Ông chính là già làng Bh’riu Prăm. Sinh ra trong một gia đình người Cơtu nghèo, cha mất sớm nhưng từ rất nhỏ, chàng trai thanh niên Cơtu Bh’riu Prăm đã không chịu cúi đầu với những cái đói, cái nghèo nơi núi rừng Trường Sơn.
Chân dung người hùng Bh’riu Prăm
Người anh hùng “trở về từ cõi âm”
Già làng Bh’riu Prăm (84 tuổi, xã Sông Kôn, huyện vùng cao Đông Giang, tỉnh Quảng Nam - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nguyên ĐBQH khóa VI, VII, VII), người được xem là nhân chứng sống của đồng bào Cơtu trong việc giữ bình yên cho buôn làng, khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào Cơtu.
Già Prăm nhớ lại, cuối những năm 50, trên quê hương ông, chiến tranh rất ác liệt. Ngày ấy, thanh niên trai tráng trong vùng đều cùng nhau thoát ly, tham gia cách mạng để bám đất, giữ làng. Mùa thu năm 1960, khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra ác liệt, ông chỉ huy một lực lượng dân quân vào rừng sâu, vừa để tránh địch, vừa để bàn cách tiếp cận đánh giặc. Về sau, nhiều thanh niên không chịu được gian khổ nên đã lần lượt trở về duy chỉ còn mình ông bám trụ đến cùng.
Hơn 3 tháng lưu lạc, không thấy ông trở về, cả làng cứ nghĩ ông đã chết vì bị thú rừng ăn thịt, thế là họ lập bàn để thờ cúng người thanh niên anh dũng ấy. Mỗi lần có dịp dân làng đều cúng tổ chức báo cáo với người quá cố Bh’riu Prăm. Chẳng ai có thể ngờ rằng, vài tháng sau, ông đột ngột trở về thăm bản làng. Dân làng nửa tin nửa ngờ khi nghe ông bảo mình vẫn còn sống. Có người cho rằng, ông đã từ cõi âm trở về để “đòi của” dân làng. Sau nhiều lần thuyết phục, ông đã chứng minh được với dân làng là mình vẫn sống trở về. Sự kiện đó đã gây xôn xao khắp các vùng của đồng bào Cơtu nơi núi rừng Trường Sơn. Đón ông trở về, dân làng liền tổ chức mở hội mừng và báo ơn với Giàng vì đã phù hộ đưa ông từ “cõi âm” trở về...
Ông kể cho dân làng nghe về những tháng ngày lưu lạc của mình. Sau khi bọn thanh niên đã lần lượt trở về, ông đã một mình chống trụ trong rừng rừng. Hằng ngày ông đều vót chông cắm trên những lối đi của địch. Một hôm, ông bị địch truy kích nên đã chạy thoát thân về một nơi khác dọc theo con sông. Cuối cùng ông cũng tới một ngôi làng của người Cơtu ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở đây, ông tiếp tục tham gia cách mạng và cùng người dân đánh giặc. Vì nhớ quê, sau đó ông đã bí mật tìm về rừng núi Atiêng của mình.
“Chiến đấu” đến hơi thở cuối cùng
Năm 1993, Bh’riu Prăm nghỉ hưu, ông trở về ở hẳn với dân làng. Đất nước đổi mới, người dân Cơtu bớt khổ, có cái ăn, cái mặc, già làng Bh'riu Prăm quá đỗi vui mừng nhưng vẫn còn đó bao nỗi lo âu. Những ngôi nhà truyền thống dần mất đi mà thay vào đó là những mái nhà lợp tôn, lợp ngói; trẻ con không còn thích mang gùi, không thèm nghe hát ru, hát lí. Thay vào đó, tiếng nhạc pop, rock xập xình làm ầm ĩ cả làng, làm cho già làng Bh'riu Prăm nhiều đêm mất ngủ: "Làm sao để gìn giữ cái thần, cái sắc, cái hơi thở mang hương vị núi rừng đây?”.
