Thời gian gần đây, trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, không khó để nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt đó là số vụ vi phạm giao thông giảm đáng kể, người dân đi xe máy tự giác đội mũ bảo hiểm, ô tô tuân thủ nghiêm tín hiệu đèn, còn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu cũng thưa dần.
Tất cả đều bắt nguồn từ Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ đầu tháng 1 vừa qua.
Không chỉ nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng như chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi lái xe hay không đội mũ bảo hiểm,... Nghị định 168 còn hướng đến việc thay đổi thói quen tham gia giao thông của người dân, tự giác tuân thủ quy tắc giao thông.

Chỉ sau thời gian ngắn thực hiện, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã nhanh chóng được người dân cả nước nghiêm túc thực hiện, góp phần nâng cao ý thức giao thông văn minh, an toàn (Ảnh: Kim Thoa).
Ông Nguyễn Văn Thắng - một tài xế xe tải tại Hà Nội chia sẻ với Người Đưa Tin: "Trước đây, đôi khi chạy nhanh một chút để kịp giờ giao hàng. Nhưng giờ thì không dám, vì chỉ cần vượt quá tốc độ 5-10km/h thôi là có thể bị phạt đến cả chục triệu đồng. Mà quan trọng hơn là tôi hiểu rằng, chậm một chút nhưng an toàn vẫn hơn".
Không chỉ người lái xe, mà cả người đi bộ cũng thay đổi hành vi. Bà Lê Thanh Hương - nhân viên văn phòng ở quận Hoàn Kiếm nói: "Trước kia, tôi hay băng qua đường chỗ nào tiện mà không cần qua vạch sang đường.
Nhưng giờ ý thức được mức phạt và cả nguy cơ tai nạn, tôi luôn tìm lối đi hợp lý hơn. Thực ra, không phải là do sợ bị phạt, mà mình thấy tôn trọng luật lệ cũng chính là tôn trọng bản thân và người khác".
Những con số biết nói
Theo báo cáo từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong tháng đầu tiên của năm 2025, toàn quốc đã xảy ra 1.702 vụ tai nạn giao thông, làm 917 người tử vong và 1.163 người bị thương.
Tuy nhiên, so với tháng trước khi Nghị định 168 chưa được áp dụng, số vụ tai nạn đã giảm 18,25%, số người tử vong giảm 9,83% và số người bị thương giảm 20,12%. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ luật giao thông của người dân.
Tại Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội thông tin, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 24.080 trường hợp vi phạm, giảm 18.160 trường hợp so với thời gian trước đó.
Trong đó, 7.438 trường hợp bị tạm giữ và 1.050 giấy phép lái xe bị tước. Đặc biệt, số vụ vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh với 5.800 trường hợp, giảm 3.387 trường hợp so với trước. Các lỗi vi phạm khác như tốc độ, quá tải, vượt đèn đỏ, và không đội mũ bảo hiểm cũng giảm đáng kể.

