Trước câu chuyện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học “làm khổ” hàng triệu giáo viên suốt bao năm qua, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - thẳng thắn chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật.
PV: Thưa TS Nguyễn Viết Chức, ông có suy nghĩ gì trước thông tin giáo viên sẽ được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học?
TS Nguyễn Viết Chức: Khi nhận được thông tin bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ và tin học mang tính điều kiện đối với giáo viên, tôi hoàn toàn ủng hộ. Trước hết, sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm, đã có bằng tốt nghiệp thì đã có quyền trở thành giáo viên. Không thể yêu cầu phải có chứng chỉ này, chứng chỉ kia mới trở thành giáo viên. Hiện tại là ngoại ngữ và tin học, nếu sau này, xã hội ngày càng phát triển, chẳng lẽ lại đòi hỏi thêm nhiều chứng chỉ, bằng cấp khác, chẳng hạn như khoa học - kỹ thuật hay sao?
Trên thực tế, ai cũng muốn không chỉ giáo viên biết ngoại ngữ, thạo tin học, mà nếu toàn dân đều biết thì quá tốt. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào đang giảng dạy tốt ở các trường cũng có thể đáp ứng được tất cả.
Chẳng hạn, giáo viên nào dạy ngoại ngữ, tin học thì cần thiết phải nâng cao, còn giáo viên dạy các môn như Toán, Văn, Giáo dục công dân… khi ngoại ngữ và tin học chưa phải là thiết yếu đối với họ thì chỉ cần họ làm tốt chuyên môn, yêu nghề, mến trẻ và nên khuyến khích, không nên bắt buộc phải có chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia, thậm chí đưa vào yêu cầu tuyển dụng.
Cần phải quản lý chất lượng thật, chứ không phải đưa ra những yêu cầu xa thực tế khiến thầy cô không thực hiện được. Chứng chỉ tin học hay ngoại ngữ đều cần đối với giáo viên, nhưng phải đặt vào địa vị, khả năng của họ trước khi đưa ra yêu cầu. Nếu những quy định biến thành cứng nhắc, đẩy người ta vào con đường dối trá, thêm vào hệ thống giáo dục những tấm bằng rởm, bằng giả thì thực sự là những quyết sách sai lầm.
PV: Vậy, ông có thể lược qua một số hệ lụy từ việc đòi hỏi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên trong những năm qua, thưa ông?
TS Nguyễn Viết Chức: Nếu như yêu cầu của nhà quản lý vượt quá khả năng thật của giáo viên thì sẽ dẫn đến tình trạng “đối phó”. Nhiều người chưa đủ chứng chỉ nhưng có nhu cầu làm giáo viên, thì phải làm thế nào? Vừa không có thời gian đi học, vừua tốn kém mà không phải cứ đi học một cái là có chứng chỉ ngay.
Khi đó, sẽ nảy sinh ra một thứ hàng giả, tức chứng chỉ thật nhưng kiến thức giả. Về chứng chỉ ngoại ngữ chẳng hạn, khi giáo viên không có khả năng thi, họ phải tìm đến những nơi cấp chứng chỉ dễ, thậm chí chứng chỉ rởm. Chứng chỉ giả, chứng chỉ rởm lại được mua bởi chính những người trong ngành giáo dục thì không có tổn hại nào hơn!
Thực tế không ít người có chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia, có bằng A, bằng B ngoại ngữ, nhưng có thực chất đâu, nói một vài câu ngoại ngữ còn khó. Có người còn làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài về nước một thời gian còn quên luôn ngoại ngữ, chỉ những trường hợp học thật sự sau nhiều năm vẫn sử dụng được.
Nói như vậy để thấy vấn đề chứng chỉ, bằng cấp ngoại ngữ hiện nay nhiều người có nhưng không thực chất. Chưa kể, trong trường hợp giáo viên có học ngoại ngữ chăm chỉ, thực chất để lấy chứng chỉ… nhưng không dùng đến một thời gian sẽ rất dễ quên.
PV: Thưa ông, vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò cúa ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên? Và giáo viên nên tự trau dồi như thế nào?
TS Nguyễn Viết Chức: Ở hoàn cảnh nào, ngành nghề nào, nếu chúng ta biết ngoại ngữ và tin học cũng đều thuận lợi hơn. Đặc biệt, đối với giáo viên, nếu biết ngoại ngữ và tin học, sẽ có cơ hội tiếp cận với tri thức nhân loại cao hơn, đồng thời, cải thiện hình ảnh trong lòng học trò. Nếu không có tri thức, kiến thức, kỹ năng về ngoại ngữ và tin học thì sẽ hạn chế hơn rất nhiều, hình ảnh người thầy trong mắt học trò sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tôi mong các giáo viên hãy yên tâm hơn, làm việc tốt hơn và chăm chỉ học thêm ngoại ngữ, tin học một cách đích thực, không phải vì nhận bằng cấp, chứng chỉ, không phải để tăng lương hay vào biên chế, mà là vì chính bản thân mình, chính nghề nghiệp của mình, vì hình tượng của mình trong mắt học sinh, chứ không phải từ những chứng chỉ không năng lực kia.
Chúng ta nên khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên tự học, tự trang bị để trau dồi bản thân, tự tạo hứng thú, đam mê trong học tập ngoại ngữ và tin học, khi đó, việc học mới có hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!