Ngày thứ 2 của phiên chất vấn 4 Bộ trưởng là thời gian để các đại biểu gửi sự quan tâm của cử tri tới Bộ trưởng bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đã có nhiều Đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề liên quan đến biên chế giáo viên, sáp nhập trường theo Nghị quyết 04 của Chính phủ.
Đơn cử, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) hầu hết các địa phương vẫn diễn ra tình trạng là các ngành y tế, giáo dục đang kêu chuyện bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng. Trong khi ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều yêu cầu mới. Đến thời điểm này, văn bản chỉ đạo chưa có.
Hơn nữa, kỳ thi viên chức giáo dục ở một số địa phương đã chính thức diễn ra mà không có bất cứ một sự ưu tiên nào dành cho các giáo viên hợp đồng. Đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm, có đóng bảo hiểm xã hội.
"Tôi nhận được nhiều thông tin liên quan đến vấn đề này. Đơn cử trong tay tôi đây là một tâm thư kêu cứu của một giáo viên đã ký hợp đồng giảng dạy trong suốt 14 năm qua, nay bị chấm dứt hợp đồng. Có lẽ giờ đây, những giáo viên này đang dõi theo, đang khắc khoải, đang mong chờ câu trả lời rõ hơn từ Bộ trưởng", đại biểu Thúy đặt câu hỏi.
Về những nội dung có liên quan đến ngành giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã mời Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng tham gia. Ông Nhạ đã có khoảng 5 phút để cùng Bộ trưởng bộ Nội vụ giải đáp những thắc mắc của Đại biểu.
Mở đầu phần phát biểu của mình sau giờ giải lao, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ GD&ĐT và bộ Nội vụ đã có rất nhiều buổi làm việc với nhau, làm việc với các địa phương để giải quyết rất nhiều vấn đề về biên chế giáo viên, cũng như vấn đề liên quan của nhiều năm để lại.
Ông Nhạ khẳng định, đối với giáo dục đào tạo rất đặc thù, đội ngũ giáo viên rất đông, rất nhiều đặc điểm nghề nghiệp cho nên những vấn đề đặc thù về biên chế giáo viên, những vấn đề vướng mắc, giải pháp, về cơ bản ông rất đồng ý với cách đặt vấn đề của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.
"Tới đây, chúng tôi cùng nhau tiếp tục có những giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và làm việc với các địa phương để giải quyết các vấn đề còn đang vướng.
Tôi rất mừng vừa rồi Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân có nêu tới đây có một loạt những đổi mới về tuyển dụng, đặc biệt liên quan đến nâng hạng những tiêu chuẩn nghề nghiệp, có quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Chúng tôi qua thực tiễn thấy đối với giáo viên nói riêng, cũng như đối với chức công, viên chức vấn đề quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có lẽ không cần thiết.
Đây được lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp mà trong chuẩn giáo viên chúng tôi cũng đã quy định. Về điểm này tôi và Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đã thống nhất về cơ bản", ông Nhạ cho hay.
Liên quan đến sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường học ông Nhạ cho biết, bộ đã có hướng dẫn các địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp các trường, lớp, các điểm trường lẻ, các trường phổ thông có nhiều cấp học.
Về mô hình trường có nhiều cấp học, Bộ trưởng Nhạ giải thích: "Trước hết mô hình đó không phải là không có cơ sở, nhưng hình thành qua con đường sáp nhập thì yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn quy định về kỹ thuật, về điều kiện. Mỗi một cấp học có tâm sinh lý khác nhau. Do vậy, khi sắp xếp phải tính toán đảm bảo được những yêu cầu về mặt chuyên môn sư phạm khoa học.
Ví dụ, về cán bộ lãnh đạo mặc dù có giảm nhưng cán bộ lãnh đạo quản lý nhà trường phải đủ điều kiện, giáo viên cũng phải đủ điều kiện, các sân chơi, tập ở các lứa tuổi cũng phải đảm bảo. Rồi các phòng học bộ môn, khối học riêng chứ không phải dồn tất cả. Như vậy trong các quy định rất rõ và số lớp trong trường liên cấp này cũng không quá 45, dự kiến như vậy, đường đi với nhau cũng không được quá xa và tùy theo điều kiện địa phương".
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết có nhiều địa phương làm tốt, nhưng cũng có địa phương làm vội, do vậy sắp xếp cơ học dẫn đến không đảm bảo điều kiện cho dạy và học.
"Đây cũng là vấn đề chúng tôi có phối hợp nhắc nhở. Tới đây chúng tôi tiếp tục cùng với các địa phương hướng dẫn để làm sao công việc sắp xếp các trường, đặc biệt là những trường liên cấp phải đảm bảo được những điều kiện thì lúc ấy mới được. Mục đích của việc sáp nhập này đảm bảo chất lượng, không phải mục đích để giảm biên chế. Rất nhiều địa phương chúng tôi có làm việc họ cũng nhất trí như vậy. Tuy nhiên, địa phương nào giao cho Sở Giáo dục làm đầu mối chúng tôi thấy làm tốt, nếu như giao cho các sở khác không có chuyên môn đôi khi có những cách làm cơ học", ông nêu giải pháp.
Cuối cùng, Bộ trưởng bộ GD&ĐT cho biết sẽ cùng bộ Nội vụ xây dựng một nghị quyết tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên, đảm bảo hợp lý, có lộ trình giảm, giảm cán bộ quản lý và phục vụ thực sự không cần thiết, còn đối với giáo viên thì tăng, nhưng ở đây tăng cũng phải hợp lý chứ không phải tăng một cách vô cùng. Ví dụ, các định biên về giáo viên phải tính toán đến các vùng thành phố với các vùng miền núi có khác nhau, để trên cơ sở đấy các địa phương có căn cứ sắp xếp, rà soát.
Công Luân - Hoa Liên