Chị thấy lòng nao nao, xen lẫn một chút tủi thân khi nghĩ về công việc trực Tết của mình suốt 30 năm qua. Điện thoại phòng điều hành cấp cứu đổ chuông liên hồi, có một cụ bà ở phố Hàng Đường đang ăn bị ho sặc sụa, khó thở, chị Loan cùng kíp trực của mình nhanh chóng lên xe cứu thương bật còi ú, đèn quay và chiếc xe lao nhanh hòa vào dòng người đi đón giao thừa.
Cứu cụ bà 80 tuổi giữa đêm giao thừa
Một lát sau, chiếc ô tô cứu thương màu trắng của Trung tâm cấp cứu 115 TP. Hà Nội đã có mặt tại một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm.
Y sỹ Nguyễn Thị Loan.
Bệnh nhân cần được cấp cứu là một cụ bà khoảng 80 tuổi, có biểu hiện khó thở, tím tái, đang trong tư thế nửa ngồi, nửa nằm trên ghế. Qua thăm hỏi và sơ khám ban đầu, bác sỹ trưởng kíp xe và y sỹ Nguyễn Thị Loan xác định bệnh nhân bị nghẹn, sặc, có biểu hiện suy hô hấp, tính mạng hết sức nguy kịch.
Kíp cấp cứu đã khẩn trương tiến hành cấp cứu, làm nghiệm pháp helmlich để khai thông đường thở. Không khí đêm 30 Tết trong gia đình này căng thẳng tột cùng, con cháu đứng xúm quanh, lo sợ khi thấy bà cụ nôn ọe ra một chậu thức ăn lớn.
Y sỹ Loan cho bà cụ nằm và tiếp tục lấy tay móc đờm, dãi. Bà cụ đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, bà thở đều, nước mắt giàn giụa nhìn các các bác sỹ mặc áo blu trắng đầy vẻ biết ơn. Hôm ấy nếu các nhân viên tại Trung tâm cấp cứu 115 TP.Hà Nội không đến cứu chữa kịp thời, rất có thể niềm vui trong ngày 30 Tết của gia đình đó sẽ không trọn vẹn.
Mặc dù gia đình bệnh nhân thiết tha mời bữa cơm ngày Tết, nhưng vì công việc cấp cứu bận rộn, chị Loan và đồng nghiệp chỉ kịp uống chén trà nóng rồi lên đường về Trung tâm, tiếp tục công việc cứu người của mình. Mọi căng thẳng đã qua đi, khi chiếc xe cấp cứu qua gần khu vực hồ Hoàn Kiếm, cũng là lúc pháo hoa bắn rợp trời. Ngắm pháo hoa qua cửa sổ ô tô, tâm trạng nao nao, lâng lâng buồn tủi chợt ùa về trong tâm trí y sỹ Loan. Nhìn hai bên đường, người người quấn quýt, vui vẻ bên người thân đón giao thừa, chị thầm ước, giá như giờ này mình có mặt tại nhà với chồng con thì hay biết mấy.
Do đặc thù công việc cấp cứu, năm nào chị cũng phải trực ba ngày Tết, nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về vẫn mang lại cảm giác khác lạ trong lòng người y sỹ này. Tuy nhiên, việc chuẩn bị Tết của người phụ nữ này năm nào cũng lặp lại theo một công thức định sẵn: Một tuần trước Tết, chị tranh thủ sắm đầy đủ các các vật dụng, thức ăn trong ngày Tết, cho cả vào tủ lạnh để chồng và con trai ở nhà tự nấu nướng. Cũng vì thay vợ nấu ăn nhiều, chồng chị Loan bất đắc dĩ trở thành một tay đầu bếp khá cừ khôi.
Cùng làm việc ở Trung tâm cấp cứu 115 có y tá Nguyễn Thị Thùy Linh (công tác tại Trạm cấp cứu khu vực Gia Lâm). Nhà chị Linh ở TP. Bắc Ninh, cách nơi làm việc khoảng 12km. Tâm sự về công việc trực Tết của mình, chị Linh giọng bồi hồi: Ngày Tết, sáng ra trời thường rất rét. Con tôi còn nhỏ, thấy mẹ thức giấc đi làm, nó gào khóc đòi đi theo. Dỗ thế nào cháu cũng không nghe, tôi đành đưa cháu đến nhà bà ngoại gửi, rồi mới yên tâm đến cơ quan trực Tết.
"Sáng mồng một Tết, Cầu Đuống thường không một bóng người trong khi ngày thường người đi đông như mắc cửi . Lúc đó, tôi đi xe máy qua cầu mà cảm thấy rất trống vắng. Nghĩ về công việc của mình, đôi lúc tôi cảm thấy mình thiệt thòi hơn những người khác. Nhưng khi đến cơ quan, cảm giác này tan biến nhanh chóng, vì công việc cấp cứu quá bận rộn, có rất nhiều bệnh nhân đang chờ chúng tôi cứu chữa", chị Linh chia sẻ.
Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong những lần trực Tết của mình, chị Linh tâm sự: "Một lần chúng tôi đến cấp cứu cho một bà cụ ở một mình bị nhồi máu cơ tim, mắt trợn ngược tưởng như chết đến nơi. Chúng tôi ép tim, bóp bóng, đặt đường truyền, cho bệnh nhân thở ô xy, tiêm thuốc giảm đau... Trên đường đưa đến bệnh viện Việt Xô điều trị, bệnh nhân này nôn hết ra người tôi. Do được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã được cứu sống".
