Giáo viên "mách" bí quyết làm bài môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Giáo viên "mách" bí quyết làm bài môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 2, 04/07/2022 13:00

Các giáo viên với nhiều năm giảng dạy và luyện thi có vài điều nhắn nhủ tới sĩ tử trước ngày thi để đạt điểm cao môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ chính thức diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong đó Ngữ văn là môn thi đầu tiên. Vì vậy thời điểm này có rất nhiều em lo lắng không biết làm thế nào để đạt điểm cao thi tốt nghiệp môn Ngữ văn.

Trước băn khoăn này, cô Nguyễn Thị Tiếp, giáo viên môn Văn, Trường THPT Văn Lang, quận Đống Đa, Hà Nội đã đưa ra một số lời khuyên dành cho các thí sinh: "Trước khi thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các em đã có một thời gian dài ôn tập nhưng vẫn cần dành một khoảng thời gian nhất định để sơ đồ hóa bài học theo hệ thống ý, sơ đồ tư duy, học cách tự triển khai ý, diễn đạt thành câu văn, đừng quá lệ thuộc vào câu chữ văn mẫu để giữ tâm thế chủ động làm bài.

Có kiến thức thôi chưa đủ, các em cần chú ý kỹ năng làm các dạng bài nghị luận một đoạn thơ, một bài thơ; nghị luận một nhân vật văn học, một đoạn trích trong tác phẩm văn xuôi và đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng là một gợi ý quan trọng để chúng ta tham khảo. Đừng cố gắng đi nghe ngóng tủ ở chỗ này chỗ khác rồi hoang mang lo lắng, vì năm nay số lượng tác phẩm cần ôn cũng không quá nhiều”.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, cũng cho rằng các học sinh nên tiếp tục ôn luyện theo cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT.

Cấu trúc gồm 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Trong đó phần làm văn gồm 2 câu: Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.

Việc ôn tập theo cấu trúc này phải đảm bảo nắm vững cả về kiến thức lẫn kỹ năng làm bài dành cho từng phần, từng câu; cần chú trọng vào chương trình đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT.

Khi ôn luyện theo cấu trúc này, các em cần chú ý:

- Với phần đọc hiểu (3 điểm), cần nắm chắc lại những kiến thức cơ bản như: thể thơ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ.... Rà soát lại các dạng câu hỏi ở từng mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng có khả năng ra trong phần đọc hiểu và nắm chắc cách trả lời dành cho từng dạng câu hỏi một.

- Với câu nghị luận xã hội, cần xác định kĩ những yêu cầu của một câu nghị luận xã hội: yêu cầu về hình thức, yêu cầu về dung lượng, yêu cầu về nội dung. Các em cũng cần phải nắm vững phương pháp làm bài, cách thức triển khai dành cho từng dạng đề như: trình bày suy nghĩ về ý nghĩa một vấn đề, trình bày suy nghĩ về hậu quả một vấn đề hay trình bày suy nghĩ về giải pháp để thực hiện vấn đề. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tổng hợp tri thức xã hội để sử dụng khi làm bài.

- Với câu nghị luận văn học, cần hệ thống hóa những kiến thức quan trọng trong những văn bản văn học nằm trong chương trình 12 (chú trọng phần văn học Việt Nam, chương trình đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT với các mảng kiến thức: Thơ, truyện, kí, kịch). Đồng thời phải nắm vững kỹ năng làm bài dành cho từng dạng đề cụ thể.

Đề thi tham khảo là một đề thi quan trọng mang tính định hướng cho đề thi chính thức. Vì vậy, bám vào đề thi này để ôn tập, các em sẽ tiếp cận khá sát với đề thi chính thức.

Các em nên dành thời gian để tự giải đề tham khảo, đọc thêm một số bài giải có chất lượng dành cho đề thi này, nắm kĩ các dạng câu hỏi và cách làm bài dành cho từng dạng trong đề tham khảo này.

Bên cạnh đó, thí sinh nên chọn làm một hoặc hai đề thi thử của các Sở GD&ĐT, các trường THPT trong cả nước. Các em nên chọn những địa chỉ uy tín, dành đúng 120 phút để làm bài giống như thi thật.

