sơn cũng đề cập đến vấn đề chúng ta nên thực nghiệm lại hiện trường để tái hiện lại vụ án đó để xem các tình tiết, chi tiết trong vụ án có thật sự logic để đưa ra một bản án thật sự thích đáng và tạo được sự đồng thuận cao. Vậy thì ý kiến của ông Nguyễn Đình Hòa về vấn đề này thế nào? Theo ông có nên thực nghiệm lại hiện trường hay không?
Tôi đồng tình với ý kiến của Đại tá Sơn, cần thiết phải thực nghiệm hiện trường để làm rõ các tình tiết có sự kiện bất ngờ và xem bị cáo Hoàng cho bị bất ngờ hay không? Nếu bị cáo Hoàng không thể thấy được hoặc buộc phải thấy được các hậu quả do mình gây ra thì rõ ràng đây là sự kiện bất ngờ. Mà đã là sự kiện bất ngờ thì phải miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Hoàng theo quy định tại điều 11 - BLHS. Chắc chắn TAND tối cao phải xem xét 1 cách cẩn trọng, theo trình tự giám đốc thẩm và có thể vụ án sẽ mở ra 1 hướng mới. Vụ tai nạn đã xảy ra và hậu quả để lại rất thương tâm. Nhưng chúng ta vẫn phải giữ sự minh bạch, công bằng với bị cáo.
Còn theo luật sư Giang Hồng Thanh, chúng ta có nên tái hiện thực nghiệm hiện trường hay không?
Trong phần bào chữa của mình tại TAND tỉnh Thái Nguyên , tôi đã đề nghị hủy bản án sơ thẩm để làm rõ được để thực nghiệm lại hiện trường, làm rõ vị trí va chạm giữa 2 xe cũng như vị trí dừng của xe Innova trước khi lùi và tốc độ lùi của xe Innova.
Riêng về vấn đề dựng lại hiện trường và thực nghiệm điều tra cũng có nhiều ý kiến băn khoăn liệu có thể dựng lại được không? Vấn đề ở đây được đặt ra là không phải dựng lại hiện trường là chúng ta tái hiện lại 1 chiếc xe container với trọng tải là 40 tấn tiến lên và 1 chiếc xe Innova có 11 người đang lùi lại. Không phải như thế, ngay cả trong vụ án xe cứu hỏa đâm vào xe khách trên đường cao tốc Pháp Vân thì cơ quan công an TP.Hà Nội cũng đã dựng lại hiện trường đặt 1 xe ở vị trí này và đặt 1 xe ở vị trí kia để xem vết phanh như thế có phù hợp hay không, ý thức chủ quan của người lái xe như thế nào, điều kiện ánh sáng ra sao…
Như vậy chỉ cần dựng lại hiện trường với 1 hình thức như thế thì chúng ta có thể làm sáng tỏ thêm vị trí va chạm của các xe trên đường và từ đó có thể kết luận Hoàng có bị bất ngờ trong vụ việc này không hoặc Hoàng có thể có 1 phản xạ khác tốt hơn hay không. Rất tiếc, HĐXX phúc thẩm đã không chấp nhận đề nghị của tôi về việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại làm rõ những vấn đề trên. Chính vì vậy, khi tòa đưa 1 bản án đã khiến dư luận hoàn toàn không đồng tình.
Rõ ràng bản án được TAND tỉnh Thái Nguyên đưa ra đã rất nhiều luồng dư luận và có thể nói công chúng rất quan tâm đến vụ án này. Chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến trên mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng, việc bị cáo Ngô Văn Sơn vi phạm 3 lỗi: Lùi trên đường cao tốc, điều khiển ô tô trên đường khi có nồng độ cồn và chở quá số người quy định mới là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn. Còn bị cáo Hoàng rơi vào tình huống bất ngờ nên hoàn toàn không có lỗi. Một giả thiết đặt ra, xe container thay bằng 1 xe taxi, 1 xe con có chở người trên xe thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Vậy ý kiến của Đại tá Trần Sơn như thế nào về giả thiết này?
