Theo thống kê của bộ GD&ĐT, có tới 83% thí sinh bị điểm dưới trung bình môn Lịch sử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua. Đây là con số thấp kỷ lục trong các năm. Việc này đã khiến cho những người làm sử học không khỏi băn khoăn. GS.TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, lý do trực tiếp khiến điểm thi môn Lịch sử năm nay thấp chính là do cách ra đề của bộ GD&ĐT.
GS. Bình nói: “Năm ngoái, điểm Sử không tồi, năm nay bất ngờ rơi xuống mặt đất. Không thể đổ tất cho quá trình dạy học, cũng không thể đổ cho giáo viên. Tôi tin giáo viên và học sinh cũng đã rất cố gắng. Theo tôi, nguyên nhân chính là đề thi của Bộ ra quá khó. Có câu tôi đã mất 3 phút nhưng không thể tìm câu trả lời. Đáp án mà người ra đề đưa ra là họ tự nghĩ ra, chứ trong SGK không hề có những khái niệm ấy”.
“Có câu người ta đã thay đổi khái niệm để đánh đố học sinh, mà việc đó là hoàn toàn sai. Ví dụ như khái niệm “Âm mưu chiến lược”, trong sách giáo khoa chỉ có “âm mưu cơ bản”, “âm mưu lâu dài”…”, thầy Bình lấy ví dụ về việc ra đề thi.
GS.TS Đỗ Thanh Bình cho biết, hậu quả của việc ra đề như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Ông nói: “Các em muốn điểm cao với đề như năm nay phải học giáo trình đại học chuyên ngành Lịch sử. Chưa kể theo lộ trình, Bộ thông báo đề thi sẽ thêm 10% kiến thức lớp 11, 10% kiến thức lớp 10 lại càng nặng nề hơn. Không “khoanh vùng” nào về việc 10% đó nằm ở đoạn nào, từ đó học sinh phải ôn toàn bộ chương trình”.
“Tưởng chừng như việc thi đổi mới sẽ giúp các em giảm đi áp lực học hành, nhưng như thế này thì hoàn toàn ngược lại. Tôi phản đối việc cho học sinh thi Lịch sử bằng phương pháp trắc nghiệm, nó sẽ phá nát việc học Sử của học sinh. Nhìn xa hơn, không chỉ môn Sử bị ảnh hưởng từ cách thi này, mà các môn khác cũng vậy. Từ đó, đầu vào các trường đại học bị ảnh hưởng”, GS. Bình nói.
Minh chứng cho việc này, GS. Bình cho hay: “Bộ đã bê nguyên một chương trình chưa được chứng minh chất lượng thực tiễn từ đại học Quốc gia sang. Nhiều giảng viên ở trường đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói với tôi rằng, chất lượng sinh viên từ những kỳ thi trắc nghiệm đánh giá năng lực này là rất tệ”.
Cuối cùng, nguyên Trưởng khoa Sử của ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, cần ngay lập tức dừng việc tổ chức thi môn Sử theo cách như hiện nay. Ông nêu quan điểm: “Nếu làm luôn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thí sinh, nhưng trước mắt không được cho thêm kiến thức lớp 10, 11 vào đề thi nữa để giảm tải áp lực cho các em. Dần dần, phải đưa môn Sử về thi theo hình thức tự luận truyền thống”.