Giáo viên hợp đồng Hà Nội: “Sao đuổi ta về khi Tết đã bên hiên”?!

Giáo viên hợp đồng Hà Nội: “Sao đuổi ta về khi Tết đã bên hiên”?!

Vũ Thị Thủy Tiên

Vũ Thị Thủy Tiên

Thứ 3, 14/01/2020 06:00

Những ngày này, giáo viên hợp đồng Hà Nội vẫn không ngừng lo lắng cho phận nghề, đặc biệt, khi những chỉ đạo của các cấp còn nhiều băn khoăn.

Bị “cắt” hợp đồng, chuyển sang thỉnh giảng

Không ít giáo viên hợp đồng đã bị chấm dứt hợp đồng ngay trước thềm năm mới, khiến nỗi đau bị nghề “chối bỏ” càng thêm dằn vặt.

Mới đây, một giáo viên hợp đồng dạy Toán tại huyện Phúc Thọ đã gửi gắm những trăn trở trong lòng qua một bài thơ đầy xúc cảm:

“Mẹ đừng buồn khi con không còn là cô giáo

Biết đâu rằng hạnh phúc đợi phía sau

Mẹ tiếc cho con nhiều năm đằng trên bục giảng

Nhưng có sá gì với các bạn của con

18 năm, có người lâu hơn thế

Chắc cũng phải về tay trắng như con

Mẹ tiếc cho con, ai tiếc thanh xuân họ?

...

Đâu thấu được nỗi lòng người ở dưới

Cả thanh xuân nhận lại số 0 tròn.

Nghề cao quý cũng là nhân văn nhất

Sao đuổi ta về khi Tết đã bên hiên?!”.

Những dòng thơ trên cũng là nỗi lòng của hàng trăm giáo viên hợp đồng tại các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đan Phượng...

Giáo dục - Giáo viên hợp đồng Hà Nội: “Sao đuổi ta về khi Tết đã bên hiên”?!

Những dòng chia sẻ chất chứa đầy tâm tư của giáo viên hợp đồng huyện Phúc Thọ. (Ảnh chụp màn hình). 

Cùng chung nỗi trăn trở với những người đồng nghiệp đang có nguy cơ thất nghiệp, cô giáo Nguyễn Thị Hoa, một giáo viên hợp đồng huyện Đan Phượng bộc bạch: “Theo tôi được biết, hiện tại, các trường đều cho giáo viên hợp đồng chuyển sang thỉnh giảng hết rồi. Mỗi người dạy 1-2 tiết để duy trì, tùy từng trường sẽ có số tiền trả theo tiết khác nhau, có trường trả 35.000 đồng/tiết, có trường trả 50.000 đồng/tiết..., “cắt” hết tất cả chế độ bảo hiểm, các giáo viên tự chi trả. Có trường còn cho nghỉ hẳn.

Tôi nghĩ, dần dần rồi lãnh đạo cũng sẽ cho nghỉ hết thôi, cách chuyển sang thỉnh giảng chỉ là cái cớ để cắt dần, vì chỉ cho thỉnh giảng có 1-2 tiết với số tiền như vậy, sau đó, mọi người cũng sẽ chán nản rồi nghỉ dần. Đến lúc xét, lại không đủ điều kiện... Lãnh đạo đã từng hứa hẹn nhưng cuối cùng, phận giáo viên hợp đồng chúng tôi vẫn chỉ nhận lại con số 0 tròn trĩnh...”.

Giáo dục - Giáo viên hợp đồng Hà Nội: “Sao đuổi ta về khi Tết đã bên hiên”?! (Hình 2).

Trăn trở chuyện nghề vẫn luôn tồn tại.

Thầy Nguyễn Viết Tiến, từng là giáo viên hợp đồng dạy Toán tại trường THCS Xuân Sơn, Sơn Tây cũng không giấu nổi niềm chua xót khi phải thỉnh giảng ngay tại ngôi trường đã gắn bó gần 20 năm: “Trong suốt quá trình công tác đến nay đã được 17 năm, tôi không được tăng lương và không được hưởng bất kỳ phụ cấp hay chế độ ưu đãi gì. Tôi là giáo viên dạy giỏi và được phân công luyện thi cho đội tuyển học sinh giỏi của trường THCS Xuân Sơn.

Hiện nay, sau khi bị cắt hợp đồng, tôi lại được trường mời thỉnh giảng ngay tại chính ngôi trường đã gắn bó hàng chục năm qua. Tôi đang dạy hai lớp Toán, trong đó có một lớp vốn đang ôn thi học sinh giỏi thị xã”.

Được biết, thầy Tiến đang thỉnh giảng tại trường 12 tiết/tuần, mỗi tiết thầy nhận được 50.000 đồng và phải tự đóng bảo hiểm.

