Ngày 30/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc trao đổi với các chuyên gia để góp ý một số vấn đề về giáo dục, đặc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia sau khi xảy ra những tiêu cực sửa điểm ở Hà Giang, Sơn La.
Nguyên Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng là một trong những chuyên gia được mời tham dự cuộc họp trên. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Cuộc họp dự kiến chỉ diễn ra buổi sáng, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến nên đã kéo dài đến hết buổi chiều. Thậm chí, Phó Thủ tướng còn cởi mở, nói vui rằng “nếu vẫn còn ý kiến thì sẽ tiếp tục lắng nghe, kể cả đến 9h tối”. Điều đó thể hiện Chính phủ rất cầu thị, quan tâm, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia”.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ nhận trách nhiệm về 2 vấn đề. Thứ nhất là có đề thi khó, chưa phù hợp với đa số học sinh. Thứ hai là có lỗ hổng trong quy trình công nghệ, bảo mật thông tin.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, từ sang năm trở đi không để lặp lại những “lỗ hổng” như vừa qua. Việc khắc phục bằng biện pháp là phải có những người phản biện đầy đủ về đề thi. Ngoài ra, đề nghị 2 chuyên gia là TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng cục Công nghệ thông tin của bộ GD&ĐT và TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường đại học FPT giúp bộ GD&ĐT đổi mới công nghệ.
Phó Thủ tướng yêu cầu bộ GD&ĐT không để các tỉnh chấm thi nữa và dùng cáp quang chuyển toàn bộ dữ liệu bài thi về Bộ chấm. Kể cả các bài thi tự luận cũng có thể quét được… Tóm lại là các địa phương chỉ coi thi, không chấm thi, như vậy thì sơ hở rất khó xảy ra và sẽ khách quan hơn”.
Vị Giáo sư nhấn mạnh: “Đối với các địa phương, việc làm cần nhất là coi thi nghiêm chỉnh. Đây là công việc của toàn xã hội nên cũng là trách nhiệm của địa phương, kể cả người đứng đầu địa phương”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ thêm: “Việc Bộ trưởng bộ GD&ĐT thay mặt Bộ nhận 2 thiếu sót là đúng. Những bất cập cần phải được sửa chữa ngay.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải thừa nhận kỳ thi 2 trong 1 là cần thiết, tiến bộ và ưu việt trong giai đoạn hiện nay. Khoảng 500 trường đại học, cao đẳng không thể tổ chức 500 cuộc thi, rất tốn kém và không an toàn cho thí sinh cũng như cho các phụ huynh đi thi cùng.
Kiểu thi 2 trong 1 là tốt nhưng mà tôi cho rằng cách làm thì chưa tốt, vẫn còn sơ hở trong đề thi và quản lý công nghệ”.
Xung quanh một số ý kiến cho rằng, trong 1 đề thi nên có cả phần trắc nghiệm và tự luận để giảm bớt tiêu cực, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu quan điểm: “Nếu bây giờ địa phương không chấm thi nữa thì không cần thiết trong 1 đề thi có cả phần trắc nghiệm và tự luận. Tôi nghĩ, thi trắc nghiệm vẫn hoàn toàn có thể đánh giá được năng lực học sinh. Hơn nữa, trong 1 phòng thi có rất nhiều đề thi, kể cả thí sinh ngồi cạnh nhau cũng không thể cóp bài được.
Ý cuối cùng tôi muốn nói là cần xử lý hình sự đối với các vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong thi cử để mang tính chất răn đe, giáo dục chung”.