Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối thoại với giáo viên cả nước
Sau làn sóng hàng nghìn giáo viên nghỉ việc, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục được tổ chức vào ngày 15/8 sắp tới đang thu hút sự chú ý của đông đảo cán bộ, giáo viên các bậc học.
Cuộc đối thoại sẽ được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ GD&ĐT và kết nối với 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Đây là diễn đàn để các thầy cô chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và sáng kiến để ngành giáo dục ngày càng hoàn thiện hơn, trở thành môi trường làm việc lý tưởng vốn có.
Dự kiến trong buổi sáng ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ gặp gỡ với giáo viên bậc mầm non, phổ thông. Chiều cùng ngày, gặp gỡ với giảng viên các trường đại học.
Giáo viên gửi hơn 6.200 ý kiến đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Sau 1 tháng lấy ý kiến người lao động toàn ngành, tính tới sáng ngày 13/8, có hơn 6.200 ý kiến của giáo viên gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trước cuộc gặp gỡ sắp diễn ra; trong đó, khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Theo báo Công Thương, nội dung buổi đối thoại xoay quanh 3 vấn đề chính:
- Thứ nhất, công tác quản lý và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT;
- Thứ hai, những khó khăn, bất cấp trong công tác giảng dạy, lương, phụ cấp cho nhà giáo;
- Thứ ba, giải pháp của Bộ trưởng và Bộ GD&ĐT về những tồn tại trong thời gian qua.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, cuộc đối thoại do Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất. Cuộc gặp gỡ là một trong những hoạt động quan trọng hướng đến thực hành dân chủ trong ngành giáo dục.
“Trong xu thế hiện nay, việc thực hành dân chủ trong ngành giáo dục ngày càng được đề cao. Và Công đoàn Giáo dục Việt Nam có vai trò rất lớn trong việc thực hành dân chủ.
Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với người lao động toàn ngành là một trong những nội dung quan trọng của việc thực hiện dân chủ”, ông Nguyễn Ngọc Ân nói.
Cũng theo ông Ân, đứng về phía người lao động để tạo điều kiện cho người lao động gặp gỡ người đứng đầu ngành. Từ đó tạo diễn đàn để hai bên cùng chia sẻ, trao đổi về những vấn đề trong hoạt động của ngành.
“Thông tin tại cuộc đối thoại là những thông tin chính thức mang tính chỉ đạo chung giúp nhà giáo hiểu rõ những chủ trương của ngành”, ông Ân nhấn mạnh.
Cuộc đối thoại cũng là cơ hội để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nắm bắt được thực trạng của việc chỉ đạo, vận hành giáo dục ở các địa phương thông qua những phản ánh trực tiếp của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ở cơ sở.
“Trước thềm năm học mới, đặc biệt trong bối cảnh xã hội với các kênh thông tin đến với nhà giáo đa chiều như hiện nay, cuộc gặp gỡ đối thoại này có ý nghĩa rất quan trọng”, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, ông Ân cho biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã khảo sát, lấy ý kiến trực tiếp giáo viên cả nước từ cấp bậc mầm non đến đại học bằng hình thức trực tuyến.
“Chúng tôi đã mở kênh lấy ý kiến trực tuyến nhằm giúp các nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục có thể tự do trao đổi ý kiến, đề xuất, thậm chí đưa ra những phát hiện mà không phải thông qua nhà trường hay một bộ sàng lọc nào ở cơ sở. Các ý kiến đều được chuyển trực tiếp tới Công đoàn, vì vậy đảm bảo tính khách quan, trung thực và đáng tin cậy cho cuộc đối thoại”, ông Ân chia sẻ.
Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định, những ý kiến chia sẻ, thông tin cá nhân người gửi các ý kiến đến cuộc đối thoại chỉ có Công đoàn và Bộ trưởng nắm được.
“Cuộc đối thoại thực sự là một diễn đàn dân chủ thực sự trong ngành giáo dục. Hiện các sở GD&ĐT, các đơn vị trường học đều đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đối thoại với tất cả trách nhiệm và sự mong chờ”, ông Ân nhấn mạnh.
Trúc Chi (t/h)