Đề Ngữ Văn hay, hướng học sinh sống tử tế
Thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Nguyễn Du (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đề thi đã đảm bảo đúng cấu trúc được Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo trước đó.
Đề thi rõ ràng, câu lệnh dễ hiểu để học sinh tư duy và trả lời. Về nội dung, câu đọc hiểu mang tính ứng dụng, khai thác lối trả lời ngắn, kích hoạt được tư duy đọc và xử lý ngữ liệu.
Phần Nghị luận xã hội của đề thi mang tính yêu cầu cao trong suy nghĩ. Đây là câu hỏi để phân loại học sinh rất rõ ràng trong khuôn khổ một kỳ thi tuyển. Học sinh cần phải hiểu một cách thấu đáo vấn đề giữa “suy nghĩ bằng khối óc” và “suy nghĩ bằng con tim”. Dạng đề này yêu cầu sự tư duy cao trong việc hiểu và đưa ra quan điểm của mình.
Phần Nghị luận văn học, học sinh có 2 lựa chọn. Ở đề thứ nhất, học sinh bị ấn định một tác phẩm để phân tích trong đó mức độ phân hóa cao khi đề thi không cung cấp dữ liệu về thông tin văn bản.
Học sinh viết bài phải dựa trên sự hiểu của bản thân trong quá trình học tập và cảm nhận trước đó. Ở đề thứ hai, có thể nói đây là hướng mở cho học sinh trong kỳ thi năm nay.
Học sinh được phép lựa chọn một đoạn thơ hay bài thơ mà em thích. Nhưng cái hay nằm ở việc lệnh đề được đặt vào một tình huống, yêu cầu học sinh phải hiểu đề rồi mới chọn tác phẩm để phân tích.
Thầy Võ Minh Nghĩa cho rằng, đề thi năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ sự ổn định theo cấu trúc đề của chương trình 2006.
Đề thi này là sự khép lại của Kỳ thi tuyển sinh 10 theo chương trình cũ. Đề thi vẫn giữ truyền thống 15 năm qua trong việc ra đề, luôn hướng học sinh đến sự tư duy để làm bài. Đề giàu tính giáo dục hướng học sinh về lối sống tử tế ở cuộc đời.
Đề không quá thử thách với học sinh
Đánh giá chi tiết hơn, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, thành phồ Hồ Chí Minh) cho biết, đề thi về tổng thể không quá khó, cho học sinh cơ hội để có thể bung hết sức hiểu biết của mình. Học sinh có thể làm mức điểm 7 không khó khăn nếu học sinh học bài làm bài, ôn luyện một cách kỹ lưỡng.
“Tuy nhiên để đạt điểm 8 trở lên, học sinh cần hiểu biết sâu sắc, phân bố thời gian làm bài tốt, biết cách xử lý đề tốt”, thầy Đức Anh cho biết.
Về phần đọc hiểu, chủ đề biển đảo đã rất quen thuộc. Học sinh đã luyện nhiều lần ở cả hai học kỳ, các em có thể trả lời dễ dàng. Riêng câu viết đoạn văn từ 4- 6 dòng, đây là câu hỏi mở, dành cho các em học sinh bày tỏ quan điểm lập trường của mình.
Thầy Đức Anh cho biết: “Tôi cũng mừng cho các bạn thí sinh vì năm nay, phần đọc hiểu chỉ có một văn bản đọc hiểu thay vì 2 văn bản đọc hiểu như mọi năm. Việc này giúp thí sinh xử lý đề nhanh gọn, 15 phút đã có thể hoàn thành phần này” .
"Tôi cho rằng đây là một trong những đề thi nhẹ nhàng với thí sinh khi vấn đề không phải lên gân quá nhiều, hay nói nhiều về những vấn đề cao siêu trong cuộc sống. Và ở độ tuổi 15, để trả lời câu hỏi suy nghĩ khối óc hay con tim, bạn có thể sử dụng kỹ năng đã học để viết. Các bạn áp dụng tới đâu và độ sâu sắc của các bạn mức độ nào là do khả năng từng bạn”, thầy Đức Anh chia sẻ thêm.
Thầy Đức Anh nhận định: "Tuy nhiên, với câu nghị luận văn học ở đề số 1, phân tích tình cảm bé Thu dành ba trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi nghĩ là câu này sẽ khó với thí sinh chưa học kỹ bài, nhất là thí sinh quen với dạng bài thi có trích dẫn sẵn dẫn chứng văn bản.
Tôi cho rằng, nếu thí sinh không nhớ dẫn chứng trong tác phẩm, thì khi phân tích sẽ khó đạt điểm cao".
Cũng theo thầy Đức Anh, nếu các em học sinh không nhớ dẫn chứng trong tác phẩm có thể chọn đề số 2. "Với đề năm nay tôi nghĩ, có nhiều bạn sẽ vui vẻ sau khi làm bài, vì đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả kiến thức, kỹ năng. Nhiều bạn sẽ có đất viết và thể hiện sự hiểu biết của mình về văn chương…", thầy Đức Anh chia sẻ.
Nguyễn Lành