Tôi tôn trọng ý kiến của bạn đọc. Nhưng ở 1 góc độ của vụ tai nạn giao thông không thể cảm nhận bằng sự cảm tính được mà nó phải căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường, kết quả điều tra. Rất nhiều vấn đề liên quan đến bị cáo Hoàng có vi phạm quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn hay không. Việc quy kết ở 2 lỗi này còn đang khiên cưỡng. Muốn kết luận thì phải điều tra bổ sung. Và tôi rất hoan nghênh việc TAND tối cao đã rút hồ sơ vụ này để lấy ý kiến của các nhà chuyên môn làm rõ những vấn đề mà TAND tỉnh Thái Nguyên cũng như cơ quan tố tụng của tỉnh Thái Nguyên chưa làm rõ được. Chỉ khi nào làm rõ được những vấn đề này, thì mới được kết luận bị cáo Hoàng đã vi phạm về khoảng cách, tốc độ hay không. Tốc độ của xe container từ 62km/h trở về 0 ngay tức khắc trong thực tế có xảy ra hay không? Rất khó. Qua công tác điều tra lại, thực nghiệm hiện trường để kết luận Hoàng mắc lỗi gì, có lỗi hay không có lỗi hay vấp phải sự kiện bất ngờ. Và nếu là sự kiện bất ngờ là không có tội và lỗi hoàn toàn thuộc về lái xe Innova .
Trường hợp không phải xe container mà là 1 xe khác như taxi, xe con thì người ta không chạy với tốc độ này mà lái xe chạy với tốc độ quy định là 80km/h cơ. Tôi xin nhấn mạnh lại, để làm rõ được khoảng cách nào người lái xe phía sau có thể phát hiện được chiếc xe phía trước đang lùi. Đây là 1 việc hết sức quan trọng. Bởi vì trong tâm trí của bị cáo Hoàng chỉ giữ khoảng cách với xe chạy liền trước mình người ta không nghĩ được là sẽ có 1 chiếc xe dám đi lùi trên cao tốc.
Xin hỏi ông Nguyễn Đình Hòa, ông nghĩ sao về giả thiết này?
Tôi cho rằng bị cáo Hoàng hoàn toàn bất ngờ. Dù xe trước là xe taxi hay 1 loại xe gì đi chăng nữa thì với việc đi lùi trên đường cao tốc thì hậu quả vẫn xảy ra ra. Và bị cáo Hoàng cũng không buộc phải thấy trước được.
Thưa luật sư Giang Hồng Thanh, việc HĐXX phúc thẩm vẫn cho rằng bị cáo Hoàng vẫn không chú ý quan sát, không giảm tốc độ an toàn nên 2 xe cách nhau 30m mới phát hiện ra chiếc xe Innova đang lùi và nhấn phanh. Quan điểm của anh như thế nào về vấn đề này?
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Hoàng chưa bao giờ nói rằng, khi nhìn thấy chiếc xe Innova cách 30m mới phanh? Con số 30m không hiểu xuất phát từ đâu? Bị cáo Hoàng có nói, khi nhìn thấy chiếc xe Innova cách 70m đã bắt đầu chuyển chân ga sang chân phanh. Chúng ta phải hiểu với 1 chiếc xe trọng tải 40 tấn khi nhấc chân khỏi chân ga là xe đã đi chậm được rồi. Và khi đó, tài xế Hoàng đã có ý thức chuẩn bị cho xe rẽ sang bên trái, và khi nhận thấy không thể rẽ sang trái đã giẫm phanh, chứ không phải nhìn thấy 30m mới giẫm phanh. Và 1 vấn đề nữa, bị cáo Hoàng đang giẫm phanh thì xe bị cáo Sơn đang lùi chéo. Có nghĩa là, nếu như xe Innova không lùi từ làn khẩn cấp ra làn giữa nơi Hoàng đang đi thì không thể xảy ra tai nạn vì 2 xe đi ở 2 làn khác nhau.