Cô giáo Nguyễn Như Quỳnh, giáo viên hợp đồng một trường THCS tại huyện Chương Mỹ cũng bày tỏ: “Tôi vừa nhận thông báo từ Hiệu trưởng, sẽ bị “cắt” hợp đồng từ ngày 15/1/2020, không được báo trước, đùng một cái thông báo luôn trước hội đồng, trong khi hôm nay đã là ngày 13/1. Tôi thực sự bị sốc!

Mặc dù tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ bị cắt hợp đồng, nhưng điều quan trọng lúc này, là chỉ còn hơn một tuần nữa là Tết, giờ nhận thông tin này, đón một cái Tết không trọn vẹn, trong khi đã gắn bó mấy năm trời...”.

Mong mỏi truy thu” để được xét tuyển

Sau khi có công văn chỉ đạo của sở Nội vụ TP.Hà Nội về việc rà soát giáo viên hợp đồng đủ điều kiện xét tuyển, phòng Nội vụ huyện Ứng Hòa cũng đã có văn bản gửi các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện, nhằm đảm bảo nhu cầu giáo viên giảng dạy trong khối tiểu học và THCS còn thiếu so với nhu cầu năm học trong khi chưa kịp tuyển dụng bổ sung.

Cụ thể, trên cơ sở biên chế được giao, đối chiếu với số biên chế hiện có, Hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS căn sứ số lượng giáo viên còn thiếu để chủ dộng ký hợp đồng lao động theo quy định phân cấp của UBND thành phố bằng nhiều hình thức như: hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng thỉnh giảng, hợp đồng theo tiết học,… theo chuyên môn sử dụng.

Hợp đồng lao động được ký kết trên cơ sở thỏa thuận của Hiệu trưởng với người lao động và được đóng các loại bảo hiểm xã hội theo quy định với mức tiền công của người lao động nếu ký hợp đồng toàn thời gian đối với khối tiểu học là 85% của 1,86 hệ só lương cơ bản; khối THCS là 85% của 2,1 hệ số lương cơ bản. Thời gian ký hợp đồng từ ngày 1/1/2020 đến 30/7/2020.

Giáo dục - Giáo viên hợp đồng Hà Nội: “Sao đuổi ta về khi Tết đã bên hiên”?! (Hình 3).

Phòng Nội vụ huyện Phúc Thọ đã có chỉ đạo tạo cơ hội cho giáo viên được ký hợp đồng và đóng bảo hiểm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, không ít giáo viên hợp đồng vẫn còn nhiều băn khoăn. Với 7 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Nguyễn Thị H., giáo viên hợp đồng một trường tiểu học huyện Ứng Hòa chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi đã có cơ hội được đóng bảo hiểm trong giai đoạn tới, nhưng vẫn không có văn bản chỉ đạo nào chỉ rõ việc chúng tôi có được phép đóng bổ sung bảo hiểm trong những năm trước đó hay không?

Rõ ràng, chúng tôi vẫn được ký hợp đồng liên tục qua các năm, mà không được đóng bảo hiểm, đó không phải lỗi của chúng tôi. Vì vậy, toàn thể giáo viên hợp đồng trong huyện Ứng Hòa và cả huyện Mỹ Đức nữa, ai cũng mong mỏi được “truy thu”, ai cũng tình nguyện được đóng bổ sung bảo hiểm từ các năm trước để đủ điều kiện xét tuyển đặc cách”.

Cô giáo Nguyễn Thu H., giáo viên hợp đồng huyện Ứng Hòa cũng cho biết: “Mặc dù có chỉ đạo bằng văn bản, nhưng không phải giáo viên hợp đồng nào cũng được tiếp tục hợp đồng. Đối với một số trường, trong kỳ thi tuyển viên chức vừa rồi, có thí sinh từ trường khác đăng ký vào mà đỗ thì đều đã tuyển đủ chỉ tiêu. Vì vậy, giáo viên hợp đồng tại các trường đó đã bị “cắt” hợp đồng. Một số bạn bè của tôi cũng trong tình trạng đó, đã bị chấm dứt hợp đồng”.

Giáo dục - Giáo viên hợp đồng Hà Nội: “Sao đuổi ta về khi Tết đã bên hiên”?! (Hình 4).

Không ít giáo viên đang phải thỉnh giảng ngay tại chính ngôi trường mình đã gắn bó hàng chục năm.

"Đến cả những giáo viên vẫn đang được ký hợp đồng như tôi cũng chưa biết tương lai sẽ đi đâu về đâu, bởi vì hợp đồng của chúng tôi chỉ đến ngày 31/7/2019. Còn sau đó thì chưa có một khẳng định nào… Vậy chúng tôi có còn cơ hội nào hay không?!”, cô giáo Nguyễn Thu H. bày tỏ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.