Ngành giáo dục bắt đầu trở lại với những khó khăn thách thức mới
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường Quốc hội.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khởi động phiên trả lời chất vấn của ngành Giáo dục bằng báo cáo về tình hình của ngành Giáo dục.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, ngành giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi.
Gần 20 triệu học sinh sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Việc học tập trực tuyến trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy, học sinh căng thẳng mệt mỏi, thầy cô cực nhọc áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Ứng phó với dịch bệnh biến chuyển phức tạp, cả những việc đau lòng đã xảy ra khó có thể kể xiết.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “ngừng tới lớp không ngừng học tập”, toàn ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Bộ GD&ĐT đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm cùng nhau đoàn kết, tất cả vì học sinh thân yêu.
“Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập, nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu trở lại với những khó khăn thách thức mới vẫn còn nguyên và thậm chí, còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Các thế hệ học sinh phải giỏi tiếng Việt trước
Đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum) đặt câu hỏi "Vừa qua tôi thấy Bộ trưởng chỉ đạo không dùng bài văn soạn thảo trong dạy và học môn Ngữ Văn. Điều này rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Bộ trưởng sẽ chỉ đạo thế nào để thúc đẩy chất lượng hơn?"
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, vấn đề giảng dạy môn ngữ văn, đây là môn học có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người mà trong định hướng giáo dục của chúng ta là tăng yếu tố dạy người thì môn ngữ văn đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đối với bậc tiểu học, môn Tiếng Việt cũng rất quan trọng, việc tăng cường năng lực ngoại ngữ cũng rất quan trọng, nhưng trước hết các thế hệ học sinh của chúng ta phải giỏi tiếng Việt trước. Nên, môn ngữ văn là môn cần được chú ý.
“Vừa qua, trong một số cuộc họp tôi có nêu việc cần phải chấm dứt, ngăn chặn việc dạy theo văn mẫu. Vì việc dạy theo văn mẫu, việc giáo viên đọc cho học sinh chép, với việc giáo viên soạn những bài văn mẫu cho học sinh học thuộc, điều đó rất tai hại cho việc phát huy tính chủ động, sáng tạo những cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh.
Cho nên, việc không được dùng lối đọc chép, dùng văn mẫu cho học sinh học thuộc thì ngành sẽ có các biện pháp điều chỉnh sắp tới, coi đó là việc mang tính chuyên môn. Tôi nghĩ nó sẽ rất lan toả trong thời gian tới. Các công việc kiểm tra, đánh giá cũng được triển khai trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Thái về vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc chấm dứt văn mẫu cũng là một nhân tố chuyên môn để hạn chế dạy thêm, học thêm.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn Bạc Liêu) đặt vấn đề về việc dạy thêm học thêm online đối với Bộ trưởng: "Ngành giáo dục nghiêm cấm dạy học thêm nhưng trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, xuất hiện tình trạng dạy học thêm trực tuyến. Quan điểm của Bộ trưởng ra sao về vấn đề này?"
Về dạy thêm trực tuyến, Bộ trưởng nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã không được. Nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
“Chúng ta test tìm virus nhưng virus test lại cả hệ thống”
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long): Ngành Giáo dục đã thích ứng để ứng phó với dịch Covid-19, đội ngũ nhà giáo và quản lý đã thể hiện tinh thần vượt khó rất đáng trân trọng nhưng bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo Bộ trưởng, có điều gì cần khắc phục thời gian tới? Câu hỏi thứ hai, dự báo dịch còn lâu dài, theo ông Bộ làm gì để đảm bảo sức khỏe và tâm lý cho giáo viên, học sinh?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Có thể nói, chúng ta test tìm virus nhưng virus test lại cả hệ thống của chúng ta. Qua dịch bệnh có nhiều điểm cần nhìn nhận lại, bổ khuyết sửa chữa”.
Theo Bộ trưởng, điều đáng mừng nhất là chúng ta nhìn ra sức mạnh, niềm tin được củng cố từ sự nhiệt thành, tận tụy hy sinh của hơn 1 triệu giáo viên. Trong gian khó dạy học trực tuyến, ứng phó dịch bệnh, các thầy cô không kêu ca, trên diễn đàn và nhóm không nhiều phàn nàn mà các thầy cô sáng tạo vô cùng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng có một số điều trong thời gian tới phải điều chỉnh tốt hơn:
Thứ nhất, về thể chế, chệ độ chính sách khi vận hành trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh, nhiều văn bản, chỉnh sách bộc lộ khiếm khuyết. Bộ sẽ tiếp tục rà soát.
Thứ hai, về phương diện quản lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra giám sát Bộ đang làm tốt nhưng nghiệp vụ, hiểu biết, tinh thần của ngành ứng phó tình trạng khẩn cấp còn nhiều việc phải làm.
Thứ ba, về ban hành chính sách, giữa yếu tố chung cả nước cần chú ý nhiều tới tính đa dạng, đặc thù của vùng miền, phải phù hợp với thực tế…