Tối 12/7, TP.HCM họp báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn.
Trước vấn đề người dân quan tâm, các cơ quan báo chí đặt câu hỏi với lãnh đạo quận Gò Vấp và ngành giao thông khi sáng 12/7 xảy ra ùn tắc tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường Nguyễn Kiệm (hướng từ quận Gò Vấp qua quận Phú Nhuận).
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết: “Là địa phương có dân số đông nên mật độ lưu lượng giao thông của quận Gò Vấp cũng hết sức phức tạp, thách thức”.
Cũng như những ngày trước, các chốt kiểm soát của quận Gò Vấp hướng dẫn người dân xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận công tác trong lĩnh vực thiết yếu để được lưu thông.
“Nhưng do sáng đầu tuần (thứ Hai) nên không ngờ đông quá. Đã có 2/12 chốt ùn ứ giao thông. Nghiêm trọng nhất là tại đường Nguyễn Kiệm phường 3. Vị trí khác là cầu Trường Đai giáp với quận 12”, ông Dũng nhận định.
Nói về tình trạng tại chốt trên đường Nguyễn Kiệm, ông Dũng cho rằng đây là đường một chiều, dẫn ra nút giao thông quan trọng, nhiều hướng đi khác nên số lượng phương tiện lưu thông rất lớn.
Chính vì không kịp giải tỏa nên đã xảy ra ùn ứ giao thông suốt 30 phút. Lãnh đạo quận Gò Vấp đã chỉ đạo khẩn, áp dụng biện pháp linh hoạt là xả chốt để đến 8h30, tình hình giao thông đã thông thoáng trở lại.
Còn Giám đốc sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM Trần Quang Lâm cho hay: “Đánh giá chung trong thời gian qua, lưu lượng phương tiện giao thông đã giảm 70 – 80% so khi thực hiện Chỉ thị 16, có lúc đạt gần 90%”.
Kết quả này có được là nhờ công tác tổ chức đi lại của cơ quan chức năng bên cạnh sự chấp hành, phối hợp tốt từ người dân, doanh nghiệp vận tải.
Về việc vận tải hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh miền Đông, miền Tây với TP.HCM hay đi ngang TP.HCM, sở GTVT TP. đã cấp giấy nhận diện ưu tiên cho gần 17.000 phương tiện.
Trên địa bàn, sở GTVT TP.HCM thống nhất với các quận, huyện, TP.Thủ Đức để thiết lập 12 chốt kiểm soát ra vào thành phố và 311 chốt tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
“Việc ùn ứ giao thông cục bộ vào sáng đầu tuần tại quận Gò Vấp, chúng tôi đã hướng dẫn địa phương bố trí chốt ở vị trí phù hợp hơn, áp dụng biện pháp linh hoạt để xử lý tình huống khi cần thiết”, ông Lâm nói.
Công tác điều tiết giao thông có thể phân luồng từ xa, kết nối quận này với quận khác để đảm bảm tuyệt đối không xảy ra ùn ứ, tập trung đông người.
Để làm được điều này, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kêu gọi người dân tuân thủ quy định. Khi không có việc cần thiết thì không ra đường là thể hiện tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội.
Giám đốc Trần Quang Lâm cũng khẳng định, TP.HCM thống nhất không kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 đối với người dân đi lại trong địa bàn. Nhưng có thể 322 chốt kiểm soát không thể kiếm tra xử lý được hết
Trong đợt tiêm vaccine thứ 4 vừa qua, ngành giao thông vận tải được cấp 11.429 liều vaccine. Sở GTVT TP.HCM đã tập trung tiêm cho nhóm tài xế.
Trong số các tỉnh, thành trên cả nước, TP.HCM có lượng tài xế xe buýt, xe tải được tiêm nhiều nhất và sớm nhất. Theo đó, 10.000 tài xế đã được tiêm, gồm 4.000 tài xế xe tải, 6.000 tài xế taxi, xe buýt.
Trong khi tài xế xe buýt đã được tiêm vaccine đạt khoảng 70% tổng số thì nhóm tài xế taxi mới tiêm được khoảng 1.000 người. Vì thế, TP.HCM còn khoảng 7.000 tài xế taxi và 8.000 tài xế xe tải cần phải tiêm vaccine.
Một số đơn vị như Grab đã đề xuất tiêm vaccine cho nhóm shipper nên sở Công Thương TP.HCM cũng đang tổng hợp nhu cầu, phối hợp với sở GTVT để gửi sở Y tế.
“Bởi lẽ, shipper có vai trò quan trọng trong giai đoạn chúng ta đang thực hiện Chỉ thị 16, người dân hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà”, ông Lâm nhận xét.