Các tuyên bố chiến trường của Nga và Ukraine thường trái ngược nhau. Nhưng có một điều nhận được sự đồng ý của cả 2 bên: Giao tranh xung quanh thành phố Bakhmut ở vùng Donetsk (một trong hai hợp phần của Donbass) đang diễn ra không ngừng và thương vong – đối với cả 2 bên – đều cao, Đài CNN đưa tin hôm 26/2.
Cho đến vài tuần trước, trận chiến chủ yếu được tiến hành bằng xe tăng, pháo binh và súng cối. Nhưng Bakhmut ngày càng trở thành một chiến trường đô thị, với mọi đường phố và tòa nhà ở vùng ngoại ô và các làng xung quanh đều đang chứng kiến giao tranh.
Các lực lượng Nga – bao gồm cả các chiến binh từ công ty quân sự tư nhân Wagner – đã tiến về trung tâm thành phố từ 3 mặt Đông, Nam và Bắc.
Các đơn vị Ukraine đã thường xuyên tiến hành các cuộc phản công nhằm cố gắng giành lại một số lãnh thổ và bảo vệ lối tiếp cận bấp bênh của họ tới Bakhmut từ phía Tây. Tình hình dần trở nên khó khăn và phức tạp hơn khi các tuyến đường vào thành phố nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga.
Các binh sĩ Ukraine, trên các tài khoản truyền thông xã hội không chính thức, cho biết họ ngày càng phụ thuộc vào những con đường đất để tiếp cận và rời khỏi Bakhmut, và họ có thể mất quyền tiếp cận thành phố qua những con đường đó một khi băng tan, biến mặt đất thành bùn nhão.
Nga đặt mục tiêu bao vây quân đội Ukraine ở Bakhmut. Thay vì tiến thẳng vào trung tâm thành phố, các chiến binh Wagner đã tìm cách bao vây thành phố theo một vòng cung rộng từ phía Bắc. Hồi tháng 1, lực lượng này đã chiếm được thị trấn Soledar gần đó, và kể từ đó đã chiếm được một loạt làng mạc và thôn xóm ở phía Bắc Bakhmut.
Những ngày gần đây, các chiến binh Wagner được cho là đã đánh đến làng Yahidne ngay phía Tây Bắc Bakhmut. Ngôi làng nằm trên một tuyến đường mà người Ukraine vẫn sử dụng để ra vào thành phố.
Mục tiêu tiếp theo của người Nga có thể là thị trấn Chasiv Yar, với một tập hợp rải rác các khu chung cư từ thời Liên Xô, nằm trên vùng đất cao đã bị hư hại nặng nề. Các quan chức Ukraine cho biết Chasiv Yar lại hứng pháo kích hôm 26/2.
Các nhà phân tích quân sự cho biết, các cuộc phản công của Ukraine vào cuối tuần ở phía Bắc Bakhmut đã giúp ổn định mặt trận ở đó. Nhưng phía Nga đã liên tục đưa quân và thiết bị mới vào.
“Nga có thể bắt đầu tấn công từ 3 mặt từ ngày 27/2”, nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết trong một video truyền thông xã hội. “Ukraine đang nỗ lực tối đa để giữ Bakhmut”.
Nhưng Ukraine sẽ bảo vệ thành phố này trong bao lâu? Câu hỏi hóc búa đối với quân đội Ukraine là liệu việc tiếp tục bảo vệ Bakhmut có khả thi hay không.
Hồi đầu tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không từ bỏ Bakhmut. Ông nói: “Chúng tôi sẽ chiến đấu đến chừng nào còn có thể. Chúng tôi coi Bakhmut là pháo đài của mình”.
Gần đây hơn, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Italy, giọng điệu của nhà lãnh đạo hơi khác một chút. Ông nói: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là bảo vệ (Bakhmut), nhưng không phải bằng bất cứ giá nào và không phải để tất cả mọi người phải thiệt mạng”.
Nếu không còn giữ được Bakhmut, điều quan trọng cần lưu ý là nơi người Ukraine chọn để vẽ các tuyến phòng thủ tiếp theo của họ. Các thành phố Kostiantynivka và Kramatorsk – nằm không xa về phía Tây của Bakhmut – đã ghi nhận sự gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy các đơn vị Ukraine rút quân khỏi khu vực Bakhmut, và cuộc giao tranh tàn khốc vẫn tiếp diễn.
Trong bối cảnh giao tranh ác liệt ở Donbass, Thiếu tướng Eduard Mykhailovich Moskalov, chỉ huy lực lượng Ukraine tham chiến ở khu vực này, đã bị cách chức. Thông tin trên được Tổng thống Zelensky công bố trong một sắc lệnh hôm 26/2.
Tướng Moskalov được bổ nhiệm vào vị trí này hồi tháng 3 năm ngoái. Trong sắc lệnh được công bố trên mạng, ông Zelensky không đưa ra lời giải thích về việc sa thải ông Moskalov, nhưng đây là động thái mới nhất trong một loạt thay đổi lãnh đạo gần đây do chính quyền của ông thực hiện.
