Dưới đây là 3 lý do cánh đàn ông đưa ra để giải thích về mong muốn lấy vợ làm giáo viên của mình:
Thứ nhất, lấy giáo viên đảm bảo sẽ có một người vợ hiền thảo.
Nghề giáo là một nghề cao quý trong xã hội. Để làm được nghề này đòi hỏi phải có những nhân cách, chuẩn mực đạo đức bất di bất dịch. Nhà giáo thường có tính kiên nhẫn, khoan dung, lại nữ tính, đảm đang. Nghề nghiệp rèn cho họ sự nền nếp, văn hóa Những phẩm chất thường thấy ở các cô giáo cũng là phẩm chất “đỉnh” mà người đàn ông mong chờ ở vợ mình.
Thứ hai, nhiều người cho rằng làm nghề giáo có nhiều thời gian rảnh để chăm sóc gia đình.
Các cô giáo không cần phải đến chỗ làm 8 tiếng/ngày như nhiều nhân viên văn phòng khác mà một ngày chỉ dạy vài tiết học, một năm lại còn được nghỉ 2 tháng hè cùng với học sinh. Bởi vậy, họ có thể linh động thời gian để chăm sóc gia đình, con cái.
Thứ ba, cánh “mày râu” cho rằng lấy vợ làm giáo viên sẽ yên tâm được về khoản dạy con.
Các cô giáo có kỹ năng sư phạm thuần thục nên rất thuận lợi trong việc chăm sóc và dạy dỗ con trẻ. Nhà giáo dạy hàng trăm, hàng ngàn học sinh, trong đó có những em vô cùng ngỗ nghịch, bướng bỉnh cũng phải “bó tay chịu trói”. Vậy thì chẳng cớ gì họ lại không dạy được con của mình.
Hầu như tất cả đàn ông đều đặt phụ nữ làm giáo viên lên hàng đầu trong tiêu chí chọn vợ. Bởi vậy, các cô giáo khá đắt chồng và có nhiều cơ hội để lựa chọn. Lẽ đương nhiên là họ cũng có người chồng tốt nhờ vậy.
Ảnh minh họa
Cô P.L., một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ: “Mấy con bé trẻ mới vào trường cô, hầu như chỉ 1 -2 năm là đã lấy chồng. Mà toàn lấy chồng xịn thôi. Chồng chúng nó đứa nào cũng khá giả, giàu có, công việc đàng hoàng, ổn định.”
Vừa nói, cô vừa giơ tay ra liệt kê: “Tháng này cô đi cưới 3 đứa trong trường. Một đứa chồng làm kiểm toán, một đứa chồng làm giám đốc công ty xây dựng, một đứa chồng làm kiến trúc sư. Cả ba đều có nhà, ô tô riêng cả rồi. Gia đình khá giả lắm!”
Bạn T.H., giáo viên cấp 1 ở Hải Phòng cũng thừa nhận rằng thời con gái, mình được khá nhiều anh săn đón. Mẹ chồng của cô nàng nghe thấy con dâu tương lai là giáo viên cũng gật đầu ngay tức thì. Họ hàng của chồng cô thì luôn miệng khen anh khéo chọn vợ.
Chồng của T.H. là thuyền trưởng tàu viễn dương. Anh có thu nhập rất khá, chỉ có điều hay phải đi xa. Chính bởi vậy mà bố mẹ anh đã định hướng ngay cho con trai về chuyện lấy vợ giáo viên để có người chăm sóc cho gia đình, con cái. Chồng H. lấy cô về, các cụ vô cùng hài lòng.
Tuy vậy, chuyện lấy vợ giáo viên có sướng như các “mày râu” tưởng tượng hay không thì còn phải bàn. Trò chuyện với hai người bạn có vợ làm giáo viên, tác giả nhận được khá nhiều lời phàn nàn từ hai anh chàng này về bà xã của mình.
