Muôn vàn mánh lới trộm cắp
Cho đến tận bây giờ, Nguyễn Thị Hương, sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, quê ở Quảng Ninh, thuê nhà tại xóm trọ ở khu vực huyện Từ Liêm (Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng vì chiếc laptop trị giá gần 20 triệu đồng đã không cánh mà bay.
Theo lời Hương kể, vào khoảng 9h sáng đầu tháng 1/2013, tranh thủ giải lao lúc học bài ở nhà, Hương ra chợ mua thức ăn về nấu bữa trưa. Khi đi, Hương khoá các cửa rất cẩn thận nhưng khi về tới nhà, cánh cửa sổ bị mở toang, nhìn xuống dưới bàn học thì chiếc laptop vừa mua trị giá hàng chục triệu đồng bỗng dưng biến mất. Vừa tiếc của, vừa lo lắng cho công sức của bố mẹ dành dụm bao lâu mới có tiền cho cô mua máy phục vụ học hành nên cô đã hô hoán để mọi người cùng xóm trọ đi tìm và báo cáo cơ quan công an giúp.
Nhắc lại vụ việc, Hương chỉ biết ngậm ngùi cho số mình không may mắn, mặc dù đã rất cẩn thận trong việc khoá cửa để bảo vệ tài sản nhưng không hiểu sao kẻ gian vẫn phá được cửa sổ và cuỗm đi tài sản giá trị đầu đời của mình. Điều lo lắng nhất đối với Hương lúc này, là về nghỉ Tết sẽ nói thật với bố mẹ hay phải chạy vạy vay tạm bạn bè để mua một chiếc máy tính khác mang về thay thế?!
Một số xe máy mới là thứ đạo tặc dễ ra tay trộm cắp.
Cùng rơi vào cảnh không may mắn như Hương đó là trường hợp của anh Nguyễn Hữu Kiên, trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Chỉ vì một chút lơ là khi làm việc khuya, khi ngủ anh Kiên quên không khoá trái cửa ra vào ban công trên tầng 2, thế là mất trộm đồ gồm laptop, ví, điện thoại di động và toàn bộ giấy tờ tùy thân...
Điều kì lạ ở chỗ, ngay đầu giờ chiều hôm sau, anh Kiên bỗng nhận được cú điện thoại của một người lạ thông báo nhặt được ví của anh ở ngay cạnh trung tâm Chiếu phim Quốc gia (ở Láng Hạ, Đống Đa) đồng thời yêu cầu anh đến nhận lại chiếc ví. Khi đến nơi, nhận lại ví, thì bên trong chỉ còn vài tờ giấy không giá trị, cố dò hỏi người này, anh Kiên chỉ biết, khi dọn vệ sinh ở khu vực, nhặt được.
Không chỉ một hai trường hợp trên, rất nhiều trường hợp do bất cẩn, lơ là dẫn đến bị mất tài sản một cách đáng tiếc (trong dịp giáp tết) như: Đi ô tô khi dừng đỗ không gửi xe; đi xe máy có giá trị lớn vì lý do nào đó quên không khoá xe, không dắt xe vào nhà vô hình trung đã tiếp tay cho nhóm đối tượng xấu dễ dàng trộm cắp.
Chủ động cảnh giác trước tệ nạn xã hội
Chị Nguyễn Thị Quýnh, chủ một dãy nhà trọ ở khu vực Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Chưa bao giờ tôi thấy tình hình trộm cắp diễn ra phức tạp như hiện nay. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, ở khu vực quanh nhà tôi đã xảy ra 4 - 5 trường hợp mất trộm tài sản như xe máy, máy tính xách tay và một số vật dụng có giá trị khác. Để chủ động phòng tránh, tôi đã viết hẳn dòng chữ "Ra vào phải đóng, khoá cửa".
Chú ý, xe máy phải khoá càng, khoá cổ cẩn thận đề phòng trộm cắp để tất cả mọi người đều thấy và thực hiện theo yêu cầu. Tuy nhiên, cảnh báo là vậy còn để thực hiện lại phụ thuộc vào từng cá nhân thuê nhà. Bởi trên thực tế, mỗi người đều có rất nhiều bạn bè qua lại, thăm hỏi nhau, điều đó cũng đồng nghĩa có người xấu, tốt.
Do vậy, chủ động cảnh giác vẫn là trên hết, chỉ vì chút lơ là, bất cẩn sẽ là điều kiện thuận lợi để đối tượng xấu ra tay trộm cắp. Cũng theo chị Quýnh, tài sản bị mất ở khu vực chị sinh sống nhiều nhất hay rơi vào những chiếc xe máy đắt tiền từ 30 - 50 triệu đồng, đa số những chiếc xe bị mất đến nay vẫn chưa tìm thấy được.
Hàng năm vào mỗi dịp Tết đến, xuân về người dân không còn xa lạ với những khuyến cáo về tình hình an ninh của cơ quan công an. Song song với đó là những vụ trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn được lực lượng công an tóm tắt cụ thể như vụ kẻ gian đột nhập vào một gia đình, lấy đi hàng chục nghìn đô la Mỹ và một số tài sản giá trị khác hay vụ kẻ gian trèo lên nóc nhà cắt sắt ô thông thoáng để chui vào nhà trộm cắp tài sản.
Theo lý giải của một vị cán bộ công an thì tất cả việc làm trên đều là biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt là thời điểm năm mới sắp đến. Muốn thực hiện tốt vấn đề trên, yêu cầu người dân phải tuyệt đối chấp hành như khi ra ngoài phải kiểm tra, khoá trái cửa cẩn thận từ trên xuống dưới đối với nhà thấp tầng, lực lượng bảo vệ phải nâng cao cảnh giác, đặc biệt với những đối tượng lạ mặt vào nhà cao tầng.
Nếu đi đâu dài ngày, chủ nhà phải cử người trông hoặc nhờ hàng xóm để ý, trông coi giúp có như vậy mới có thể hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.
Quỳnh Chi