Cô giáo Đoàn Xuân Hoa – GV môn Văn tại trường THCS Yên Hòa (Hà Nội) cho biết, để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi này, trước hết các em cần phải có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để có được sức khỏe và tinh thần tốt nhất.
“Các em cần vạch ra được kế hoạch ôn tập rõ ràng qua sự định hướng của thầy cô giáo. Thời điểm đến kỳ thi không còn dài, nên phải ôn cuốn chiếu từng tác phẩm, từng giai đoạn, ôn tới đâu dứt điểm tới đó”, cô Hoa tư vấn.
Ngoài ra, nữ giáo viên của trường THCS Yên Hòa cũng khuyên rằng, việc kết hợp vừa ôn tập vừa luyện đề là rất tốt, bởi như vậy sẽ giúp các em làm quen với áp lực khi làm bài, biết cân đối tốt thời gian cho từng câu hỏi. “Các con nên làm bài theo tuần tự của đề thi, phân bố thời gian cho hợp lý với điểm mà câu hỏi đạt được”.
“Trong quá trình ôn tập, nếu thấy bản thân còn vướng mắc kiến thức ở đâu thì cần trao đổi, chia sẻ với thầy cô cũng như bạn bè. Như vậy sẽ không có kiến thức nào bị “bỏ quên” lại phía sau khi vào phòng thi”, cô Hoa chia sẻ.
Cũng theo cô Hoa, một trong những điểm mới ở cơ cấu đề thi các năm gần đây là phần “Nghị luận xã hội”. Ngoài việc học kiến thức sách vở thì các em học sinh cũng cần phải đọc báo, xem tivi để có được thêm kiến thức xã hội. “Điều này sẽ tránh được tình trạng khi đọc đề mà không hiểu đề đó nói gì, mặc dù đó là sự kiện được rất nhiều người quan tâm”, cô Hoa nói.
Kỳ thi lên lớp 10 đối với các em là kỳ thi lớn đầu tiên trong đời, từ đó dẫn tới tâm lý lo lắng. Những lúc này các thầy cô và bố mẹ luôn cần ở bên để tạo chỗ dựa vững chắc cho con. “Ngoài việc chăm lo sức khỏe, tinh thần cho con thì phụ huynh cũng phải nghiêm khắc đối với những em có biểu hiện chểnh mảng học tập, lười biếng. Bố mẹ cần đưa ra các quy định để con làm theo, nếu buông lỏng thì sẽ làm cho con mình tụt lại phía sau”, cô Hoa chia sẻ.
Cuối cùng, cô Hoa lưu ý: “Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như các em "học tủ" hoặc học qua loa. Vì khi làm bài mà “lệch tủ” sẽ gây hoang mang dẫn đến không làm được bài”.
Xem thêm: Chân dung Giáo sư trẻ nhất Việt Nam