Người dân đi xe máy tự giác đội mũ bảo hiểm, ô tô tuân thủ nghiêm tín hiệu đèn giao thông (Ảnh: Kim Thoa).
Về tai nạn giao thông, Hà Nội ghi nhận 94 vụ, làm 59 người tử vong và 72 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 38 vụ, số người tử vong giảm 8 và số người bị thương giảm 21. Những con số này cho thấy hiệu quả rõ rệt của Nghị định 168 trong việc giảm thiểu tai nạn và nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Tại Tp.HCM, giao thông ở các tuyến đường trọng điểm như: Ngã tư Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Trỗi,..... đã có sự thay đổi rõ rệt.
Nếu trước đây, vào giờ cao điểm, các tuyến đường này luôn trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, thì nay dòng phương tiện lưu thông trật tự, có tổ chức hơn.
Trong thời gian qua, Cảnh sát giao thông (CSGT) Tp.HCM đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Cụ thể, đã có 560 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, 529 trường hợp đi ngược chiều, 1.401 trường hợp đi không đúng làn đường bị xử lý.
Đáng chú ý, sau Tết Nguyên đán, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì ổn định, không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Theo thống kê từ Công an Tp.HCM, từ ngày 1/1/2025 đến 31/1/2025, thành phố ghi nhận 71 vụ tai nạn giao thông (kể cả va chạm), làm 35 người tử vong và 36 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, số vụ tai nạn giảm 92 vụ (-56%), số người chết giảm 5 người (-13%) và số người bị thương giảm 83 người (-70%).
Không chỉ tại các thành phố lớn, tại tỉnh Tuyên Quang, tình hình TTATGT cũng có những chuyển biến tích cực. Các vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, chạy xe trên vỉa hè, dừng đỗ sai quy định đã giảm đáng kể.
Đặc biệt, tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu bia cũng giảm mạnh. Để đạt được kết quả này, lực lượng CSGT tại tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xử lý vi phạm đúng người, đúng lỗi.
Theo thống kê của Phòng CSGT tỉnh Tuyên Quang, trong giai đoạn từ 15/12/2024 đến 14/02/2025, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện 3.550 trường hợp vi phạm giao thông với tổng số tiền phạt lên đến 10,18 tỷ đồng.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang kiểm tra nồng độ cồn các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông.
Trong đó, có 1.270 phương tiện bị tạm giữ, 539 trường hợp bị tước giấy phép lái xe và 365 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe. So với giai đoạn trước liền kề, số trường hợp vi phạm tăng 795, số tiền phạt tăng hơn 4,48 tỷ đồng, số phương tiện tạm giữ tăng 273 trường hợp.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Thiếu tá Phạm Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang nhận định: "Từ khi thực hiện Nghị định 168, tình hình TTATGT trên địa bàn đã có những chuyển biến rất tích cực. Các hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông như không chấp hành tín hiệu giao thông, chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, vi phạm nồng độ cồn, ma túy đều bị xử lý nghiêm.
Nhờ đó, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, tai nạn giảm 10% (từ 20 vụ xuống 18 vụ), số người chết giảm 10% (từ 10 người xuống 9 người), số người bị thương giảm 14,28% (từ 14 người xuống 12 người)".
Ứng dụng công nghệ giám sát giao thông
Dù vậy, trong giai đoạn đầu thực thi Nghị định 168, lực lượng CSGT vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.
Theo Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, nhiều người vẫn giữ thói quen cũ, khi bị dừng xe kiểm tra, họ lập tức dùng điện thoại gọi cho người thân thay vì chấp hành ngay lệnh của cảnh sát. Điều này không chỉ làm chậm trễ quá trình xử lý vi phạm mà còn gây áp lực lên lực lượng chức năng, đặc biệt là trong bối cảnh giao thông đông đúc và phức tạp.
"Với tinh thần 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ', lực lượng CSGT đã kiên quyết xử lý nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm. Bất kể người vi phạm là ai, có quen biết hay không, tất cả đều phải tuân thủ quy định của pháp luật", Thiếu tá Phạm Văn Tuấn khẳng định.

Thiếu tá Phạm Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Kim Thoa).
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả kiểm soát giao thông, lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác giám sát và xử phạt. Hệ thống camera phạt nguội được triển khai rộng rãi tại nhiều tuyến đường, đặc biệt là tại các nút giao thông trọng điểm.
"Nhờ đó, ngay cả khi không có lực lượng CSGT đứng chốt để phân luồng và điều tiết giao thông, các phương tiện vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh. Nếu có hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi sai làn, dừng đỗ sai quy định, hệ thống camera sẽ tự động ghi nhận và truyền dữ liệu về trung tâm chỉ huy, làm căn cứ xử phạt nguội", Thiếu tá Tuấn nói.
Tại Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đánh giá, tình hình TTATGT trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định, an toàn. Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của người dân, đã tạo ra một môi trường giao thông trật tự hơn.

Để nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân tốt hơn, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã nâng cấp, cải thiện giao diện hệ thống phản ánh giao thông, bổ sung nhiều tiện ích mới.
Đặc biệt, người dân ngày càng chủ động phối hợp với lực lượng chức năng bằng cách cung cấp thông tin, tài liệu về các vi phạm giao thông, giúp cơ quan chức năng xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Để nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân tốt hơn, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã nâng cấp, cải thiện giao diện hệ thống phản ánh giao thông, bổ sung nhiều tiện ích mới. Người dân hiện có thể gửi thông tin, hình ảnh, video phản ánh vi phạm qua nhiều kênh như ứng dụng VNeTraffic, iHanoi, đường dây nóng của Cục CSGT và Phòng CSGT Hà Nội.
Đặc biệt, tài khoản Zalo của Phòng CSGT Hà Nội, đưa vào hoạt động từ tháng 8/2023, đã tiếp nhận 7.797 tin phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT. Sau quá trình kiểm tra, xác minh, các đơn vị chức năng đã xử phạt 2.609 trường hợp vi phạm. Đồng thời, số lượng người quan tâm đến tài khoản này đã đạt 29.171, với 9.108 lượt tin nhắn tương tác.
Để minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Phòng CSGT cũng đã công khai danh sách các điểm có camera giám sát phạt nguội, giúp người dân chủ động hơn trong việc chấp hành luật giao thông.
Những chuyển biến tích cực này là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của Nghị định 168 trong công tác bảo đảm TTATGT.
Việc kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giám sát và xử lý vi phạm không chỉ giúp kéo giảm tai nạn giao thông mà còn nâng cao ý thức của người dân, hướng đến xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và hiện đại hơn.