Ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, các tuyến đường như Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3), đường 3/2 (quận 10), Quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức) luôn trong tình trạng kẹt cứng, với lượng phương tiện đông đúc.
Trong khi đó, người dân lại hối hả, đặc biệt là giới vận chuyển, giao nhận hàng hóa nên tình trạng giao thông luôn "căng như dây đàn".
Ngoài lượng phương tiện tham gia lưu thông đông đúc, lại thêm một số tuyến đường bị xe “chiếm đóng”, đậu cả trên lòng đường, vỉa hè khiến cho tình trạng giao thông càng căng thẳng hơn.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Văn Hồng (TP.HCM) cho rằng: “Hiện nay, TP.HCM đã chạm ngưỡng của giao thông đường bộ.
Thông tin mà tôi có được thì từ nhiều năm qua, mỗi tháng có khoảng từ 30.000 đến 50.000 phương tiện mới tham gia giao thông, đưa con số phương tiện của TP.HCM trên 10 triệu. Không riêng gì dịp Tết mà ngay cả những ngày thường cũng đã ùn ứ, kẹt xe”.
“Riêng dịp Tết này, lượng phương tiện tham gia giao thông càng đông hơn. Các đơn vị cũng phải huy động tối đa lượng phương tiện để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá… dẫn tới tình trạng kẹt xe là chuyện không thể tránh khỏi”, chuyên gia này phân tích thêm.
Bàn về giải pháp, TS Hồng nói: “Họ bàn rất nhiều về các giải pháp, tuy nhiên, vấn đề mà TP.HCM đang đối mặt đó chính là lượng phương tiện cá nhân gia tăng quá nhanh, trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng lại quá yếu kém.
Cần tập trung vào 2 giải pháp này: Có phương án hạn chế lượng phương tiện cá nhân, phát triển hệ thống giao thông công cộng và huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, có tính đến việc kết nối giữa các khu vực trong phạm vi TP.HCM và liên tỉnh, liên vùng”.