Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, vừa qua, hàng loạt phụ huynh học sinh tại Hải Phòng lên tiếng phản ánh việc con em họ bị cho ở nhà suốt 3 ngày từ mùng 9 đến 11/1 để các cô giáo thi giáo viên dạy giỏi.
Trong số những học sinh nhận được thông báo nghỉ học, phần nhiều là học sinh có năng lực học tập chưa tốt hoặc có biểu hiện tăng động, tự kỷ. Sau đó, một tổ công tác của bộ GD&ĐT đã có cuộc kiểm tra, rà soát tại Hải Phòng về thông tin học sinh có học lực yếu kém ở một trường học phải nghỉ học để phục vụ cho kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.
Bộ nói không có cơ sở?
Sau khi rà soát TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí. TS Thái Văn Tài cho biết: “Sau khi khảo sát thực tế, kiểm tra hồ sơ liên quan và làm việc với nhà trường, tổ công tác cho rằng, thông tin nhà trường cho học sinh yếu kém ở nhà là không có căn cứ”.
Để chứng minh cho điều này, ông Tài nêu: Thứ nhất, việc đánh giá đối với học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 30 và Thông tư 22 hiện nay là không xếp loại học sinh. Thứ hai, qua kiểm tra hồ sơ của các em học sinh ở nhà không tham gia lớp học tại các tiết diễn ra hội thi, rất nhiều em có điểm kiểm tra học kỳ I môn Toán và Tiếng Việt rất tốt.
“Như vậy không có căn cứ để cho rằng, học sinh giỏi được tham gia lớp học, học sinh yếu được cho ở nhà”, ông Tài khẳng định.
Mặc dù vậy, thì theo ông Tài, qua kiểm tra thực tế tại trường tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng cho thấy việc phụ huynh phân vân khi có học sinh ở nhà, học sinh được đến lớp là hoàn toàn có thật và cần phải rút kinh nghiệm và chấn chỉnh đối với ban tổ chức hội thi.
Theo ông Tài, trước đó, bộ GD&ĐT đã có Công văn số 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD về việc chấn chỉnh, lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên trong đó nhấn mạnh "Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước với học sinh; không được "gà bài" trước cho học sinh; Khi thao giảng cần phải được giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp...".
Từ đó ông Tài nhận định: “Việc tổ chức Hội thi có sự sắp xếp lại sĩ số học sinh tại lớp học có tổ chức tiết dạy thi thực hành là chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của bộ GD&ĐT”.
Cũng theo vị đứng đầu tổ công tác của bộ giáo dục, tổ đã chỉ ra các vấn đề nhà trường cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm: Trước hết, đó là việc thông tin giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh chưa đầy đủ, nội dung tin nhắn chưa thể hiện được hết nội dung cần truyền tải dẫn đến có thể hiểu chưa đúng thông tin cần trao đổi. Việc chọn cách thông tin bằng tin nhắn SMS đến phụ huynh cũng là chưa phù hợp vì hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh học sinh chưa sử dụng loại dịch vụ tin nhắn này nên nhiều phụ huynh không nắm được thông tin.
Theo báo cáo của sở GD&ĐT TP.Hải Phòng tại hội thi lần này, toàn thành phố có 913 giáo viên đủ điều kiện và có nguyện vọng đăng ký dự thi hội thi cấp thành phố. Trong thẩm quyền của mình được qui định tại Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT, ban tổ chức hội thi cấp Thành phố đã chọn 399 giáo viên, chiếm tỷ lệ hơn 43,70% giáo viên đủ điều kiện và có nguyện vọng đăng ký dự thi.
Với số lượng giáo viên tham gia dự hội thi có quy mô lớn như vậy, ban tổ chức cần phải có phương án tổ chức phần thi thực hành linh hoạt và hợp lý đáp ứng điều kiện thực tế tại các trường tiểu học trên địa bàn các cụm tổ chức thi. Về việc này tổ công tác đã góp ý, Giám đốc sở GD&ĐT đã tiếp thu.
Những chia sẻ bất ngờ
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc sở GD&ĐT TP.Hải Phòng cho hay, trong tin nhắn của nhà trường gửi phụ huynh hoàn toàn không đề cập tới việc học sinh yếu kém phải ở nhà.
Theo ông Trường, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học thành phố là một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các trường tiểu học nhằm tuyển chọn, công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Do đó không có việc chỉ cho học sinh khá giỏi đến lớp còn học sinh yếu thì buộc phải ở nhà. Để khách quan, các trường đã lấy ngẫu nhiên học sinh để tham dự hội thi.
