Giáo sư mặc quần đùi giảng bài: Tri thức không nằm ở cái quần

Giáo sư mặc quần đùi giảng bài: Tri thức không nằm ở cái quần

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 4, 26/04/2017 10:41

Đằng sau chuyện giáo sư mặc quần đùi lên giảng đường để nói chuyện với sinh viên về chủ đề sáng tạo là câu chuyện muôn thuở về tầm nhìn và tư duy của người Việt.

Không phải ngẫu nhiên mà GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen lại chọn quần đùi làm trang phục để nói chuyện với sinh viên về sự sáng tạo. Tuy có cách gọi khác nhau theo vùng miền, song quần đùi, quần cụt hay quần xà lỏn đều cùng chỉ loại quần có ống ngắn đến nửa đùi, vô cùng quen thuộc với người Việt.

Quần đùi thường được may bằng loại vải mềm, nếu không dễ nhăn thì cũng bóng như tráng mỡ; lại chưa đủ độ dài cần thiết như quần short để tự tin mặc ra đường mà không sợ bị người khác nghi ngờ về độ bình thường của thần kinh. Cũng vì người ta chỉ mặc quần đùi khi đi ngủ hoặc bên trong quần tây, nên nhìn chung quần đùi vẫn giữ được kiểu dáng, thiết kế “nguyên thủy” trên thị trường nội địa .

Những tưởng quần đùi sẽ tiếp tục bị giấu ở nơi kín đáo thêm vài chục, vài trăm năm nữa nhưng không, khi một vị giáo sư biến nó thành giáo cụ trực quan thì từ khóa “quần đùi” đã trở thành tâm điểm của sự chú ý. Trong khi GS Trương Nguyện Thành “muốn tạo điểm nhấn để sinh viên hiểu rằng muốn phát triển tư duy sáng tạo thì chính bản thân bạn phải gỡ bỏ mọi rào cản, định kiến hay những vướng mắc ngay trong chính tư tưởng” thì dân mạng lại muốn ông thay bộ quần áo “không phù hợp với môi trường sư phạm” đó trước khi lên lớp dạy học. Trước những tranh cãi, lập luận tưởng chừng như vô tận trên mạng, GS Thành vẫn bảo vệ quan điểm mặc quần đùi, áo thun (có buổi học, ông cắt một ống tay và khoét một lỗ ở bụng áo) khi hướng dẫn sinh viên của mình phát triển tư duy sáng tạo.

Xi nhan Trái Phải - Giáo sư mặc quần đùi giảng bài: Tri thức không nằm ở cái quần

 Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc quần đùi khi giảng dạy, nói chuyện với sinh viên. Ảnh: Internet. 

Sự xét nét quen thuộc của dân mạng về cách dạy học “khác người”, “hoàn toàn xa lạ với nền văn hóa Á Đông) của GS Thành phải chăng bị ảnh hưởng bởi lối giáo dục gò ép theo suy nghĩ chủ quan của giáo viên – nguyên nhân thui chột óc sáng tạo, tầm nhìn, tư duy của các thế hệ học trò. Hồi học phổ thông, có khi nào bạn tự hỏi: Sao cứ phải bắt đầu một bài tập làm văn bằng câu: “Trong các loài hoa/vật…, em thích nhất là hoa/con…”? Sao cứ phải dạy trẻ con ngưỡng mộ những nhân vật cổ tích chỉ biết khóc lóc để thần thánh chở che, giúp đỡ?

Phải chăng vì đã quá quen với hình ảnh người thầy vốn rất chỉn chu trong những bài văn mẫu từng phải học thuộc lòng để được điểm cao nên người ta không thể gạt bỏ được sự nghi ngờ, thậm chí là thái độ thiếu tôn trọng với một vị giáo sư được mời về giảng dạy môn hóa lượng tử tại đại học Utah từ năm 1992 và được đánh giá là một trong những nhà khoa học trẻ triển vọng của Mỹ?

Sự tiếp thu của sinh viên sau giờ học vốn không nằm ở cái quần, cái áo của người thầy – thứ duy nhất bạn thấy được dưới góc nhìn thiển cận. Hơn nữa, đây là bộ trang phục dành riêng cho lớp học về lộ trình sáng tạo, việc ai đó đăng bức hình giáo sư mặc quần đùi, áo thun trên giảng đường rồi bình luận như thể đó là trang phục dạy học thường ngày của giáo sư mới đáng bị lên án, chỉ trích.

Trương Chi

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.