Chỉ chưa đầy một tuần nữa là sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Với môn Ngữ Văn, các giáo viên có nhiều kinh nghiệm ôn luyện và giảng dạy môn học này đã chỉ cho sĩ tử cách làm bài thi để đạt điểm cao.
Theo thầy Bùi Huy Hiếu, giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn cấp Thành phố, hiện dạy tại trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), học sinh muốn làm tốt bài thi Ngữ văn thì đầu tiên phải nắm vững kiến thức, kỹ năng đã được rèn luyện.
Cấu trúc bài thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT bao giờ cũng có 3 phần: Phần 1 Đọc hiểu, phần 2 Nghị luận xã hội, phần 3 Nghị luận văn học.
Về phần Đọc hiểu văn bản, các em nên tránh tình trạng vừa đọc vừa nhìn vào câu hỏi và trả lời song song. Phương pháp đúng đắn nhất là cầm đề lên và đọc một lượt văn bản để hiểu được nội dung đề cập đến vấn đề gì từ đó rút ra ý nghĩa, bài học gì. Sau đó, học sinh đọc một lượt các câu hỏi trong phần Đọc hiểu để biết vấn đề hỏi, ở cấp độ nào, sau khi có cái nhìn tổng thể thì lần lượt trả lời từng câu.
Với bài Đọc hiểu, nếu là ngữ liệu thơ, câu hỏi 1 thông thường là thể thơ, hỏi về phương thức biểu đạt, hình ảnh, từ ngữ; nếu là ngữ liệu văn xuôi có thể hỏi về thao tác lập luận, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ... Muốn làm đúng câu 1, học sinh cần nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt và làm văn.
Câu hỏi 2 ở mức độ nhận biết, sẽ có sẵn ngay trong văn bản, các em chỉ cần trích lục và liệt kê ra là xong.
Câu hỏi 3, mức độ thông hiểu, yêu cầu học sinh phải vận dụng cả kiến thức và tư duy. Ngoài ra, đề có xu hướng ra câu hỏi: Anh/chị hiểu như thế nào về câu văn (thơ) này? Để làm được, học sinh phải đọc kỹ câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ để trả lời phản ánh cái gì, có ý nghĩa nội dung ra sao.
Câu hỏi 4 mức độ vận dụng cao, đề ra thường theo phom: Anh/chị có đồng ý với ý kiến trên không; hoặc từ văn bản có cảm nhận hoặc rút ra thông điệp gì? Thông thường câu hỏi này để cho thí sinh bày tỏ quan điểm. Với câu hỏi này, học sinh trình bày rõ ràng, mạch lạc, đưa được quan điểm của mình, rút ra thông điệp gì, lý giải vì sao. “Với câu 4, các em phải trả lời bám sát nội dung văn bản, phù hợp với chuẩn mực của đạo đức và pháp luật”, thầy Bùi Huy Hiếu nhấn mạnh.
Với phần Nghị luận xã hội, để viết đoạn văn 200 chữ chất lượng, thầy Bùi Huy Hiếu đưa ra lời khuyên học sinh cần phải bám sát với văn bản đọc hiểu. Văn bản đọc hiểu sẽ giúp làm sáng tỏ một số phần trong bài Nghị luận xã hội; ví dụ văn bản ấy có thể cho luôn dẫn chứng, một số vấn đề đã được luận bàn. Học sinh phải có tư duy kết hợp, logic, xâu chuỗi các vấn đề.
Khi đọc câu hỏi, học sinh phải phân biệt được câu lệnh của đề. Câu lệnh rất quan trọng để các em định hướng phương pháp làm bài.
Thầy Bùi Huy Hiếu lưu ý khi viết đoạn văn Nghị luận xã hội thì không được phép xuống dòng, mà viết liền mạch. Câu mở đoạn, giới thiệu và xác định được vấn đề cần nghị luận thì sẽ được ngay 0,25 điểm. Trong phần thân đoạn, các em phải lập luận chặt chẽ, ngắn gọn, súc tích và có dẫn chứng minh họa để tăng tính thuyết phục. Phần Nghị luận xã hội 200 chữ, các em phải viết trọng tâm; tránh lan man, dài dòng, không đúng với câu lệnh của đề bài.
Đồng tình với thầy Bùi Huy Hiếu, thầy Nguyễn Văn Lự, giáo viên dạy môn Ngữ văn trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, cũng cho rằng thí sinh tránh lầm tưởng để mất quá nhiều thời gian ở phần này.
Các em hãy dành thời giờ nghĩ cách trả lời: Nếu hỏi về tư tưởng (quan điểm, lập trường, thái độ sống…); nếu hỏi về đạo lí (đạo làm người, đạo đức, tình cảm…); nếu đề liên quan một hiện tượng đời sống (vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm) thì sẽ viết thế nào?
