Giao lưu trực tuyến: Tù tại gia – Liệu có khả thi?

Giao lưu trực tuyến: Tù tại gia – Liệu có khả thi?

Đỗ Thị Chang

Đỗ Thị Chang

Thứ 4, 21/11/2018 15:00

Trong tư pháp, các cụm từ “quản thúc tại gia”, “giam tại nhà”, “giám sát điện tử” được hiểu là biện pháp giam giữ phạm nhân tại nhà thay vì trong nhà tù. Hình thức này không phải là mới mẻ trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, hình thức “tù tại gia” đang gây tranh cãi.

Trước đó, vào chiều 12/11, tại phiên thảo luận tổ về dự án luật Thi hành án hình sự sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị nghiên cứu hình thức tù tại gia để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Ngay sau đó, ý kiến này tạo ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia cũng như dư luận.

Trước vấn đề đang gây nhiều tranh luận, vào 15h ngày 21/11, báo Người Đưa Tin tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: "Tù tại gia – Liệu có khả thi?” với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý hàng đầu:

Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Duy Vực - nguyên Giám thị Trại giam Phú Sơn 4

Ông Lương Quang Tuấn - nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao.

Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật…

Khai mạc tọa đàm Tù tại gia

Đúng 15h, chương trình giao lưu trực tuyến bắt đầu

Góc nhìn luật gia - Giao lưu trực tuyến: Tù tại gia – Liệu có khả thi?

MC: Mới đây, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức tù tại gia để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông như thế nào về đề xuất này?

Đại tá Nguyễn Duy Vực, nguyên Giám thị trại giam Phú Sơn 4: Tôi nghĩ là đề xuất của đại biểu Hồ Đức Phớc thể hiện tính nhân văn và đạo đức ở Việt Nam, nhưng ở thời điểm này chưa thích hợp. Ở thời điểm hiện tại, tiêu chí ứng xử có văn hóa, tiêu chí để mọi người tự giác thực hiện đúng chính sách và pháp luật ở nước ta còn rất thấp. Những người có đủ điều kiện thực hiện tù tại gia còn nhiều bất cập, còn nhiều ý kiến khác nhau.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Tôi cho rằng ý tưởng này không mới vì thực tế nó đã tồn tại trong cuộc sống, với hình thức: Án treo và trên thế giới người ta đã làm rất nhiều. Có chăng ý tưởng này chỉ mới về việc quản lí hình sự.

Hiện tại, ý thức pháp luật, văn minh pháp lý ở nước ta rất yếu, nếu làm việc này nó để lại nhiều bất cập về kinh tế, quản lí, công nghệ,...

Góc nhìn luật gia - Giao lưu trực tuyến: Tù tại gia – Liệu có khả thi? (Hình 2).

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn

MC: Hình thức tù tại gia không phải là mới mẻ trên thế giới. Đã có rất nhiều các quốc gia áp dụng hình thức này. Vậy, ưu điểm và nhược điểm của hình thức tù tại gia ra sao? Liệu có phù hợp với văn hóa, xã hội của Việt Nam?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Tôi cũng đã có quá trình nghiên cứu việc quản lí người phạm tội ở các nước theo hướng văn minh. Tù tại gia cũng không phải như nhiều người nghĩ, là như 1 cái cũi, cái khóa chân ở nhà. Làm thế nó gây ra phản cảm, mặc cảm còn hơn giam giữ. Khi xã hội văn minh hơn, người ta có nhiều cách giam giữ dù ở nhà. Nếu quản lí tù tại gia sẽ có các chế tài, biện pháp quản lí kèm theo cả về khoa học, nhân lực,... Nếu không được thì sẽ phức tạp hơn, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, áp dụng tù tại gia là rất nhân văn, thay vì phải vào trại giam có người quản lí, tiếp nhận những thông tin không tốt trong đó, có thể ở ngoài tạo ra của cải vật chất, đỡ mặc cảm hơn, có ích cho xã hội... Những trường hợp nặng hơn thì cần phải đưa vào trại giam để có sự cải tạo, định hướng. Nhưng hiện tại trình độ văn minh pháp lý ở nước ta chưa làm được, ở Trung Quốc người ta cũng gắp chip, nhưng không đại trà mà chỉ một số trường hợp.

