Bí quyết bước qua sợ hãi
Trong cuộc sống, chúng ta thường hay mắc phải những nỗi sợ hãi. Đó là rào cản rất lớn khiến chúng ta khó hiện thực hóa ước mơ của mình.
Theo giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành, để muốn có cái gì chưa hề có, chúng ta phải làm những gì chưa hề làm. Và khi quyết định làm những cái chưa hề làm thì khả năng thất bại có thể xảy ra. Nhưng quan trọng, chúng ta phải vượt qua thất vọng và rút ra bài học kinh nghiệm để đạt được mục tiêu.
GS Thành cho hay, chúng ta thường gặp rất nhiều nỗi sợ trong cuộc sống. Đó là, bạn không dám thổ lộ trong tình yêu vì sợ người đó chối từ tình cảm. Khi có người yêu thì sợ mất tự do nên bạn không dám lập gia đình. Rồi khi có gia đình, vì một lí do nào đó khiến cuộc sống không hạnh phúc nhưng bạn lại không dám hành động để thay đổi một cách tích cực hơn.
Hoặc là ở trên giảng đường đại học, sinh viên muốn sống tự lập để tự do nhưng lại sợ mất đi sự che chở và phụ cấp từ gia đình. Khi ra trường, tân cử nhân, kĩ sư,… muốn đến một môi trường khác làm việc để có thêm cơ hội nhưng họ lại sợ thay đổi sự xáo trộn trong cuộc sống vì nhiều thói quen đã ăn sâu vào suy nghĩ.
GS Thành sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành hóa, có công ăn việc làm ổn định tại một trường đại học danh giá ở Mỹ và cuộc sống không còn khó khăn nhưng ông vẫn có những nỗi lo sợ khác.
“Tôi muốn một ngày nào đó đạp xe xuyên Việt để tìm lại quê hương của mình và cho con trai biết về văn hóa xã hội nơi quê cha. Nhưng tôi cũng có nỗi sợ vì bị bệnh tiểu đường, sợ về an toàn giao thông rồi không có nhiều kinh nghiệm về đạp xe xa như thế”, GS Thành liệt kê những nỗi sợ mà ông găp phải.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mơ ước, GS Thành đã nhờ vào 3 phương pháp trong tâm lí học hành vi, đó là:
Thứ nhất, thay đổi nhận thức: GS Thành kể ra tất cả những nỗi sợ hãi của mình, cái nào kiểm soát được và cái nào không kiểm soát được. Ví dụ, sợ mất an toàn giao thông thì chọn đạp xe theo đường mòn. Sợ sức khỏe chưa đảm bảo thì tập thể dục hàng ngày khoảng 15-20 phút. Còn khí hậu nóng không kiểm soát được thì chọn cách đội nón rộng vành và thoa kem chống nắng.
Thứ hai, chia sẻ cảm xúc với bạn bè và những người có kinh nghiệm. GS Thành cho biết, nếu sợ hãi trong chuyến đi, ông sẽ mướn hoặc nhờ những người có kinh nghiệm đồng hành với châm ngôn “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
Thứ 3, muốn làm chuyện lớn thì phải bắt đầu từ chuyện nhỏ và làm từng bước một. GS Thành dẫn chứng: “Nếu tôi nói với con trai đạp xe đi du lịch vài ngàn cây số (km) hay vài trăm cây số thì con tôi cũng không đi vì nó là công tử bột. Tôi nói với con là, về Việt Nam và đi du lịch một chuyến bằng xe đạp. Khi con hỏi đi bao xa, tôi nói đi vài chục cây rồi nghỉ, thế là con phấn khởi và vui vẻ đi”.
“Khi đi được hơn 400 cây số, cậu ta nhận thức được rằng, đó cũng không phải là vấn đề gì quá lớn lao lắm. Con tôi còn nói, sau này cũng muốn đi trải nghiệm như thế cho dù phải trải qua 1.000 cây số hay nhiều hơn thế nữa”, GS Thành kể thêm.
Nếu thực hiện được 3 bước như trên, thì nỗi sợ không còn to tát và chúng ta có thể vượt qua một cách dễ dàng. Khi đó, chúng ta sẽ thành công và hiện thực hóa được ước mơ của mình.
Phải bỏ rào cản về tư tưởng
GS Thành sinh năm 1961, là tiến sĩ ngành hóa và tính toán, có hai bằng sáng chế quốc tế về Công nghệ thông tin. Ông tham gia giảng dạy cho nhiều trường đại học lớn ở Mỹ.
Ông được đại học Hoa Sen (TP.HCM) mời về làm Phó Hiệu trưởng điều hành. Trong một tiết sinh hoạt, GS Thành mặc quần short, áo thun nói chuyện trước sinh viên và cái tên “GS quần đùi” cũng gắn luôn với ông từ đó.
Sở dĩ GS Thành mặc quần đùi thuyết giảng trước sinh viên vì ông muốn gửi đến các bạn trẻ một thông điệp: “Để phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng”.
Tuy nhiên, những hình ảnh này đã ngay lập tức gây chú ý trên mạng xã hội và có nhiều lời bình trái chiều. Nhiều bình luận cho rằng GS Thành mặc như vậy lên giảng đường là phản cảm, không phù hợp với văn hóa phương Đông, đặc biệt đối với một người trong ngành giáo dục.
Sau đó, GS Thành được đại học Hoa Sen mời làm hiệu trưởng nhà trường nhưng không được các cấp có thẩm quyền công nhận vì “chưa đủ 5 năm quản lý ở cấp khoa/phòng” theo điều 20 luật Giáo dục đại học.
Hiện tại, ông làm giảng viên của một trường đại học ở Mỹ và thường có những clip khuyên răn bạn trẻ những bài học gần gũi, thiết thực trong cuộc sống.
Phan Thế Hoài