Giáo viên nói gì khi Ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc?

Giáo viên nói gì khi Ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc?

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 6, 01/12/2023 18:50

Việc Ngoại ngữ không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025 khiến không ít người băn khoăn song, theo nhiều chuyên gia đây là “tín hiệu học thực chất”.

Theo đó, từ năm 2025 trở đi, thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện 4 bài thi, trong đó 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thi tự chọn (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Như vậy, Ngoại ngữ không còn là môn thi học bắt buộc như các kỳ thi trước đây.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc "loại" môn Ngoại ngữ - môn thi THPT bắt buộc trong một thời gian dài ra khỏi "cuộc chơi" có tác động rất lớn đến việc dạy và học trong những năm sắp tới. Một số giáo viên giảng dạy môn Ngoại ngữ đã thể hiện sự băn khoăn, trăn trở ngay lúc quyết định vừa mới ban hành.

Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống, thầy Bùi Duy Phong, giáo viên Ngoại ngữ Trường THPT Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn, Bình Định) cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông qua mới đây có tác động định hướng rất lớn đối với cả giáo viên và học sinh, đặc biệt là lứa học sinh đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo thầy Phong, sau khi phương án vừa công bố, những dòng trạng thái trên các trang mạng xã hội với nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều giáo viên tỏ ra lo lắng vì học sinh sẽ chẳng mặn mà gì với môn học nên việc dạy Ngoại ngữ vốn đã khó khăn giờ thêm chồng chất. Mọi nỗ lực của nhiều đề án Ngoại ngữ giờ có thể sẽ bỏ không. Khi không còn bắt buộc, học sinh có thể lựa chọn cho định hướng nghề nghiệp của mình từ những năm đầu cấp nên việc không đầu tư cho môn học là điều hiển nhiên. Nhiều nhà trường, địa phương sẽ không chú tâm đầu tư cơ sở vật chất cho môn học.

"Chúng ta vốn quen với việc "học để thi", "dạy để thi" bấy lâu nay nên giờ chuyển đổi sang tự chọn cảm thấy như môn học mình bị "bỏ rơi". Thực chất từ nhiều năm rồi môn Ngoại ngữ ở các trường phổ thông không còn độ "hot" như trước đây. Người học đã chuyển sang nhiều khuynh hướng khác nhau. Mục tiêu của đổi mới chương trình là phân hóa học sinh nên cả giáo viên và học sinh cũng phải dần quen là điều tất nhiên. Đây là năm đầu tiên thực hiện và biết đâu trong nhiều năm tới cũng sẽ tiếp tục có những thay đổi cho phù hợp với xu thế, thời cuộc".

Thầy Phong cho rằng, vẫn biết Ngoại ngữ là công cụ trong quá trình hội nhập quốc tế nên dù là môn tự chọn hay bắt buộc trong kỳ thi THPT cũng không có gì phải lo lắng lắm. Kém Ngoại ngữ là sự thiệt thòi rất lớn đối với các bạn trẻ nếu không nói là tự đóng cánh cửa tương lai của mình.

Giáo dục - Giáo viên nói gì khi Ngoại ngữ không còn là môn thi THPT bắt buộc?

Thông tin tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi khiến nhiều người lo lắng về chất lượng môn học này. Ảnh minh họa.

Chỉ cần làm phép so sánh giữa các học sinh có chứng chỉ IELTS nhiều chấm và những ưu tiên trong tuyển sinh và học ở cấp đại học là thấy sự cần thiết rồi. Hơn nữa, việc học Ngoại ngữ không chỉ ngày một, ngày hai là thông thạo mà nó là cả một quá trình rèn luyện lâu dài. Giờ đã đến lúc không phải học để thi mà học để sử dụng, ứng dụng vào công việc, đời sống. Học để tiếp cận với sự phát triển của thế giới trong thời đại toàn cầu hóa. Nếu bỏ hẳn không đầu tư vào việc học Ngoại ngữ ở cấp THPT thì vào các trường chuyên nghiệp lại phải làm lại từ đầu rất tốn kém cả thời gian và tiền bạc. Những chứng chỉ được coi là tấm vé để ra trường, để bước vào thế giới việc làm, du học như IELTS, TOEIC, Aptis... mà nếu không được rèn luyện sớm thì khó bề mà có được.

"Quyết định loại bỏ môn Ngoại ngữ ra khỏi kỳ thi THPT ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học trong thời gian sắp tới. Tùy theo từng vùng miền, từng địa phương mà cần có kế hoạch phát triển bộ môn cho phù hợp. Hy vọng các bạn trẻ nhận thức đúng đắn, rèn luyện để sớm có "công cụ" trong tay giúp các bạn đi xa hơn trong con đường tương lai phía trước", thầy Phong chia sẻ.