Việc đưa ra tù tại gia là hết sức bình thường và cần thiết, có thể 1 năm, 5 năm nữa ta chưa làm, nhưng sau 10 năm hoặc lâu hơn chúng ta sẽ làm. Như thế sẽ tốt hơn cho cộng đồng, cho xã hội..

MC: BLHS đã quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ hay án treo (biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện). Vậy, hình thức tù tại gia khác gì hai hình phạt vừa nêu?

Ông Lương Quang Tuấn: Hiện nay, đã có 2 hình phạt là cải tạo không giam giữ và hưởng án treo đều có chế tài nhất định. Như hình thức cải tạo không giam giữ là mức độ phạm tội nhẹ hơn, người phạm tội vẫn đi làm việc và giao cho UBND, địa phương mà đối tượng đang sinh sống giám sát. Còn phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì người phạm tội từ 3 năm tù trở xuống, nhân thân tốt, cư trú rõ ràng… có thể hưởng án treo, giao đối tượng đó cho địa phương giám sát.

Còn hình thức tù tại gia ở thời điểm này chưa phù hợp. Nguyên nhân là bởi điều kiện kinh tế xã hội. Và về khoa học thì ở hình thức nào, cách nào, người đề xuất cần phải đề xuất cách làm chứ đừng “ngẫu hứng ngựa ô”. Khi đưa ra ý tưởng cần nghiên cứu dài, chứ đừng chỉ nêu ra mà chưa có nghiên cứu.
Ví dụ, tù tại gia gắn chíp thì cần phải có hệ thống khoa học làm. Còn cách thứ 2 là buồng giam tại nhà cũng cần nghiên cứu. Bởi, có một điều rất phản cảm ở việc làm buồng giam tại nhà là khi con cái, họ hàng đến nhà thì thấy tội phạm ở trong cũi sắt… Đây là điều vô cùng phản cảm. Luật Hình sự có mục đích là cải tạo người phạm tội, để họ nhận ra lỗi lầm và cải tạo một cách tốt hơn nhưng với cách thức này thì có lẽ chưa đạt.

Góc nhìn luật gia - Giao lưu trực tuyến: Tù tại gia – Liệu có khả thi? (Hình 3).

Ông Lương Quang Tuấn

MC: Nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế của hình thức này là tính cải tạo để phạm nhân trở thành một người có ích hơn cho xã hội sẽ không hiệu quả. Vì họ không thấy được tính nghiêm minh, răn đe khắc nghiệt của pháp luật. Nhiều năm công tác trong lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, theo ông liệu hình thức tù tại gia có đủ sức răn đe, cảm hóa phạm nhân?

Đại tá Nguyễn Duy Vực: Tôi thấy rằng khi con người phạm tội có 2 biện pháp quan trọng, biện pháp một là lấy pháp luật cưỡng chế họ thực hiện bản án đó, thứ hai là tính nhân văn. Đó là 2 cái rất quan trọng trong quá trình quản lý giáo dục con người. Nếu không có điều chỉnh pháp luật ban đầu thì không có tính răn đe, áp lực, buộc người ta phải thực hiện. 

Theo tôi, vấn đề nghiêm minh phải đặt lên đầu tiên. Đưa người ta về tại gia là văn minh, là nhân nghĩa, nhưng ở nước ta hiện nay, án treo không giam giữ thực chất là tại gia. Trong hoàn cảnh đất nước chúng ta hiện nay, đề xuất tù tại gia nên tạm gác lại và cần có lộ trình rõ ràng. Chúng ta phải thận trọng, không nóng vội, nhân văn. Từ những việc nhỏ như cấm hút thuốc lá, rượu bia,... mà chúng ta còn chưa làm được thì việc thực hiện hình thức này là chưa phù hợp. Dân trí ta còn thấp, có khi một vụ "nhìn đểu" còn gây ra vụ án giết người nên hình thức này chưa phù hợp ở nước ta. Đến khi nào phù hợp thì đưa vào luật Thi hành án dân sự.

Góc nhìn luật gia - Giao lưu trực tuyến: Tù tại gia – Liệu có khả thi? (Hình 4).