Các nhà chức trách Ukraine đã tiến hành một loạt các cuộc truy quét và trấn áp chống tham nhũng trên khắp đất nước, và một loạt các vụ sa thải cấp cao đã xảy ra sau đó.
Vẫn chưa rõ liệu vụ sa thải ông Moskalov có liên quan đến cuộc thanh trừng tham nhũng gần đây hay không.
Ông Putin nói về “mục tiêu” của NATO
Tổng thống Nga Vladimir Putin coi cuộc đối đầu với phương Tây ở Ukraine là một trận chiến vì sự sống còn của nước Nga và người dân nước này, đồng thời cho biết ông buộc phải tính đến khả năng hạt nhân của NATO.
Một năm kể từ khi ra lệnh bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, ông Putin ngày càng coi cuộc chiến như một thời khắc quyết định trong lịch sử nước Nga, và cho biết ông tin rằng chính tương lai của nước Nga và người dân nước này đang gặp nguy hiểm.
“Họ có một mục tiêu: Giải tán Liên Xô cũ và phần cơ bản của nó – Liên bang Nga”, ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya 1 trong một cuộc phỏng vấn được ghi lại hôm 22/2 và được phát hành hôm 26/2.
NATO và phương Tây bác bỏ lập luận trên, tuyên bố rằng mục tiêu của họ là giúp Ukraine tự vệ trước một cuộc tấn công vô cớ.
Ông Putin cho rằng phương Tây muốn chia rẽ nước Nga và sau đó kiểm soát nhà sản xuất nguyên liệu thô lớn nhất thế giới. Theo ông, đó là một bước đi có thể dẫn đến sự hủy diệt của nhiều dân tộc ở Nga, bao gồm cả dân tộc Nga chiếm đa số.
“Tôi thậm chí không biết liệu một nhóm sắc tộc như người dân Nga có thể tồn tại dưới hình thức tồn tại như ngày nay hay không”, ông Putin nói, tuyên bố rằng các kế hoạch của phương Tây đã được viết ra nhưng không nói rõ là ở đâu.
Mỹ đã bác bỏ việc họ muốn tiêu diệt nước Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và NATO có thể gây ra Thế chiến III.
Ông Putin cho biết viện trợ quân sự trị giá hàng chục tỷ USD của Mỹ và châu Âu cho Ukraine cho thấy Nga hiện đang đối đầu với chính NATO.
Ukraine cho biết, họ sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi từng người lính Nga cuối cùng bị trục xuất khỏi Ukraine, bao gồm cả Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014.
Học thuyết hạt nhân chính thức của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chúng – hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác – được sử dụng để chống lại nước này, hoặc nếu vũ khí thông thường được sử dụng gây nguy hiểm cho “chính sự tồn tại của nhà nước Nga”.
Ông Putin đã phát tín hiệu rằng ông sẵn sàng phá bỏ cấu trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân – bao gồm cả lệnh cấm thử hạt nhân của các cường quốc – trừ khi phương Tây lùi bước ở Ukraine.
Hôm 21/2, nhà lãnh đạo Nga đã tuyên bố đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ (New START), thông báo các hệ thống chiến lược mới đã được đưa vào trực chiến và cảnh báo rằng Moscow có thể nối lại các vụ thử hạt nhân.
Ông Putin cũng cho biết Nga sẽ chỉ nối lại các cuộc thảo luận khi vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh cũng được tính đến.
Nga, quốc gia kế thừa vũ khí hạt nhân của Liên Xô, có kho đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới. Nước này có nhiều đầu đạn hơn cả Mỹ, Pháp và Anh cộng lại, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
Nga nói Đức đẩy xung đột ở Ukraine lên mức cao hơn
Quyết định của Berlin về cung cấp xe tăng Leopard cho Kiev là cực kỳ nguy hiểm vì nó đẩy xung đột lên mức độ leo thang cao hơn, Đại sứ Nga tại Đức Serge Nechayev cho biết hôm 26/2.
“Chính phủ Đức không chỉ chấp thuận cung cấp xe tăng hạng nặng Leopard cho Kiev mà còn cho phép các quốc gia khác sở hữu những phương tiện sát thương này tái xuất chúng sang Ukraine”, ông Nechayev cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RT DE.
Quyết định này “vi phạm một nguyên tắc không thể lay chuyển, vốn được coi là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Đức trong những thập kỷ sau chiến tranh, quy định cấm cung cấp vũ khí của Đức cho các khu vực có xung đột”, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Ông nói: “Chúng tôi coi quyết định này là cực kỳ nguy hiểm. Nó công khai đưa xung đột lên một mức độ leo thang mới và đi ngược lại với những tuyên bố trước đây của các chính trị gia Đức về việc Đức không muốn trở thành một bên tham gia xung đột”.
