Kiếm tiền nhẹ nhàng… quá
So với những công việc khác thì học thuê là một việc khá nhẹ nhàng. Người học thuê chỉ cần đến lớp đúng giờ, điểm danh, ngoan ngoãn ngồi hết giờ học hay thỉnh thoảng làm thêm một số bài kiểm tra mang tính... minh họa, bởi nhiều thầy cô giáo coi dạy các lớp này mang tính chất điểm danh là chính. Nhu cầu đi học hộ ngày càng cao, khi hệ đào tạo ngắn hạn, vừa học vừa làm, hoặc học song song hai bằng cùng một lúc nở rộ ở các trường đại học.
Dạo một vòng trên các trang mạng như hocthuegiare.com, hocthue.net..., dễ dàng tìm được hàng trăm nick chat, số điện thoại rao dịch vụ nhận học thuê, cùng với những slogan (khẩu hiệu) rất ấn tượng: "Dịch vụ cho người bận rộn" kèm theo những lời hứa chắc như đinh đóng cột: "Với sự tin tưởng của bạn, chúng tôi cam kết mang lại hiệu quả cao nhất". Ngay tại những website này, khách hàng có thể dễ dàng trao đổi những "tiêu chí" và thảo thuận "nhà cung cấp" về dịch vụ này.
Một website quảng cáo dịch vụ học thuê
Ngay cả mạng xã hội facebook là phương tiện để giao lưu, học hỏi cũng được các bạn trẻ tranh thủ "quăng" lên tường một vài thông điệp để tiếp thị với giá khuyến mại dành cho dịp cuối năm. Mục sở thị tại một website raovat.com, chúng tôi nhận thấy mức chi phí thuê học tùy theo các tiêu chí yêu cầu đối tượng cao hay thấp. Mức giá trung bình 40.000 - 50.000 đồng/buổi cho những lớp học có giáo viên dễ dãi, chỉ cần đếm đủ số học viên trong lớp.
Tuy nhiên, đối với những lớp có giáo viên khó tính, thường xuyên kiểm tra học viên có "đúng người đúng việc" hay không bằng cách liên tục gọi phát biểu để kiểm tra trình độ thì giá học thuê sẽ khác. Quốc Dũng (sinh viên thuê của một lớp tại chức ngoại ngữ) cho biết: "Theo học ở các trường ngoại ngữ bao giờ giá cũng cao hơn các trường khác, bởi tính chất các buổi học không phải cái máy nghe - đọc - chép. Các buổi đối thoại để luyện kỹ năng nói diễn ra rất nhiều nên đòi hỏi học viên giả danh cũng ít nhiều phải có vốn kiến thức cơ bản để đối phó. "Đẳng cấp" cao hơn nên vì thế mức chi phí cũng nhỉnh hơn 50.000 - 80.000 đồng/buổi.
Vào dịp cận Tết rất khó tìm những người học thuê chất lượng như thế bởi cuối năm là dịp diễn ra nhiều chương trình, sự kiện nên sinh viên có vốn ngoại ngữ khá đều làm phiên dịch hay những công việc liên quan đến những chương trình hợp tác, giao lưu với nước ngoài", Minh Hoàng (một đầu mối chuyên cung cấp người đi học thuê) tỏ vẻ sành sỏi cắt nghĩa.
Thêm nữa, hầu hết các lớp học từ chính quy đến tại chức đều ồ ạt tổ chức kiểm tra định kỳ vào dịp cuối năm, vừa để đánh giá ý thức của học viên, vừa để tổng kết kiến thức sinh viên tiếp thu được. "Để làm được bài kiểm tra, đòi hỏi người học thuê phải có vốn ngoại ngữ nhất định nên đầu vào cũng khắt khe hơn, ưu tiên những người đang theo học đúng chuyên ngành người thuê để dễ bề "đối phó", Minh Hoàng cho biết thêm. Còn Quốc Dũng thì hồ hởi khoe: "Nếu có những bài kiểm tra thì người học thuê sẽ được trả thêm tiền, nếu làm bài chất lượng tốt thậm chí còn có thưởng. Khoản thưởng mình nhận được đôi khi còn gấp đôi chi phí cứng người ta trả cho mình".
Với đối tượng tìm thuê người học hộ là cán bộ, người đi làm do bận rộn công việc không thể có mặt đều đặn, mức giá học thuê sẽ bị "chặt chém" hơn, thường ở ngưỡng trên dưới 100.000 đồng/buổi. Sinh viên tên Đ.N.A. (sinh viên năm thứ ba, học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho chúng tôi biết: "Mình nhận học hộ cho một chị học tại chức, việc học cũng khá nhẹ nhàng. Thường thì đi học vào những ngày thứ bảy và chủ nhật nên có thể sắp xếp được thời gian biểu một cách hợp lí". Minh Hoàng cho biết thêm, ở các trường đại học, cao đẳng chính quy, mức giá sẽ "bèo" hơn, bởi phần lớn trên tinh thần sinh viên giúp đỡ nhau là chính, không qua môi giới.
Còn có những người học thuê trở thành công việc làm thêm chính, hàng ngày chỉ phải lên lớp buổi sáng, mỗi buổi tối lại đi học thuê, học hộ. Đó là trường hợp của bạn gái tên D.T.N. (sinh viên năm thứ hai, ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội): "Lúc đầu, công việc của mình là đi làm tại một quán trà. Sau đó, theo lời giới thiệu của một bạn cùng lớp, mình nhận học thuê cho một bạn học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Lớp học thường là vào buổi tối nên mình cũng tranh thủ đi học thuê để kiếm thêm thu nhập. Từ khi đi học thuê, mình không đi làm tại quán trà nữa".
