Ukraine hôm 22/8 tuyên bố đã đẩy lùi 5 cuộc tấn công lớn của Nga ở vùng Luhansk ở miền Đông đất nước trong đêm qua, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency đưa tin, dẫn nguồn truyền thông địa phương.
Dẫn nguồn tin quân sự, trang web Ukrainska Pravda cho biết, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga vẫn tiếp diễn trên 6 hướng.
Tại vùng Donetsk, thuộc vùng công nghiệp Donbass, miền Đông Ukraine, giao tranh đã khiến 2 dân thường thiệt mạng và làm hư hại 19 ngôi nhà biệt lập, một trường học và một nhà máy.
Cũng có thông tin cho rằng các lực lượng Nga đang tiến lên theo hướng Mykolaiv, miền Nam Ukraine, đã giành được một phần khu vực Blahodat.
Theo tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo vào 2 khu định cư ở vùng Sumy và nhằm vào 2 khu định cư trên hướng Kharkiv, đều ở Đông Bắc Ukraine, bằng xe tăng và tên lửa trong 24 giờ qua.
Các cuộc tấn công của Nga tiếp tục theo hướng Bakhmut và Kramatorsk, đồng thời cho biết thêm rằng nỗ lực của quân đội Nga để chiếm một số khu định cư ở các hướng Slovyansk, Avdiivka, Zaporizhzhia đã thất bại.
Theo một tuyên bố khác của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, hơn 200 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong 24 giờ qua. Như vậy, tổng số binh sĩ Nga thiệt mạng kể từ đầu cuộc chiến đã lên tới 45.400 người, tuyên bố của phía Ukraine cho biết.
Bản tuyên bố cũng tổng kết thiệt hại về khí tài của phía Nga cho đến nay, bao gồm khoảng 234 máy bay chiến đấu, 198 máy bay trực thăng, 1.919 xe tăng, 4.230 xe bọc thép, 266 hệ thống tên lửa phóng loạt, 145 hệ thống tác chiến phòng không và 815 máy bay không người lái (UAV).
Chưa có phản ứng từ phía Nga về các tuyên bố của Ukraine, Anadolu Agency cho biết.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow mới chỉ cập nhật con số thương vong trong quân đội Nga 2 lần. Lần cuối cùng là vào tháng 3, tức sau 1 tháng giao tranh, với con số ước tính là hơn 1.300 binh sĩ thiệt mạng.
Trong khi đó, Ukraine đã mất gần 9.000 quân trong các cuộc giao tranh với Nga, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi cho biết hôm 22/8, hãng thông tấn Ukrinform đưa tin.
Tuy nhiên, ông Zaluzhnyi không nói rõ liệu con số này chỉ đề cập đến các thành viên của lực lượng vũ trang Ukraine hay cũng bao gồm các đội khác và được thống kê trong giai đoạn nào, Ukrinform nhấn mạnh.
Hạ viện Nga sẽ họp bất thường về nhà máy Zaporizhzhia
Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 25/8 để thảo luận về tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine.
Trong một tuyên bố chính thức được công bố hôm 22/8, Hạ viện Nga cho biết, một phiên họp của Hội đồng Duma Quốc gia sẽ được tổ chức vào ngày 25/8 để thảo luận về “mối đe dọa đối với sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”.
Ông Sergei Mironov, người đứng đầu đảng A Just Russia ủng hộ Điện Kremlin trong Quốc hội Nga, cho biết Hội đồng - bao gồm Chủ tịch Hạ viện và các nhà lãnh đạo đảng - sẽ thông qua một “tuyên bố cứng rắn” về các hành động của Kiev liên quan đến khu phức hợp hạt nhân này và kêu gọi Liên Hợp Quốc và các các cơ quan quốc tế can thiệp.
Nga cũng đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) tổ chức một cuộc họp trong ngày 23/8 liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA đưa tin, dẫn lời Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy.
Moscow cáo buộc Kiev đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nằm trong lãnh thổ do các lực lượng Nga kiểm soát nhưng vẫn được điều hành bởi các nhân viên Ukraine. Kiev đã phủ nhận việc pháo kích vào địa điểm này, cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, và cáo buộc ngược lại rằng Nga đang lên kế hoạch “khiêu khích” ở đó để biện minh cho hành động gây hấn hơn nữa.
Hệ thống phòng không ở Sevastopol được kích hoạt
Ông Mikhail Razvozhayev, Thống đốc Sevastopol ở Crimea, hôm 22/8 cho biết, một hệ thống phòng không đã được kích hoạt ở gần thành phố, sau khi truyền thông Nga đưa tin rằng các vụ nổ đã được nghe thấy trong thành phố.
Trong một tuyên bố được đăng trên Telegram, ông Razvozhayev cho biết, một vật thể đã bị bắn hạ.
Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014 đã bị rung chuyển bởi một loạt các vụ nổ trong 2 tuần qua. Moscow tuần trước đã đổ lỗi một vụ nổ tại kho vũ khí ở phía bắc khu vực là do “những kẻ phá hoại” thực hiện.
Ukraine đã ám chỉ có liên quan đến các vụ việc nhưng không trực tiếp nhận trách nhiệm.
Ukraine: Nga muốn đàm phán để câu giờ
Nga đang cố gắng lôi kéo Ukraine tham gia các cuộc đàm phán mới để có thời gian tập hợp lại lực lượng nhằm khởi động một cuộc tấn công mới.
Đó là tuyên bố của ông Mykhaylo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, đưa ra hôm 22/8.
Trong nhiều tuần nay, Điện Kremlin đã “cố gắng thuyết phục Ukraine tham gia đàm phán”, ông Podolyak nói với hãng tin AFP, khi cột mốc 6 tháng giao tranh đang cận kề.
Trong các cuộc đàm phán như vậy, Moscow muốn “đóng băng xung đột trong khi giữ nguyên hiện trạng trên các vùng lãnh thổ Ukraine” mà họ đã giành quyền kiểm soát, ông cho biết thêm.
Nga “gửi các đề xuất của mình qua nhiều trung gian khác nhau”, vị cố vấn tuyên bố, nhưng không không vào chi tiết.
Mỹ bác yêu cầu của Ukraine về lệnh cấm thị thực đối với người Nga
Mỹ hôm 22/8 đã bác bỏ lời kêu gọi của Ukraine về lệnh cấm thị thực toàn diện đối với người Nga, cho biết rằng Washington không muốn chặn con đường tị nạn của những người bất đồng chính kiến ở Nga và những người cảm thấy quyền của họ bị đe dọa.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức Điện Kremlin, và tuyên bố rõ rằng trọng tâm của các lệnh trừng phạt là nhằm vào những người liên quan đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và quy trách nhiệm cho những người này.
“Chúng tôi đã làm rõ rằng điều quan trọng là phải vạch ra ranh giới giữa các hành động của chính phủ Nga và chính sách của Moscow ở Ukraine và người dân Nga”, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy lần đầu tiên hối thúc lệnh cấm thị thực với toàn bộ người Nga trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng với tờ Washington Post, nói rằng người Nga nên “sống trong thế giới của riêng họ cho đến khi họ thay đổi triết lý của mình”.
Một số nhà lãnh đạo EU như Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Estonia Kaja Kallas cũng đã kêu gọi một lệnh cấm thị thực trên toàn EU. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ đề xuất này, nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt Nga không được gây hại cho những người vô tội.
Moscow: Kiev đứng sau vụ sát hại nhà báo Nga
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hôm 22/8 cáo buộc các cơ quan mật vụ của Ukraine đứng sau vụ sát hại nhà báo Daria Dugina, con gái của một nhà triết học và nhà văn theo chủ nghĩa cực đoan người Nga Alexander Dugin, các hãng thông tấn Nga đưa tin.
Các nhà điều tra Nga cho biết, cô Dugina đã bị sát hại vào tối hôm 20/8 khi một thiết bị gây nổ đáng ngờ đã làm nổ tung chiếc Toyota Land Cruiser mà cô đang lái trên đường cao tốc khoảng 40 km bên ngoài thủ đô Moscow.
Trong một tuyên bố, FSB cho biết cuộc tấn công do một phụ nữ Ukraine sinh năm 1979 thực hiện.
Người phụ nữ này và con gái đã đến Nga vào tháng 7 và dành một tháng để chuẩn bị cho vụ tấn công bằng cách thuê một căn hộ trong cùng khu nhà và nghiên cứu lối sống của cô Dugina.
Nghi phạm đã tham dự một sự kiện bên ngoài Moscow vào tối 20/8, nơi Dugina và cha cô cũng có mặt, trước khi nhấn nút cho nổ xe của cô Dugina và chạy trốn khỏi Nga đến Estonia, FSB được dẫn lời cho biết.
Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, đã bác bỏ cáo buộc của FSB rằng các cơ quan tình báo Ukraine đã dàn dựng vụ sát hại cô Dugina.
Cũng trong ngày 22/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Dũng cảm cho nhà báo Dugina.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ cực lực lên án việc cố ý nhắm vào thường dân ở bất cứ đâu khi được hỏi về vụ sát hại cô Dugina.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày hôm 22/8, phát ngôn viên Ned Price từ chối cho biết liệu Washington có biết ai đứng sau vụ tấn công hay không, nhưng khẳng định rằng chắc chắn người Nga sẽ đưa ra “những kết luận nhất định”.
Minh Đức (Theo Anadolu Agency, DW, Al Jazeera, TRT World)