Trước đó, hôm 25/1, chính phủ Đức thông báo rằng họ có kế hoạch cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng Leopard 2 và cho phép tái xuất những chiếc xe tăng này từ các quốc gia khác. Hôm 7/2, Berlin đã phê duyệt việc cung cấp 178 xe tăng Leopard 1A5 từ kho dự trữ công nghiệp của nước này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, xe tăng Đức dự kiến sẽ đến Ukraine chậm nhất vào tuần cuối cùng của tháng 3.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow coi việc cung cấp vũ khí cho Kiev là sự can dự ngày càng tăng của phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Mỹ, Đức, Ba Lan tính tập trận chung ở sườn Đông NATO
Trong một diễn biến khác, hôm 26/2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius cho biết Washington đang đàm phán với Berlin và Warsaw về việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung ở Ba Lan nhằm củng cố sườn phía Đông của liên minh NATO.
Ông Pistorius nói với đài truyền hình công cộng ARD (Đức) rằng các cuộc tập trận quân sự đang được “xem xét”, mà không xác nhận hoặc thêm bất kỳ chi tiết nào về thời điểm chúng có thể diễn ra.
Nhưng việc các cuộc tập trận quân sự được tổ chức ở một quốc gia giáp Ukraine, nơi đang chìm trong xung đột với Nga, sẽ gửi một tín hiệu “rất rõ ràng” tới các đồng minh NATO “và cả Tổng thống Nga Vladimir Putin”, Bộ trưởng Đức cho biết, đồng thời khẳng định NATO “không yếu” như một số người đã tin tưởng trong một thời gian dài. Ngược lại liên minh quân sự này đã “mạnh mẽ và đoàn kết hơn rất nhiều” so với thời điểm trước khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.
Và, “đối với các quốc gia ở Đông Âu, như Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic, Slovakia và các nước khác, điều quan trọng là họ thấy Đức – với tư cách là thành viên châu Âu quan trọng nhất trong NATO – và Mỹ đang thực hiện các nghĩa vụ quốc phòng”, ông Pistorius bổ sung.
Tâm trạng của người tị nạn Ukraine chạy trốn xung đột
Một năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II, hơn 8 triệu người tị nạn Ukraine đang sống rải rác khắp lục địa già, Mỹ và nhiều phần khác của thế giới.
Khi cuộc xung đột mà họ chạy trốn vẫn tiếp tục mà chưa có dấu hiệu ngừng lại, mối quan hệ gắn bó của họ với nơi ở mới trở nên ngày càng sâu sắc hơn.
Giữa những bộn bề của công việc, ngôn ngữ và cuộc sống mới, người Ukraine bắt đầu tự hỏi mình: Không chỉ là khi nào nên về quê hương, mà là liệu có nên về nữa hay không.
Có bao nhiêu người cuối cùng sẽ quay trở lại Ukraine là một câu hỏi với nhiều phân nhánh quan trọng: Đối với người tị nạn, bao gồm cả những người được cấp tư cách nhập cư tạm thời; đối với các quốc gia sở tại thấy lực lượng lao động được bổ sung bởi những cư dân mới nhưng lại bị căng thẳng về nhà ở và trường học; và đối với khả năng tái thiết đất nước và nền kinh tế của Ukraine.
Một cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc (LHQ) bao gồm 43 quốc gia, được công bố vào tháng 9 năm ngoái, cho thấy 81% người tị nạn hy vọng một ngày nào đó sẽ trở lại Ukraine, nhưng hầu hết cho biết họ dự định ở lại nước sở tại ít nhất là cho đến lúc này, trong bối cảnh xung đột với Nga có xu hướng kéo dài không hồi kết.
Xung đột càng kéo dài, động lực hồi hương của người Ukraine có thể sẽ càng giảm đi, theo các chuyên gia.
“Xung đột càng kéo dài, người tị nạn Ukraine càng có nhiều cơ hội để vun đắp một cuộc sống bên ngoài Ukraine và sẽ không quay trở lại”, bà Hanne Beirens, người đứng đầu Viện Chính sách Di cư của Châu Âu, cho biết.
Theo ước tính của Ủy ban châu Âu năm ngoái, khoảng 3 triệu người tị nạn Ukraine có thể quyết định ở lại các quốc gia khác ở châu Âu. Các ước tính khác đưa ra tổng số người Ukraine đang định cư ở những nơi khác là 5 triệu hoặc thậm chí nhiều hơn.
Việc đưa ra con số thống kê chính xác là một thách thức. Nhưng hiện tại, ít nhất là có hàng triệu người tị nạn Ukraine đang sống ở nước ngoài bị bỏ rơi trong tình trạng lấp lửng, khi họ vật lộn với những câu hỏi về tương lai của mình.
Bà Dylanna Grasinger, người đứng đầu cơ quan cung cấp dịch vụ cho người Ukraine của Ủy ban Người tị nạn và Người nhập cư Mỹ (USCRI), cho biết: “Chúng tôi thường nghe thấy họ chia sẻ rằng họ muốn hồi hương, nhưng họ không biết họ hồi hương để làm gì”.
Minh Đức (Theo CNN, USA Today, CGTN, TASS)