Qua việc làm bài này, các em sẽ rút ra được cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai bài làm, giữ vững tâm lý, phân chia thời gian…, từ đó chuẩn bị được cho mình những điều quan trọng dành cho kỳ thi chính thức.

Tối trước khi đi thi, các em cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết: thẻ dự thi, căn cước công dân….; đồ dùng học tập có ít nhất 3 bút mực đang xuống mực đều (nhớ lựa chọn và luyện viết trước loại bút các em định viết….).

Khi bước vào phòng thi, để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất, các giáo viên tổ Ngữ Văn, Trường THPT Văn Lang, quận Đống Đa, Hà Nội lưu ý: "Các em đọc lướt một lượt, rồi đọc kỹ lại từng câu, gạch chân các từ khóa then chốt và các mệnh đề yêu cầu để tránh sót ý. Thí sinh nhớ mang theo đồng hồ và căn giờ hợp lý: Khoảng 20 phút làm câu đọc hiểu, 20 - 25 phút viết đoạn văn Nghị luận xã hội, 70 phút làm Nghị luận văn học và 5 phút xem lại. Chú ý trình bày sạch, đẹp, rõ ràng để thuyết phục giám khảo chấm.

Đối với câu đọc hiểu: Cần trả lời ngắn gọn câu 1, câu 2 (vì mức độ là nhận biết, thông hiểu); sang câu 3, câu 4 (mức độ thông hiểu, vận dụng) thì độ khó sẽ tăng, đòi hỏi câu trả lời phải tư duy sâu hơn. Tránh sót ý, tránh lỗi diễn đạt (lặp từ, chính tả). Sau mỗi câu đọc hiểu nên bỏ cách 1 dòng để bài viết thoáng và dễ chấm, đồng thời vẫn có chỗ để bổ sung ý nếu muốn.

Đối với câu nghị luận xã hội: Nên viết khoảng 2/3 mặt giấy, đoạn văn theo cấu trúc Tổng- Phân- Hợp. Đọc kỹ yêu cầu đề và bám sát vấn đề trọng tâm cần nghị luận (đặc biệt chú ý làm sáng tỏ nội dung nhỏ của vấn đề nghị luận được thể hiện qua các từ như (vai trò, sức mạnh, giá trị, sứ mệnh, ý nghĩa….).

Ví dụ nghị luận về ý nghĩa của lòng biết ơn nguồn cội khác với nghị luận về lòng biết ơn nguồn cội.

Đối với câu nghị luận văn học: Nhớ kỹ năng làm các dạng bài mà thầy cô đã dạy: Đọc kĩ yêu cầu đề, câu lệnh chính và mệnh đề phụ của đề bài thường bắt đầu bằng các từ "từ đó nhận xét, “từ đó rút ra”…

Khi viết đoạn văn cần chú ý các câu chủ đề, câu chốt, câu chuyển, phân tích kỹ cả nội dung và nghệ thuật, đánh giá tổng kết về nghệ thuật (nên liên hệ mở rộng với tác phẩm khác một cách hiệu quả), tách đoạn văn rõ ràng, mỗi mặt giấy khoảng 2-3 đoạn, mỗi đoạn diễn đạt 1 ý. Đầu đoạn lùi khoảng 1.5-2 cm.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh nhắn nhủ thêm, dù đề thi ra vào phần mình không ôn kĩ cũng phải giữ bình tĩnh để từ từ nhớ lại kiến thức và vận dụng kĩ năng để làm bài. Các em cần đọc kĩ đề, gạch chân các từ khóa quan trọng trong từng câu hỏi để đám bảo xác định đúng vấn đề, tránh lạc đề, xa đề.

Sau khi thi xong môn Ngữ Văn, vì là môn đầu tiên, các em không nên xem đáp án để tránh những lo lắng không cần thiết (vì đáp án chuẩn của Bộ chỉ được đưa ra khi đã hoàn thành cả đợt thi).

Hãy đi ngủ sớm để đầu óc tỉnh táo minh mẫn. Hãy nhớ ăn sáng đầy đủ (không ăn những đồ ăn lạ, nhiều nước), ăn mặc mát mẻ dễ chịu nhưng cẩn thận chỉn chu; thái độ hòa nhã đúng mực khi vào phòng thi.

Minh Hoa (t/h theo Dân Việt, VietNamNet)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.