Trong bất kì tình huống nào không được lùi trên đường cao tốc và đối với 1 người lái xe bình thường khi nhìn thấy hình ảnh bất thường, không phải tình trạng phổ biến thì kể cả Hoàng có lỗi đi chăng nữa cũng phải xem xét về tốc độ xử lý về não bộ Hoàng để đưa ra 1 giải pháp tránh gây hậu quả nghiêm trọng như vậy. Chính vì vậy, việc HĐXX phúc thẩm vẫn quy buộc Hoàng không đáp ứng đúng khoảng cách giữa các xe và không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật là không phù hợp.
Một câu hỏi nữa xin dành cho ông Nguyễn Đình Hòa, việc bị cáo Ngô Văn Sơn điều khiển chiếc xe Innova đi lùi trên đường cao tốc; Điều khiển ôtô khi có nồng độ cồn và chở khách vượt quá số người quy định trong khi đó bị cáo Hoàng không hề vi phạm lỗi gì ngoài việc đã tông vào xe Innova đang đi lùi. Tuy nhiên bản án 2 cấp mà TAND tỉnh Thái Nguyên đưa ra, hành vi của 2 bị cáo bị khép vào chung 1 tội danh. Liệu điều này có thỏa đáng hay không?
Như tôi đã nói, ở đây nguyên nhân chính là do bị cáo Sơn lùi xe trên đường cao tốc, còn bị cáo Lê Ngọc Hoàng hoàn toàn không thể nhận thức được và trong tình huống như vậy, Hoàng muốn tránh cũng không thể tránh được và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Do vậy bản án 6 năm tù dành cho bị cáo còn chưa thuyết phục”.
Về phía Đại tá Trần Sơn, ông nhận định gì về quan điểm này?
Nếu mà lỗi hỗn hợp trong vụ tai nạn này thì 2 bị cáo khép vào 1 tội danh là đúng nhưng bản án mà TAND tỉnh Thái Nguyên đưa ra dành cho bị cáo Hoàng không giữ khoảng cách an toàn và không giảm tốc độ là chưa thuyết phục.
Vừa qua, TAND tối cao đã đề nghị rút hồ sơ vụ án. Vậy theo ông Nguyễn Đình Hòa, sau khi rút hồ sơ thì trình tự tiếp theo như thế nào. Và theo ông, sau khi rút hồ sơ điều tra lại thì liệu bị cáo Hoàng có được giảm án hay cao nhất là thoát tội hay không?
Về luật tố tụng hình sự đã quy định rất rõ, sau khi xét xử thì bản án phúc thẩm có hiệu lực, nhưng do có tình tiết mới, có kiến nghị hoặc kháng nghị của VKSND thì Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao sẽ xem xét theo trình tự giám đốc thẩm và phán quyết của Hội đồng thẩm phán của TAND tối cao là phán quyết cuối cùng. Tôi hi vọng Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xem xét 1 cách thấu đáo, thận trọng trước 1 án rất đặc biệt và hi vọng bị cao Hoàng được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.
Là luật sư biện hộ cho bị cáo Hoàng, anh có dự đoán thế nào sau khi rút hồ sơ xem xét ?
Tôi không dám đưa ra dự đoán nhưng tôi bày tỏ mong muốn TAND tối cao sẽ căn cứ vào các tình tiết chưa được xem xét và làm rõ. Chúng ta cần phải mời các chuyên gia pháp lý chuyên gia Vật lý chuyên gia giao thông, dựng lại hiện trường, các kết luận giám định khác để đánh giá vụ án.Từ đó sẽ đưa ra 1 bản án thuyết phục hơn.
Xin trân trọng cảm ơn các khách mời!