Giải đáp bất nhất từ nhà trường
Sau khi sinh viên phản ánh về giáo trình có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp khiến dư luận xôn xao, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, cuốn giáo trình này được phía đối tác phía Trung Quốc tặng; khoa Tiếng Trung - Tiếng Nhật, trường đại học Kinh doanh và Công nghệ đã tự ý bỏ qua bước thẩm định của hội đồng khoa học trường, để cho hội đồng khoa học của khoa tự đánh giá, sau đó photo và bán cho sinh viên.
Thậm chí, trước đó, trao đổi với báo chí, vị Phó Hiệu trưởng cho rằng để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trong giáo trình không phải lỗi của trường mà do các cơ quan khác. Theo ông, cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài và việc này thuộc về nhà nước chứ không phải của trường.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ThS. Bùi Văn Thanh, Chủ nhiệm khoa Tiếng Trung - Tiếng Nhật giải thích vì sao không phát hiện sai sót: “Cuốn giáo trình này được khoa trực tiếp mua về từ đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc). Việc áp dụng cuốn giáo trình này vào giảng dạy chỉ mới được thực hiện từ năm học 2019-2020.
Khi đưa sách về, giảng viên trong khoa cũng đã rà soát và tại cuộc họp hội đồng khoa học của khoa lúc đó cũng đã duyệt qua cuốn sách vì nội dung và câu chữ không có vấn đề gì. Việc xuất hiện phần bản đồ có hình “đường lưỡi bò” phi pháp nhưng vì hình quá nhỏ, có mấy chấm li ti vừa nhỏ lại mờ nên không phát hiện được”.
Nói về quy trình kiểm duyệt sách khi chọn là giáo trình chính thức cho sinh viên, Chủ nhiệm khoa Tiếng Trung - Tiếng Nhật cho biết: “Về quy trình đầu tiên sẽ là hội đồng khoa học của khoa xem xét, chọn lọc sau đó trình hội đồng khoa học của nhà trường kiểm duyệt một lần nữa rồi mới chọn làm giáo trình chính thức cho sinh viên”.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo khoa cho biết giáo trình trước khi giảng dạy có hội đồng khoa học của khoa kiểm tra lại, đọc lại từng câu chữ, từng nội dung. Tất cả 7 tổ chuyên môn của khoa đọc lại, cam đoan về mặt nội dung không có vấn đề gì.
Hiện nay ở khoa tiếng Trung - tiếng Nhật có hai loại giáo trình là tự biên soạn và sách ngữ pháp lấy của Bắc Kinh. Hai cuốn giáo trình này được mang về từ Trung Quốc.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, bà Đào Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng khoa Tiếng Trung - Tiếng Nhật lại giải thích bộ giáo trình “Developing Chinese” gồm ba cuốn Elementary Comprehensive Course (Tổng quan), Elementary Listening Course (Nghe) và Elementary Reading and Writing Course (Đọc - Viết) do sinh viên thực tập mang về cách đây 3-4 năm.
Cụ thể, khi đó, nhóm sinh viên của trường sang Bắc Kinh (Trung Quốc) thực tập theo chương trình đào tạo. Trước khi sang, giảng viên của khoa dặn nếu thấy giáo trình nào nội dung hay, khoa học thì mang về khoa làm tài liệu.
Những sinh viên này đã mua về bộ giáo trình của đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh và chúng được lưu lại ở khoa làm tài liệu tham khảo kể từ đó.
Giáo trình được photo lại từ cuốn gốc do sinh viên mang về, được trung tâm phát hành sách của trường bán. Khoa chưa bao giờ đặt vấn đề bản quyền với đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh về việc đưa cuốn giáo trình vào giảng dạy vì “không có kinh phí”.
Trách nhiệm Hiệu trưởng ở đâu?
Trước những giải thích bất nhất từ phía đại diện trường về giáo trình có hình “đường lưỡi bò” phi pháp, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT khẳng định: “Trong vụ việc này, trường đại học Kinh doanh và Công nghệ không thể chối bỏ trách nhiệm. Từ nhiều năm nay, Luật Giáo dục đại học đã quy định, Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập”.
Ông cũng phân tích thêm: “Nếu những cuốn giáo trình này chỉ là tham khảo, thì có thể chưa qua hội đồng thẩm định, còn để đưa vào giảng dạy trong khoa thì phải được kiểm quyệt qua hội đồng thẩm định của nhà trường, do Hiệu trưởng đứng ra chỉ định, thành lập theo quy định của bộ GD&ĐT.
Không thể có chuyện, mang một cuốn giáo trình từ nơi khác về, không thẩm định mà đã đưa vào giảng dạy. Làm như thế không đúng với quy định của Bộ. Hoàn toàn không thể chấp nhận được!”.
TS. Lê Viết Khuyến cũng đánh giá: “Nếu đại diện lãnh đạo trường đại học Kinh doanh và Công nghệ không nhận trách nhiệm và “đùn đẩy” cho một đơn vị nào khác trong việc thẩm định giáo trình, thì có nghĩa, lãnh đạo thậm chí chưa nắm rõ quy định của Bộ. Giải thích như vậy, đã sai lại càng sai”.
Đồng tình với ý kiến trên, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cũng khẳng định: “Nhà trường chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước câu chuyện bất cẩn với giáo trình phục vụ giảng dạy cho sinh viên.
Với phát ngôn của vị lãnh đạo trường đại học Kinh doanh và Công nghệ, cho rằng việc để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trong giáo trình không phải lỗi của trường mà do các cơ quan khác, thể hiện một sự vô trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, GS. Lâm Quang Thiệp cũng bày tỏ sự kinh ngạc khi cuốn giáo trình đã được photo và đến tay bao nhiêu người sử dụng, mà không phát hiện ra hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trong khoa.
“Gần nghìn cuốn giáo trình được photo để giảng dạy mà không ai nhìn ra hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được in trong đó là thế nào? Chứng tỏ ý thức của người dùng cũng kém, nếu nhạy cảm thì có thể phát hiện ra ngay. Quả thực, trong câu chuyện này, cũng hơi quan ngại với trình độ của giảng viên”, ông thắc mắc.
Theo một vị chuyên gia nhận định, đây là thể hiện sự vô trách nhiệm với chính sinh viên của mình, hoàn toàn không có tư cách giáo dục.