Sự chủ động từ phía các nhà trường
Sau khi rà soát kết quả học kỳ I năm học 2020-2021, sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản chỉ đạo về việc tổ chức dạy phụ đạo bắt đầu từ ngày 1/3/2021 cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ I trên địa bàn. Điều này xuất phát từ nỗi lo của ngành giáo dục tỉnh, bởi theo con số thống kê, số lượng học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán là 2.239 trên tổng số 23.798 học sinh, chiếm tỉ lệ 9,4%, rải đều trên địa bàn toàn tỉnh, từ thành thị đến nông thôn. Con số này được cho là khá cao so với những năm trước đây.
Theo quan điểm của Sở, các nhà trường tập trung những học sinh này thành lớp riêng để dạy phụ đạo, giúp các em rèn luyện các kỹ năng về đọc, viết, tính toán. Nếu các trường không có giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này. Sau khi học sinh biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo sẽ chuyển các em về lại lớp học ban đầu.
Sau thời gian thực hiện từ ngày 1/3 đến 15/4/2021, đã có 1.096/2.339 học sinh đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán, còn 1.156 học sinh tiếp tục được phụ đạo riêng. Như vậy, tỉ lệ này đã được kéo giảm từ 9,4% xuống còn 4,9%.
Từ tín hiệu tích cực trên, liệu đây có phải giải pháp để ngăn chặn tình trạng có học sinh “bị đẩy lên lớp” dù chưa đáp ứng yêu cầu cần đạt, đang tồn tại ở một số địa phương?
Theo các chuyên gia giáo dục, đánh giá mang tính thời điểm không thể hiện được hết cả quá trình. Sự chỉ đạo kịp thời của sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã góp phần giảm tỉ lệ học sinh chưa đạt các kỹ năng cần thiết, tuy nhiên, theo ông Phạm Đăng Khoa (Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk), việc đảm bảo chất lượng học sinh, đạt yêu cầu chuẩn đầu ra lớp 1 theo chương trình mới là trách nhiệm từ phía các nhà trường. “Mặc dù Sở chưa có yêu cầu, nhưng trên tinh thần tăng cường sự chủ động, vai trò của nhà trường là rất lớn, Hiệu trưởng và giáo viên phải chủ động lập kế hoạch, triển khai và điều chỉnh phù hợp để đảm bảo học sinh có thể đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra” - vị Giám đốc Sở nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Minh Luân (Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau) cũng cho biết: “Đối với những học sinh chưa “theo kịp” chương trình, bản thân các nhà trường phải tự tổ chức những tiết phụ đạo. Về nội dung này, Sở không giao thời hạn, mà các trường tự đảm bảo khi kết thúc học kỳ II của năm học, học sinh lớp 1 có thể đáp ứng chuẩn để hoàn thành chương trình lớp 1”.
"Bắt bệnh" ngồi nhầm lớp
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT) chỉ ra: “Trước hết, trong học tập, nhận thức của mỗi học sinh nhiều cũng khác nhau, không thể nào như “dàn hàng ngang mà tiến” được, có em nhận thức rất thông minh, nhưng cũng có em chậm hơn, đó là về nguyên tắc thực tế của xã hội. Trong giáo dục, muốn học sinh nhận thức được, thì giáo viên phải dạy cho sát với trình độ, nhận thức của học sinh đó, nếu làm cao quá thì học sinh đó sẽ cứ tụt, tụt mãi.
Do vậy, người thầy phải sâu sát, phải hiểu biết, đi sâu vào quan sát, nắm bắt năng lực nhận thức của từng học sinh. Qua kiểm tra thường xuyên, nhận biết năng lực học sinh, rồi nếu phát hiện học sinh nào chậm hơn thì bồi dưỡng thêm. Thực tế, với các em yếu kém hơn, giáo viên phải dạy đi dạy lại nhiều lần”.
Vị nguyên Thứ trưởng cũng phân tích: “Có thể nói, việc kèm cặp thêm cho học sinh yếu hơn để nâng trình độ lên, cho học sinh “bắt kịp” với các bạn trong lớp, cũng là một giải pháp của các trường hiện nay với khẩu hiệu: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Bởi vì, thương học sinh là phải biết học sinh mình mạnh ở đâu, yếu ở đâu, thiếu chỗ nào để có thể bồi dưỡng kịp thời. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm của người thầy giáo.
Tôi cho rằng, nếu trường nào cũng làm như vậy, thì chắc chắn sẽ hạn chế số học sinh kém, học lên những lớp cao mà cuối cùng không biết gì cả, tương tự như trường hợp em học sinh lớp 6 không biết đọc, viết ở Đồng Tháp vừa qua”.
Về một số dấu hiệu của căn bệnh thành tích, nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Đối với đội ngũ giáo viên, phải giáo dục, mình yếu trong thi đua cũng không thể vì thi đua 100% học sinh phải lên lớp, mà cứ “nhắm mắt” cho lên; ban giám hiệu cũng không thể vì có giáo viên nào không cho 100% học sinh lên lớp mà đánh giá thấp họ. Đó chính là biểu hiện của thi đua hình thức, mà động cơ cũng không đúng đắn.
Đôi khi, còn có những câu chuyện lợi dụng cơ chế, quy định vì cấp trên bảo 100% học sinh lên lớp, nên học sinh dốt thì giáo viên cũng cho lên lớp. Hồi trước, có chuyện này nữa, Nhà nước có chính sách động viên, thu hút giáo viên lên miền núi, gắn với một cái động lực, chẳng hạn, lên miền núi trong thời hạn 3 năm, nếu tận tụy, dạy học sinh lên lớp hết, thì giáo viên được trở về miền xuôi, còn không thì tiếp tục gắn bó. Thế mới có chuyện, nhiều giáo viên chỉ muốn cho học sinh lên lớp, học kém cũng được lên lớp. Đó là do cơ chế nảy sinh ra tiêu cực”.
“Cuối cùng, không thể không nhắc đến vai trò của các cấp quản lý, chỉ đạo, triển khai ra sao, theo dõi, giám sát thế nào cho hợp lý, phải tăng cường sâu sát, giáo dục, động viên tấm gương đạo đức nhà giáo, phát huy tối đa vai trò quản lý. Người ta thường nói, nếu người quản lý mà làm sai thì ở dưới càng làm sai hơn: Cho nên, vai trò của người quản lý là vô cùng quan trọng!” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Thủy Tiên