Đại tá Nguyễn Duy Vực

MC: Hình thức tù tại gia có phù hợp với tâm lý tội phạm ở Việt Nam hay không?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn:  Phải tiếp cận 2 hướng, 1 là những vấn đề giáo dục cải tạo con người, cốt lõi là khơi dậy trong họ tính thiện, mặc dù phải răn đe. Nếu không tư duy theo hướng tích cực mà tiêu cực, tức là chúng ta đang chỉ răn đe mà không thực hiện giáo dục.

Những đối tượng nào được áp dụng tù tại gia? Phải lựa chọn, phải cân nhắc để đảm bảo tính nhân văn, tính giáo dục, vì những đối tượng như vậy được tù tại gia họ sẽ cải tạo tốt hơn, sống tốt hơn, có sức lan tỏa hơn.

Bên cạnh đó, mặt bằng văn minh pháp lí, trình độ dân trí, ý thức còn rất nhiều vấn đề tồn tại và vướng mắc. Nên nếu chúng ta đưa ra bây giờ, với sự mặc cảm xã hội, trước những ánh nhìn xung quanh thì tù tại gia sẽ không mang lại hiệu quả cao, thậm chí là phản tác dụng.

Nghiêm minh ở đây là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.. để làm sao giúp họ nhận ra lỗi lầm, cải tạo, lan tỏa cho những người khác không mắc phải. Có như vậy mới hiệu quả. Để làm được, chúng ta phải có lộ trình, cách tiếp cận một cách tích cực chứ không phải là phủ nhận nó.

MC: Đề xuất tù tại gia là để giảm áp lực chi tiêu của ngân sách Nhà nước, nhưng việc đầu tư công nghệ để theo dõi, phân công đội ngũ cán bộ theo dõi, hoặc xây dựng cơ sở vật chất tại gia... không những không cắt giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn phát sinh ra nhiều vấn đề nghiêm trọng tốn kém hơn hình thức thông thường. Theo ông, hình thức này liệu có khả thi?

Ông Lương Quang Tuấn: Vấn đề có giảm được áp lực về kinh tế hay không thì tôi nghĩ trong điều kiện hiện nay chưa cho phép. Ví dụ, những người đi cải tạo trong trại Thủ Đức, có nhiều phạm nhân khi ra tù có khoản tiền mang về vì họ lao động. Rõ ràng có thể thấy, các trại cải tạo phạm nhân vẫn làm ra của cải vật chất, cơ bản nhất là giáo dục dạy nghề… để phạm nhân ý thức được lao động là vinh quang. Và khi trở về với cuộc sống đối tượng phạm tội có một nghề nhất định.

MC: Nhiều chuyên gia pháp lý lo ngại, hình thức tù tại gia sẽ tạo kẽ hở cho những người phạm tội thoát án tù đồng thời dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực như chạy án… Sự lo ngại này có cơ sở?

Ông Lương Quang Tuấn: Xưa nay trong xã hội vẫn có những hiện tượng chạy án hay chạy tội… Nhưng cần phải giáo dục cho các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật đảm bảo xét xử đúng người đúng tội. Đó là sự răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Như vậy, tính răn đe mới cao. Điều quan trọng là người thực thi pháp luật phải thực hiện tính nghiêm minh chứ không phải hình thức tù tại gia sẽ tạo ra kẽ hở.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Tôi biết dư luận có ý kiến về hình thức này có thể tạo ra nhiều kẽ hở. Điều kiện đầu tiên là cần hệ thống pháp luật chặt chẽ, cần một đội ngũ thực thi đảm bảo. Nhưng bên cạnh đó, còn là ý thức của người dân bởi tâm lý người dân bao giờ cũng là chạy chọt, khi phạm tội bao giờ cũng tìm cách chạy nên bao giờ cũng sẽ nảy sinh các vấn đề. Chúng ta cần nhìn theo hướng tích cực là giảm bớt những gánh nặng về tâm lí, quản lí, cải tạo... Các nước trên thế giới đã làm, nước ta chưa thể làm nhưng cần tư duy là chúng ta sẽ làm, chứ không phải là không làm.

