Chiều 14/9, ghi nhận của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật tại đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long mặc dù có biển báo giao thông cấm các phương tiện rẽ trái hay biển cấm đi ngược chiều nhưng các phương tiện vẫn nối đuôi nhau, ngang nhiên vi phạm luật Giao thông đường bộ. Vào giờ cao điểm, hàng trăm phương tiện chạy ngược chiều nối đuôi nhau trên tuyến đường này mà không chút e ngại. Để rút ngắn một đoạn đường đi mà những người đi ngược chiều trên đường đã cố tình đặt mình và các phương tiện giao thông khác vào tình thế nguy hiểm.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngồi quan sát, PV đã không thể đếm hết số lượng người và phương tiện di chuyển ngược chiều trên đoạn đường này. Nhiều người thậm chí còn chở cồng kềnh, không đội mũ bảo hiểm.
Nhận định về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết, việc các phương tiện đặc biệt là xe máy lưu thông trên đường phố Hà Nội đi ngược chiều là chuyện không hiếm gặp.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người điều khiển xe máy đi ngược chiều của đường một chiều hoặc đi ngược chiều trên đường có biển cấm "Đi ngược chiều" trừ xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 4 tháng.
Theo luật sư Cường phân tích, thực tế hiện nay hầu hết người dân đều có nhận thức pháp luật về lỗi đi ngược chiều và biết đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm. Thế nhưng tình trạng đi ngược chiều tại các thành phố lớn có mật độ tham gia giao thông cao vẫn diễn ra thường xuyên trên nhiều tuyến đường, tuyến phố, đặc biệt là tại Hà Nội. Nguyên nhân của tình trạng này một phần xuất phát từ ý thức chấp hành luật giao thông kém của người tham gia giao thông, bất chấp hậu quả.
Một phần cũng xuất phát từ tình trạng xử lý vi phạm giao thông chưa nghiêm từ cơ quan chức năng, khiến một bộ phận người tham gia giao thông nhờn luật.
Đặc biết, luật sư Cường nhấn mạnh một nguyên nhân khiến cơ quan chức năng cũng cần phải suy nghĩ và nghiên cứu đó là vấn đề về hạ tầng giao thông. Thực tế là hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông của nước ta vẫn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa hợp lý.
Nhất là tại thành phố lớn như Hà Nội thì cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông. Tình trạng ách tắc giao thông vẫn diễn ra thường xuyên. Chính vì ùn tắc kéo dài, thời gian chờ đợi để thông đường lâu, lại gánh nặng về gia đình, công việc mà nhiều người dân dù biết là không hợp pháp, biết là nguy hiểm nhưng vẫn lựa chọn giải pháp bất lợi là đi ngược chiều, ngược đường. Rất nhiều người ngại đi vòng vì sợ xa, mất thời gian nên lựa chọn đi ngược chiều vài trăm mét để đến địa điểm hơn là khi phải đi một đoạn đường dài gấp mấy lần.
“Việc đi ngược chiều khi tham gia giao thông là rất nguy hiểm, có thể gây ra những vụ va chạm giao thông, thậm chí còn có thể xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Rõ ràng đi ngược chiều không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với các phương tiện tham gia giao thông khác. Bởi vậy, dù vì bất kỳ nguyên nhân nào thì hành vi đi ngược chiều khi tham gia giao thông cũng đáng lên án và cần phải bị xử phạt nghiêm minh”, luật sư Cường cho hay.
Luật sư Cường đưa ra lời khuyên, trong khi chờ sự hoàn thiện, thuận tiện từ phía cơ sở hạ tầng giao thông thì trước hết mỗi người tham gia giao thông nên tự giác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng nhằm xây dựng một môi trường văn hóa giao thông an toàn văn minh trong đô thị.
Còn theo Đại uý Trần Quang Chinh, Đội phó đội CSGT số 6 (phòng CSGT Công an TP.Hà Nội), tình trạng người dân điều khiển xe máy đi ngược chiều tại đường gom đại lộ Thăng Long đã tồn tại từ nhiều năm nay. Để xử lý tình trạng trên, đơn vị đã thường xuyên bố trí lực lượng phối hợp với đội CSGT số 11 để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Liên - Tùng - Lâm