Đồng tình với phương án tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc, GS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nêu quan điểm với VTC News, không phải cứ thi là năng lực tiếng Anh của học sinh sẽ tăng lên.

Ở Nghệ An, chất lượng dạy và học tiếng Anh tốt hơn so với cách đây 5 năm. Nguyên nhân chính là địa phương có những cơ chế tác động tới người dạy, người học, quan tâm tới môi trường học tập. Nghệ An cũng một trong số ít địa phương chi ngân sách bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế (TOEIC), xét tuyển lớp 10 với học sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 hoặc tương đương.

Là giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội, cô Nguyễn Thị Linh cũng đồng tình với quan điểm sẽ để môn ngoại ngữ là môn tự chọn kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung đúng là quan trọng nhưng ai thực sự cần dùng đến mới nên học sâu. Thực tế, thời buổi hội nhập, ai cũng dùng đến ngoại ngữ trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, ngoại ngữ phải là “sinh ngữ” thì mới đúng ý nghĩa của việc học.

Tất nhiên, ngoại ngữ vẫn nên được dạy như bình thường, còn việc có chọn thi tốt nghiệp môn này hay không là tùy thuộc vào mỗi học sinh. Chính việc quan trọng hóa tiếng Anh, cào bằng tất cả khiến nhà nhà đi học, người người đi học để lấy chứng chỉ IELTS như hiện nay, nhưng bao nhiêu người sau khi có chứng chỉ mà có thể giao tiếp tốt thì không hẳn, nữ giáo viên cho hay.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Bích Vân,giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội, cho rằng: "Theo tôi, môn tiếng Anh hiện nay là một công cụ chứ không đơn thuần là một môn học. Việc Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tạo một hiệu ứng tích cực trong việc dạy và học bởi các thầy cô sẽ bỏ qua một bên áp lực điểm số để hướng đến tư duy giảng dạy tích cực cho học trò mình. Giáo viên sẽ được "cởi trói", không còn dạy để thi mà dạy để học sinh đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Đối với các em học sinh, nếu không thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, các em sẽ có nhiều lựa chọn khác như những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trong nước để đánh giá năng lực của chính mình hoặc có thể học một môn Ngoại ngữ khác để phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, Ngoại ngữ vẫn nên được dạy như bình thường, còn việc có chọn thi tốt nghiệp môn này hay không là tùy thuộc vào mỗi thí sinh", cô Vân nêu quan điểm.

Trong khi đó, Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, chuyên gia Viện Nghiên cứu giáo dục, trường Đại học Sư phạm Tp.HCM nhận định, đưa môn tiếng Anh thành môn lựa chọn đã được cân nhắc rất kỹ.

Giáo viên, phụ huynh không nên lo ngại học sinh bỏ bê tiếng Anh bởi hầu hết trường đại học đưa môn này vào tổ hợp xét tuyển, hoặc xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp. "Vì thế, học sinh muốn xét tuyển đại học thì vẫn bắt buộc học và thi tiếng Anh", ông Sỹ Anh nói.

Ông mong Bộ GD&ĐT cũng như các trường phổ thông cần tích cực đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ, làm sao để học sinh yêu thích và tự giác học môn này, thay vì chỉ học để xét tuyển đại học. "Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT nhiều lần chú trọng vào việc đổi mới cách dạy và học Lịch sử, Ngữ văn, và giờ là lúc áp dụng những điều đó vào môn Ngoại ngữ".

Về phía Bộ GD&ĐT, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục cho biết, "chốt" phương án 2+2 là Bộ GD&ĐT đã thận trọng nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng phù hợp gồm giáo viên THPT và cán bộ quản lý cấp trường, sở; chuyên gia, đại diện các ban ngành để đưa ra lựa chọn cuối cùng. "Việc lựa chọn môn thi chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phân tích Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc thù môn học, kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước.

Bộ GD&ĐT xác định ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Ở bậc tiểu học, THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoại ngữ là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 cho đến lớp 12. Ở bậc học cao đẳng, đại học, ngoại ngữ cũng là môn học duy nhất tiếp tục được quy định một cách bắt buộc về chuẩn đầu ra. Như vậy, dù không thi bắt buộc với mọi học sinh ở kỳ thi THPT nhưng Ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc học cao đẳng, đại học. Nhìn ra thế giới, cũng rất ít quốc gia và vùng lãnh thổ lựa chọn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi cấp quốc gia".

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.