MC: Để có thể đưa hình phạt tù tại gia vào luật thì phải sửa đổi, bổ sung BLHS để thêm hình phạt tù tại gia, lúc đó mới có thể đưa vào Luật Thi hành án hình sự. Vậy nên khi quy định thêm hình thức này cần tính đến hệ thống các hình thức khoan hồng khác như án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, tha tù trước thời hạn có điều kiện… Việc thay đổi này có gặp nhiều khó khăn không?

Ông Lương Quang Tuấn: Khó khăn đầu tiên khi sửa luật xem hình phạt, tội như thế nào có thể hưởng tù tại gia, phạm tội thế nào thì tù hưởng án treo, hay cải tạo không giam giữ… Nhưng, hình thức tù tại gia kéo theo nhiều vấn đề:

Thứ nhất, giáo dục cho họ ra sao, giao cho ai ở gia đình để thường xuyên giáo dục cho đối tượng phạm tội trở thành người lương thiện? Đây là khó khăn cơ bản.

Vấn đề thứ hai, về hình thức quản lý như làm buồng giam để khóa đối tượng phạm tội, gắn chip, xích chân… cần có một hệ thống thông tin đồng bộ thì cũng vô cùng khó khăn vì điều kiện kinh tế xã hội, khoa học… chưa đáp ứng được. Trong điều kiện này, tôi cho rằng 5 năm hay 10 năm nữa thì hình thức này cũng không phù hợp.

Còn việc giáo dục tù tại gia như nhốt vào buồng giam thì rất phản cảm, con cái họ sẽ nghĩ sao khi thấy bố, mẹ nhốt trong buồng như vậy? rồi họ hàng sẽ nghĩ gì?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Khi đưa ra hình thức tù tại gia, sẽ không theo hướng như nhốt, giam, xích,... Mục đích hướng tới của tù tại gia là để họ tự nhận thấy cái sai, họ có điều kiện để cải tạo.
Còn về pháp luật, muốn làm được phải điều chỉnh pháp luật. Phải đảm bảo sự đồng bộ về pháp luật, tức là phải lường trước những tình huống, trường hợp, điều kiện, chứ không phải chung chung,... Đây là một trong những khó khăn. Nên để thực hiện được ý tưởng này, phải có một quá trình nghiên cứu để khi đi vào thực tiễn tránh gặp những vấn đề khó khăn, tiêu cực. Tóm lại là phải có một lộ trình cụ thể.

Đại tá Nguyễn Duy Vực: Những năm vừa qua, ta có Nghị định của Chính phủ về tái hòa nhập cộng đồng, nguyên việc theo dõi người tái hòa nhập cộng đồng đã phải dành ra bao nhiêu thời gian nhưng không thành công. Mặc cảm tù ra trại ở Việt Nam rất cao, mặc dù làm hết sức mình từ việc làm từ thiện như giao thông, trường học, ửng hộ nhưng trong lời nói và giao tiếp vẫn có mặc cảm với những người phạm tội. Đó là những việc rất nhỏ trong quan hệ xã hội nhưng do dân trí của mình còn thấp nên mới xảy ra việc này..

Ta cần hình thành một bộ máy hành chính để quản lý vấn đề này. Xây dựng tiêu chí tù tại gia cũng khó thực hiện, trong đó phải có tiêu chí không gây phương hại đến an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tiêu chí tù tại gia có được đi lao động không, ra ngoài tự do không, tự do làm việc không, có phù hợp văn hóa xã hội, an ninh trật tự ở Việt Nam không. Tôi cho rằng ý tưởng này rất nhân văn, nhân nghĩa, tạo cho con người cuộc sống tốt hơn nhưng nếu họ không đủ điều kiện, nếu đưa hình thức này ra lại ảnh hưởng đến gia đình họ thì cần xem xét lại.

Để tiếp cận ý tưởng tù tại gia thì các Đại biểu Quốc hội phải suy nghĩ, đắn đo, xây dựng lộ trình để phù hợp với tình hình an ninh, chính trị ở nước ta hiện nay. Tóm lại, ý tưởng tù tại gia là một ý tưởng tuyệt vời nhưng ở thời điểm hiện tại rất khó khăn, cần phải cân nhắc lại.

Tù tại gia – Liệu có khả thi?

Nhóm PV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.