Sinh thời Bác Hồ đã nói: "Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp". Những nhân viên y tế nói trên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong ngày Tết, họ thật sự là những người tốt- những bông hoa đẹp bừng nở trong những ngày Tết đến, xuân về.
Tâm sự của những người cầm lái
Trong một ê kịp đi cấp cứu bệnh nhân, ngoài bác sỹ, y tá, hay y sỹ, không thể thiếu anh "cán bộ đường lối" (tài xế). Ở Trung tâm cấp cứu 115 TP.Hà Nội, cánh tài xế thường kháo nhau tài lái xe của anh Nguyễn Văn Tiến (biệt danh Tiến “nhàu”). Với bề dày kinh nghiệm 30 năm lái xe cấp cứu ở Trung tâm, Tiến "nhàu" dường như đã thuộc đường phố Hà Nội như lòng bàn tay, cũng như nắm được tình trạng tắc nghẽn giao thông ở một số con đường.
Do vậy, khi ngồi trên ô tô do anh Tiến lái, các bác sỹ cũng như bệnh nhân hoàn toàn yên tâm "đi đến nơi, về đến chốn". Không chỉ lái xe cẩn thận, anh Tiến biết khá rõ chuyện ô tô cứu thương đi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào bệnh nhân. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm từng nào, cơ hội sống của bệnh nhân được tăng lên từng đó.
Ngược lại, đối với những bệnh nhân bị đa chấn thương (gãy chân, tay), nếu cho xe phóng nhanh, phanh gấp, rất dễ làm cho các vết thương thêm trầm trọng. Một lần, đúng vào dịp Tết, anh Tiến phải lái xe ô tô từ Hà Nội vào TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đưa một bệnh nhân nam bị chấn thương sọ não (đang trong tình trạng hôn mê) ra Hà Nội chữa trị.
Chuyến đường dài khoảng 2.400km, anh Tiến và một bác tài nữa thay nhau lái suốt ngày đêm, không dám phóng nhanh, nhưng cũng không thể cho xe đi chậm được. Tính ra cả đi cả lẫn về mất 56 giờ. Mặc dù trên đường đi qua nhiều tỉnh có rất nhiều sản vật quý, nhưng vì đang cấp cứu bệnh nhân nên ê kíp của anh Tiến không có thời gian dừng xe lại mua sắm.
Khi đưa bệnh nhân từ Nha Trang về đến Ninh Bình là đúng chiều 29 Tết, anh Tiến cảm thấy buồn và lo lắng không biết giờ này vợ con ở nhà chuẩn bị Tết đến đâu rồi. Vừa lúc đó, anh thấy có một xe cứu thương của cơ quan mình đi ngược chiều từ Hà Nội vào miền Trung, tự nhiên anh thấy xúc động, nỗi buồn theo đó nhanh chóng tan biến.
Theo lời tâm sự của anh Tiến, số lượng các ca cấp cứu trong những ngày Tết thường lớn hơn so với ngày bình thường. Nguyên do trong những ngày giáp Tết, người dân các tỉnh về Hà Nội đông hơn và do họ không thuộc đường phố nên rất dễ bị tai nạn giao thông.
Ngoài ra, có rất nhiều bệnh nhân tại các bệnh viện trong TP. Hà Nội xin về nhà ăn Tết. Những người này ăn uống không theo sự chỉ dẫn và thiếu sự chăm sóc kỹ càng của bác sỹ nên đã tái phát bệnh một cách trầm trọng.
"Tất cả họ đều gọi cấp cứu 115 đến giải nguy. Xe cứu thương nối đuôi nhau đi phục vụ bệnh nhân, nhiều khi trong cùng ca trực, anh em không được thấy mặt nhau nói câu chúc Tết đầu năm", anh Tiến trải lòng.
Kể về cảm xúc làm việc trong những ngày Tết với chúng tôi, anh Tiến cho biết: "Tôi vui vì làm việc có ích cho những bệnh nhân cần dịch vụ cấp cứu 115. Trong lúc mọi người đi chơi Tết, chúng tôi đi làm. Đôi khi buồn một tí, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa người bệnh, tôi thấy mình không đến nỗi thừa trong cuộc sống, đấy là niềm an ủi lớn nhất của tôi".
Vất vả nhưng luôn sẵn sàng Trao đổi với chúng tôi về công việc thầm lặng trong những ngày Tết của những người mặc áo blu trắng tại Trung tâm cấp cứu 115 TP. Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó giám đốc Trung tâm cho hay: Do đặc thù công việc làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh, người bị tai nạn công cộng, nên công việc thường ngày của nhân viên 115 khá vất vả so với các đồng nghiệp làm việc tại các bệnh viện. Đặc biệt những ngày Tết, Trung tâm phải bố trí tăng cường lực lượng đảm bảo thường trực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp cứu của người dân. "Khi bị tai nạn, hoặc có vấn đề gì về sức khoẻ, người dân hãy gọi điện thoại cho chúng tôi, số điện thoại 115 sẽ được tư vấn và hỗ trợ cấp cứu kịp thời", ông Chánh nhấn mạnh. |
Thiên Long