Nhưng khi nói về việc này, chị Nguyễn Thị H., một giáo viên tại trường có tổ chức điểm thi giáo viên dạy giỏi của Hải Phòng vừa qua thừa nhận: Cuộc thi giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp thành phố năm nay diễn ra ở điểm trường của chị. Lớp chị H. có gần 50 cháu thì chỉ chọn 20 cháu vào danh sách đi học để phục vụ giáo viên thi giảng.
Khi PV đặt câu hỏi tại sao những học sinh có học lực yếu lại phải ở nhà không được đi học vào những ngày này? Chị H. lý giải: Vì một lớp diễn ra tiết dạy của giáo viên đi thi chỉ chứa được khoảng trên 20 học sinh. Diện tích còn lại của phòng học phải dành cho đoàn dự giờ đánh giá.
Một lý do khác mà nữ giáo viên này lý giải thêm về việc loại học sinh học kém, nghịch ở nhà là vì: “Việc lựa chọn này có lâu rồi và chẳng có gì là lạ cả”.
Còn chị Trần Thị K., giáo viên tiểu học trên địa bàn quận Hồng Bàng cũng thừa nhận: Việc phụ huynh phản ánh nhà trường lựa chọn học sinh khá giỏi đi học còn yếu kém phải ở nhà để phục vụ thi đánh giá giáo viên giỏi là có căn cứ.
Bởi lẽ, theo chị K., thầy cô giáo đi thi soạn giáo án, lên tiết dạy cho một đối tượng nhất định. Nếu để học sinh nghịch ngợm hoặc nhận thức yếu đi học không may xảy ra sự cố thì giáo viên phải đối mặt với nguy cơ “cháy” giáo án, thi hỏng là rất cao.
Tâm tư của một phụ huynh
Chị Nguyễn Thị C., có con gái là học sinh lớp 5 của một trường tiểu học trên địa bàn quận Ngô Quyền cho biết, chị có nhận được thông báo cho nghỉ học 3 ngày từ 8/1 đến 11/1 để phục vụ cuộc thi giáo viên dạy giỏi do nhà trường làm điểm thi.
“Con gái tôi không phải là học sinh giỏi. Trong quá trình học tập tôi có nhận được phản ánh của giáo viên chủ nhiệm là con hiếu động, ít xây dựng bài, làm toán còn chậm. Vừa rồi cháu về báo cô cho nghỉ học, còn các bạn học tốt ở lớp con thì vẫn được đi học. Biết con mình chưa thông minh, nhanh nhẹn nhưng việc phân biệt trẻ như vậy thật sự không phải là nền giáo dục vì học sinh”, chị C. bức xúc.
Có nên bỏ thi dạy giỏi?
Hiệu trưởng của một trường THCS tại huyện An Dương, TP.Hải Phòng có ý kiến: “Theo tôi nên dừng lại các cuộc thi hình thức như thi giáo viên giỏi. Một giáo viên giỏi không thể dựa vào 1 tiết dạy quy phạm mà đánh giá được.
Để đánh giá họ giỏi hay không nên dựa vào sự hài lòng của phụ huynh và sự tiến bộ cả về học tập và đạo đức của học sinh. Một tiết dạy ở trên bảng là cô giáo với giáo án được chuẩn bị kỹ càng ở dưới là những học sinh chọn lọc thì không có giá trị để đánh giá điều gì cả”.
Một nam giáo viên toán đang giảng dạy tại quận Ngô Quyền cho hay: “Dù 4 năm mới thi một lần nhưng suốt một năm học chúng tôi luôn trong tình trạng lo lắng, tất bật chuẩn bị cho tiết dạy 45 phút vừa rồi. Để thi tốt ở tiết dạy đánh giá cấp thành phố, chúng tôi phải trải qua cuộc thi cấp trường, cấp quận.
Mà muốn đạt tiêu chí như hiện nay khó tránh việc thầy cô mớm lời, tập duyệt, chỉ định học sinh có khả năng nhận thức tốt phục vụ cho tiết dạy diễn ra suôn sẻ”.
Nhiều ý kiến từ dư luận cũng như giáo viên, phụ huynh cho rằng, muốn loại bỏ thành tích, ngăn chặn tính đối phó trong giáo dục, tốt nhất nên loại bỏ những cuộc thi nặng bệnh hình thức để giáo viên chuyên tâm dạy chữ, rèn tâm cho trẻ.