Nắm vững cấu trúc đoạn: Câu chủ đề, các câu giải thích, nêu và phân tích ngắn gọn các biểu hiện và bàn luận, liên hệ nhận thức và hành động. Bài văn nghị luận xã hội cần phân tích ví dụ nhưng viết đoạn 200 chữ thì chỉ nêu khái quát để nêu được toàn diện vấn đề.
Với Nghị luận văn học, phần có điểm số cao nhất trong bài thi môn Ngữ văn, học sinh cần dẫn chứng và lập luận sắc sảo. Thầy Bùi Huy Hiếu tư vấn, trước khi viết, học sinh phải xác định câu lệnh hỏi về vấn đề gì, thuộc phạm vi kiến thức nào; từ đó xác định phương pháp làm bài. Ví dụ như dạng bài bàn về vấn đề văn học hay cho một đoạn văn rồi cảm nhận nhân vật; hoặc đề cho vấn đề A để từ đó rút ra vấn đề B.
Khi làm bài, học sinh phải thể hiện được quan điểm nhận thức, đảm bảo được cả về kiến thức, nội dung và nghệ thuật của văn bản, đoạn trích đó để làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài.
Cùng với lập luận, học sinh phải có dẫn chứng sắc sảo, cần phải biết phối hợp và sử dụng cho phù hợp, chính xác hai loại dẫn chứng: Gián tiếp và trực tiếp.
Muốn làm bài Nghị luận văn học hay và sâu, học sinh phải khai thác được cả yếu tố nội dung và nghệ thuật. Các em có thể trích dẫn những câu nói, nhận định kinh điển, ý kiến, quan điểm của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng vào trong bài làm.
Để có bài làm hay và tăng thêm điểm, thí sinh phải biết mở rộng so sánh các vấn đề cùng chung đề tài. Ví dụ, khi viết về giá trị nhân đạo, các em có thể so sánh giữa tác phẩm Vợ chồng A Phủ với Vợ nhặt có điểm gì tương đồng. Rồi, có thể so sánh các tác phẩm Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ với những tác phẩm thời kỳ trước cách mạng của nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố để thấy điểm giống nhau, khác nhau ở chỗ nào.
Thầy Bùi Huy Hiếu lưu ý, khi làm bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học, bao giờ cũng đều phải có đủ cả ba phần: Mở, thân, kết. Nếu không, rất khó có điểm cao.
Liên quan đến phần thi này, thầy Nguyễn Văn Lự tư vấn thêm, nghị luận văn học sẽ không làm khó cho các em bởi đề thi sẽ trích một đoạn thơ ngắn hoặc truyện (khoảng 1 trang) và yêu cầu thí sinh trình bày hiểu biết theo năng lực của mình về đoạn văn bản đó.
Nhiều em hoang mang không biết viết như thế nào và cho rằng chỉ còn một cách là học thuộc lòng. Đây là điều không cần thiết, hãy trút bỏ áp lực và thoát ra khỏi hội chứng tâm lý văn mẫu.
Đọc thật nhiều lần đoạn trích trong đề bài, trả lời các câu hỏi đọc hiểu: ai, cái gì, là gì và như thế nào? Giảng giải nghĩa sự việc, nghĩa sự vật và nghĩa tình thái của câu từ; nghĩa gốc, nghĩa chuyển của chi tiết, hình ảnh thơ… Nhờ biện pháp nghệ thuật nào để mình hiểu thế?…
Phần liên hệ, bàn mở rộng, dành phân hóa điểm đều liên quan đến nghệ thuật được tóm lược trong phần ghi nhớ hoặc hướng dẫn học bài. Các em cần làm rõ đặc điểm về nghệ thuật khiến tác phẩm/đoạn trích hấp dẫn độc giả như thế nào? Theo giảm tải Ngữ văn, các em chỉ chú ý các đoạn trích in chữ to và nhân vật chính thể hiện chủ đề của tác phẩm truyện.
Ngoài ra, các em học sinh nên phân bố thời gian hợp lí. Viết đoạn văn hay bài văn quá dài với suy diễn và so sánh mở rộng lan man... không khiến điểm thi cao hơn. Hãy chọn cách viết thận trọng, viết chuẩn tiếng Việt và ngữ pháp, viết những gì mình hiểu để giám khảo đọc và hiểu. Không nên viết vài ba trang nhưng mà không ai đọc hiểu điều gì.
Bên cạnh đó, thí sinh cần có tâm lý vững vàng, tự tin vào chính mình và quan trọng là giữ gìn sức khỏe và phòng chống dịch bệnh 5K. Không nên thức quá khuya và cố sức giải bài tập khó vượt tầm của mình. Cân đối nhu cầu học và vui chơi sẽ giúp đầu óc tỉnh táo cho bài thi chính thức.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Kinh tế đô thị)