Cả hai anh chàng này đều xin phép được giấu tên trên mặt báo. Anh số 1 than phiền: “Vì lấy vợ làm giáo viên nên đi đâu cũng phải giữ gìn hình tượng. Mình vẫn nhớ một kỷ niệm để đời, đi nhậu với đám chiến hữu thì gặp gia đình học sinh của vợ đi ăn. Mải vui nên dzô hơi máu và cũng lỡ nói vài câu bậy bạ. Thế là hôm sau học sinh của vợ đi kể khắp trường, vợ dơ mặt, mất uy tín, về mắng và dạy cho một trận. Từ đấy về sau đi đâu cũng nơm nớp lo sợ gặp người quen của vợ. Chơi chẳng dám chơi hết mình. Chán lắm!”
Anh chàng cũng kể lể thêm là vợ nói nhiều kinh khủng: “Quen thói dạy học sinh nên về nhà dạy cả chồng. Mà lý sự giỏi lắm, mình chẳng bắt bẻ được bao giờ.”
Anh chàng số 2 kể khổ: “Tưởng vợ làm giáo viên sẽ nhàn, ai dè còn bận bịu hơn mình. Cũng đi dạy suốt chứ chẳng nhàn rỗi gì đâu. Dạy ít thì tiền ít, mà cô ấy lại không thích ngửa tay xin chồng, muốn tự thân vận động nên cứ lao vào làm.
Quanh năm suốt tháng thi hết cuộc thi này đến cuộc thi nọ: thi giáo viên giỏi, thi học sinh giỏi, thi hát hò văn nghệ,… Kể cả chủ nhật cũng thấy đến trường tập tành để đi thi thố.”
Chuyện làm anh chàng khó chịu nhất là giờ làm việc trái khoáy của vợ: “Lúc người ta nghỉ ngơi thì cô ấy lại hùng hục làm việc. Cứ tối đến là soạn giáo án, chấm bài của học sinh. 2-9 nào cũng tất bật chuẩn bị khai giảng, rồi chấm bài khảo sát đầu năm. 30.4, 1.5 thì lục tục chấm bài thi học kỳ. Nhiều khi cả nhà đi du lịch, cô ấy cứ ôm đống bài kiểm tra theo để tranh thủ làm việc, nhìn mà chán!”.
Vợ của anh chàng số 2 cũng chẳng được thảnh thơi mùa hè như mọi người tưởng tượng. Chị dạy cấp 3, hè nào cũng tất bật ôn luyện để học sinh chuẩn bị thi Đại học. Khi các em thi Đại học xong thì cũng bắt đầu vào đợt học hè, sinh hoạt hè của trường nên chẳng được nghỉ mấy.
Anh chàng số 1 cũng đồng cảnh ngộ. Vợ anh là giáo viên cấp 1, sáng nào cũng phải đến trường sớm để chăm cho học sinh ăn sáng. Buổi trưa chị cũng ở lại trường để chăm ăn, chăm ngủ cho học sinh, chẳng được về nhà. Việc nhà vẫn chủ yếu do bà nội quán xuyến.
Về chuyện dạy con ngoan, chưa chắc mẹ giáo viên đã dạy được con ngoan, chuẩn, xịn. Sự thật là nhiều giáo viên có thể áp dụng khuôn khổ, phép tắc với con người ta nhưng với con mình lại mềm lòng, dễ xót con và bị bọn trẻ tinh quái nắm được điểm yếu đó để mè nheo. Chẳng thế mà dân tình có truyền nhau một câu bất hủ: “Con nhà giáo thì hư…”
Thậm chí có trường hợp mẹ là giáo viên nhưng lại đến năn nỉ, xin xỏ đồng nghiệp nâng điểm cho đứa con mải chơi lười học của mình, gián tiếp tiếp tay cho đứa trẻ ỷ lại, hư hỏng.
Lấy vợ giáo viên chưa chắc đã là sướng và trên cả tuyệt vời như nhiều “mày râu” tưởng tượng. Bởi vậy, chuyện cánh đàn ông thiên vị phụ nữ làm giáo viên và chê bai chị em ngân hàng, kế toán, kỹ sư,… dường như có chút bất công cho các chị em làm những nghề này?
Theo Tri thức trẻ