N. cũng cho biết thêm, khi những người khác trong lớp có nhu cầu tìm người học thuê, các bạn tranh thủ giới thiệu luôn bạn cùng phòng, cùng lớp. Minh Hoàng tâm sự, nếu như ngày thường cậu còn phải lân la đến các lớp tại chức để nắm bắt nhu cầu và tranh thủ tiếp thị dịch vụ của mình thì vào dịp cận Tết này, Hoàng chỉ việc ngồi chờ khách đến tìm.
Lớp học đông sinh viên là khe hở khiến nhiều đối tượng học thuê trà trộn (Ảnh minh hoạ)
Người "bán" đồng lòng, kẻ "mua" nhất trí
Hầu hết những người thuê học đều đưa ra hàng trăm lý do: Bận công việc cuối năm ở cơ quan; đi liên hoan, giao lưu; bận việc nhà, muốn về quê sớm; thậm chí chỉ là… bận đi chụp ảnh hoa xuân hoặc đơn giản chỉ là nghỉ học đi làm thêm việc khác thu nhập cao hơn nghề... học thuê.
Cô sinh viên C.P.L. (sinh viên năm thứ hai, đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: "Sắp đến Tết, không khí học tập giảm hẳn đi. Đến lớp cũng chỉ ngồi cho hết buổi học. Những giảng viên khó tính thì điểm danh, cũng rất ít khi nhớ mặt sinh viên lắm. Mỗi buổi một người đi học giảng viên cũng chẳng biết, lúc đầu lớp còn để ý chứ lâu rồi cũng thành quen!".
Chị Hồng là giám đốc bán hàng của một công ty có trụ sở ở Hà Nội, do chưa có bằng đại học nên ghi tên theo học hệ tại chức của một trường đại học khối kinh tế để kiếm cái bằng cho dễ ăn nói với cấp dưới. Do công việc bận rộn nên chị không thể mỗi tuần bỏ ra vài buổi để đi học, giải pháp thuê người đi học lập tức được thực hiện. Chị chia sẻ: "Công việc hàng ngày của tôi là phải tiếp xúc với khách hàng, rồi ký hợp đồng, không có thời gian để đi học. Qua một khách hàng, cũng là một người từng đi học hộ, tôi biết được có nghề này và cũng nhờ vị khách đó giới thiệu, tôi đã thuê một bạn nữ đi học hộ với giá 90.000 đồng/buổi".
Cũng có những lý do "bất khả kháng" được người bỏ tiền ra thuê bật mí, như trường hợp của chị Trang (sinh viên hệ liên thông trường đại học C.N. (Hà Nội): "Do mang thai đến thời kỳ sinh nở nên mình không thể nào tiếp tục đi học được, mà chương trình học thì không thể hoãn. Tình cờ lên mạng, tìm thấy được những lời mời chào hấp dẫn, có thể đáp ứng được yêu cầu là vừa yên tâm ở nhà làm tròn bổn phận người mẹ, vừa đảm bảo yêu cầu đi học đầy đủ nên mình đã thuê người đi học hộ".
Thời điểm cận Tết, nhiều bạn sinh viên nóng lòng về quê ăn Tết hoặc tham gia các buổi tụ tập liên hoan cuối năm... cũng đã làm cho thị trường học thuê trở nên "nóng sốt". Còn phía người tìm việc, với những người đang còn gặp khó khăn và muốn kiếm thêm thu nhập để phụ gia đình sắm tết thì người cung cấp dịch vụ này luôn trong tình trạng chạy đôn đáo tìm "hàng".
H.Thế (sinh viên trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: "Gần cuối tháng, tôi cần tiền để trả tiền nhà, và chuẩn bị một ít quà Tết nên khi có người ngỏ lời muốn thuê đi học là tôi nhận ngay". Còn bạn T.Nhiệm (sinh viên trường cao đẳng Du lịch Hà Nội) cho biết: "Có người chị phải đi thăm một người thân ở xa, nên nhờ tôi đi học. Gần Tết, tôi cũng không phải học nhiều, đi học hộ vừa để giúp chị, lại được chị cho thêm chút tiền tiêu Tết. Nhận tiền như thế mình cũng đỡ ngại...".
Nhiều hệ luỵ phát sinh Cô giáo N.T.Hiền ( giảng viên khoa Lịch sử - trường đại học Sư phạm Hà Nội) tỏ ra lo ngại: "Việc thuê người học hộ, thậm chí làm bài kiểm tra hộ mang đến nhiều hệ lụy trong quá trình học tập của mỗi sinh viên. Hổng kiến thức, không nắm rõ lý thuyết cơ bản... là những hậu quả tất yếu sau một thời gian dài nhờ người khác lên lớp. Để đối phó với hiện tượng này, bản thân mỗi giáo viên phải có phương pháp bảo vệ chính sinh viên mình giảng dạy như điểm danh gắt gao hơn, kiểm tra ảnh trên thẻ sinh viên có khớp với thực tế hay không... bởi đến kỳ thi, sinh viên không đạt chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của người giảng dạy". |
Tuệ Linh - Thanh Vững