Trước vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Tâm lý Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội).
PV: Trước những sự việc như giáo viên đánh học sinh, rồi phụ huynh đánh giáo viên - là người lâu năm công tác trong ngành, nghiên cứu sâu về tâm lý giáo dục - bà nghĩ sao về việc này?
TS. Vũ Thu Hương: Tôi cảm thấy sốc vô cùng. Thật không ngờ rằng đạo đức xã hội đã xuống cấp đến vậy. Đã từ lâu, rất nhiều người trong chúng ta quên rằng: Cho dù có ai đó phạm lỗi thì đó cũng không bao giờ là một cái cớ để ta vi phạm pháp luật.
Đánh người đã tệ hại, đánh người giáo dục, dạy dỗ con mình còn tệ hại hơn nhiều. Thầy cô giáo là người hỗ trợ chúng ta trong quá trình giáo dục con cái. Hợp tác với thầy cô giáo, đồng hành cùng họ để tìm ra phương thức giáo dục trẻ phù hợp là việc bắt buộc phải làm nếu như chúng ta muốn hoàn tất trách nhiệm dạy con.
Việc cư xử với nhau bằng vũ lực ngoài việc để trả thù ra thì không còn có thêm bất kể lợi lộc gì. Hơn nữa, việc đó lại mang lại vô vàn điều tai hại cho con trẻ. Không những cha mẹ tham gia bạo lực là tấm gương xấu cho con mà còn khiến con nghĩ rằng, thầy cô giáo là kẻ thù, nếu họ làm gì thì cứ mách bố mẹ để bố mẹ đến đánh cho thày cô 1 trận là xong. Với suy nghĩ này con sẽ không bao giờ hợp tác được với thầy cô và chắc chắn con sẽ không nghe lời thầy cô nữa. Chặt đi 1 cánh tay phải trợ giúp chúng ta trong việc giáo dục con, liệu rằng con trẻ có thể nên người?
PV: Trước vụ việc trên, đã có những vụ phụ huynh hành hung giáo viên gây xôn xao dư luận như ở trường tiểu học & THCS Đức Trí, phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, hay ở trường tiểu học Thủy Vân, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế… Điều gì đã khiến cho truyền thống tôn sư trọng đạo bị tổn hại như vậy?
TS. Vũ Thu Hương: Đã từ vài năm trở lại đây, tư tưởng coi giáo dục là dịch vụ đã len lỏi vào trong suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh. Có vị phụ huynh đã nói: "Chúng ta trả tiền cho các trường (đặc biệt là trường tư thục) thì con chúng ta phải được hưởng dịch vụ tốt nhất). Với suy nghĩ này, các phụ huynh dường như không thể chịu nổi khi thấy con bị phạt ở trường. Họ cảm thấy bức xúc. Vì thế, họ dễ dàng làm những hành vi tồi tệ, xúc phạm đến danh dự và thân thể các nhà giáo.
Ngoài ra, một số vụ việc tiêu cực của ngành giáo hiện nay đã khiến cho niềm tin của xã hội vào ngành nghề đặc biệt này bị suy giảm đến mức nghiêm trọng. Các cha mẹ ngày nay đưa con đi học luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ. Họ luôn sợ con mình bị thiệt thòi, thua kém bạn bè hoặc không được đối xử ngọt ngào. Nhiều phụ huynh còn đòi giáo viên phải luôn tươi cười, dịu dàng với con họ mà các cháu vẫn tuyệt vời ngoan ngoãn.
PV: Từ xưa đến nay chúng ta hay nói câu “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, vậy phải chăng những phụ huynh này không muốn con “hay chữ”, hay là vì một lý do nào khác?
TS. Vũ Thu Hương: Theo tôi, khi xã hội coi trọng đồng tiền, quyền lợi hơn tất cả các thứ khác, thì đạo lý chẳng có gì quan trọng với nhiều phụ huynh nữa. Đã từ lâu, chúng ta quên, hay cố tình quên mất việc giáo dục cái đẹp, trân trọng những hành động đẹp, những nhân cách cao cả. Nhiều người chỉ quan tâm đến lợi ích thực dụng, vì vậy họ chẳng cần con yêu chữ, chỉ cần con có điểm cao là được. Vì thế, họ đâu cần yêu thầy.
PV: Có một thực trạng hiện nay, khi phụ huynh coi con cái mình theo đúng nghĩa “là vàng, là bạc” từ đó dành tình cảm cho con cái quá lớn. Khi con cái bị áp lực, bị một hình phạt từ giáo viên thì phụ huynh mang áp lực đến các cô, thậm chí là những hành vi thiếu văn minh như chửi bới trên facebook, đánh giáo viên. Vậy đây có phải là một cách yêu con đúng?
TS. Vũ Thu Hương: Hành vi bôi nhọ các nhà giáo chưa bao giờ và không bao giờ có thể được coi là yêu con. Đó là những hành động mang tính trả thù, muốn dìm chết các nhà giáo vì đã "dám" có những hành động mà ta thấy không vừa mắt. Các phụ huynh làm vậy xong chỉ quan tâm xem cảm xúc của mình đã thỏa mãn chưa mà hoàn toàn quên giá trị giáo dục trẻ. Đôi khi, chúng tôi cảm thấy bọn trẻ như bị bỏ rơi trong cuộc chiến tranh dữ dội giữa hai phe vốn có trách nhiệm chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ chúng. Đó là cha mẹ và thầy cô.
PV: Trước những việc như vậy, đứng trong vai trò vừa là phụ huynh và là một giáo viên bà cảm thấy thế nào?
TS. Vũ Thu Hương: Tôi cảm thấy buồn. Tôi đã từng bị 1 phụ huynh hành hạ tinh thần, quát mắng ầm ầm chỉ vì báo cho họ biết các hành động chưa đúng của con cái họ. Khi đó, tôi vừa thương xót trẻ, vừa nản lòng và vừa cảm thấy bất lực. Dường như lúc đó, tôi không còn sức để làm bất kể việc gì nữa.
Đứng giữa chiến tuyến của phụ huynh và giáo viên, đôi khi, tôi muốn phất cờ trắng xin hàng. Giận và bất lực.
PV: Có lẽ đây là câu chuyện mà không chỉ những người làm quản lý giáo dục có thể giải quyết được. Vậy, để chấm dứt tình trạng này, xã hội cũng như ngành giáo dục phải làm gì?
TS. Vũ Thu Hương: Tôi đã nhiều lần kiến nghị cần phải tổ chức các buổi tư vấn cách giáo dục trẻ trong gia đình cho cha mẹ. Đồng thời, quyết liệt giải quyết những bất cập còn tồn tại trong ngành giáo dục. Có như vậy, những bất hòa lớn này mới có thể giải quyết nhằm đem lại một thế giới thật sự trong sạch cho trẻ em.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!