Đồng bào Cơtu ở thôn Bhờ Hôồng vào hội làng
Câu hỏi ấy đã thôi thúc ông vận động dân làng xây dựng Làng Văn hóa Bhờ Hôồng. Bắt đầu từ việc xây dựng lại Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng của người Cơtu), xây dựng lại Mong (nhà trưng bày các sản phẩm văn hóa); dạy cho con trai phải biết đánh cồng chiêng, phải biết nhảy đúng nhịp Ttung; con gái phải biết dệt thổ cẩm, biết múa đúng điệu Zază. Rồi ông cùng dân làng khôi phục lại lò rèn, khôi phục nghề đan lát mây tre... Thanh niên, phụ nữ được tài trợ tiền để về TP. Hội An học nghề. Cả làng Bhờ Hôồng khôi phục văn hóa và tập làm du lịch.
Mặc dù đã ở cái tuổi cổ lai hy, nhưng già làng Bh’riu Prăm vẫn nhiệt tình đóng góp những sáng kiến hay cho phong trào toàn dân phòng chống tội phạm. ông tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông, tham gia bảo vệ rừng và phát triển rừng, bảo vệ môi trường đồng thời tiến hành hòa giải các vụ tranh chấp đất đai, nhà cửa ông còn là người đi đầu trong cuộc vận động thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đã giao nộp 4 khẩu súng các loại cho cơ quan chức năng. Đến nay, không còn người nào giữ lại vũ khí...
Với những đóng góp của mình, năm 2008 ông đã vinh dự được Bộ Công an tặng Bằng khen tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm theo Nghị quyết 09/CP, Chương trình Quốc gia Phòng chống tội phạm, được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Năm 2004, ông vinh dự được đi dự Hội nghị Già làng -Trưởng bản Toàn quốc tại Hà Nội. "Với tôi, niềm hạnh phúc lớn nhất là giữ được sự bình yên trên buôn làng của mình!", già Prăm bộc bạch.
Già làng Bh'riu Prăm tự hào về làng Bhờ Hôồng lắm lắm! ông đưa chúng tôi đi thăm làng văn hóa, nơi mà ông đã dồn cả tâm huyết để cùng dân làng gây dựng nên. Làng được lập theo nguyên mẫu truyền thống của người Cơtu. Các nhà dựng quây tròn tạo thành làng. Phía trước là dòng sông Kôn hiền hòa uốn khúc, quanh năm dòng nước trong xanh có cây cầu treo dẫn khách đến thăm làng; phía sau là núi, rừng và có cả “rừng ma” (nghĩa địa của làng - PV); trước Gươl có khoảng sân rộng để dân làng tổ chức đánh cồng chiêng và múa T'tung, Za ză trong các lễ hội cúng Giàng, cúng cơm mới, đâm trâu khi làng được mùa lúa rẫy...
Già Prăm hào hứng giới thiệu những chiếc gùi, tấm thổ cẩm đa sắc màu do dân làng làm ra. Rồi ông kể chuyện làm du lịch, hướng dẫn đánh cồng chiêng, chơi đàn Abel, Tâm Bhreh... ông cười vang cả buôn: "Hồi còn nhỏ đi làm Cách mạng có nhận lương mô, chừ già rồi lại đi làm văn hóa cũng không lương, nhưng được cái tinh thần và những lời khen ngợi. ông xứng đáng được đồng bào dân tộc Cơtu xem là thần tượng và được tôn vinh “Người giữ hồn văn hóa Cơtu”.
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn về những đóng góp của già làng Bh’riu Prăm, chủ tịch UBND xã Sông Kôn Bríu Sơn khẳng định và tự hào: "Không một người Cơtu nào ở núi rừng này mà có công lao lớn như già làng Bh’riu Prăm đâu. Với già làng Bh’riu Prăm, người Cơtu chúng tôi luôn xem như một cây cổ thụ giữa đại ngàn với những niềm tôn kính, trân trọng và tự hào riêng".
Vương Hoàng - Nguyên Dũng