Làm siêu tốc, cung ứng tận nơi
Đang trong giai đoạn điều trị bệnh lao phổi, anh N.V.D. (34 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn tự hào vừa có được giấy khám sức khỏe “đẹp” để bổ sung hồ sơ xin việc. Anh cho biết, việc làm giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, nằm viện giả hiện vô cùng đơn giản và bất cứ ai cũng có thể mua.
“Nhiều người đứng ra làm giấy khám sức khỏe mà không cần biết bệnh nhân là ai, ở đâu, làm gì... Chỉ cần có tiền, đôi bên thỏa thuận là xong. Thậm chí, chỉ cần chi thêm ít tiền là họ đem giấy đến tận nhà”, anh D. kể.
Điều đáng nói, không riêng bệnh viện Nguyễn Tri Phương bị nhiều đối tượng làm giả con dấu để “sản xuất” giấy khám sức khỏe, giấy ra viện giả. Trước đó, Ban giám đốc bệnh viện E cũng phát hiện giấy khám sức khỏe giả có đóng dấu mộc của bệnh viện này.
Bác sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc bệnh viện cho biết, trước đây đã xuất hiện tình trạng làm giấy tờ giả và bệnh viện đã báo Công an quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) giải quyết. Theo bác sĩ Thành, tất cả giấy khám sức khỏe phải có chữ ký nháy của bác sỹ phụ trách, trước khi trình lãnh đạo bệnh viện ký. Tuy nhiên, trên các loại giấy khám sức khỏe được rao bán trên mạng không có chữ ký nháy. Do đó, lãnh đạo bệnh viện này khẳng định các loại giấy trên đều là giả mạo.
Cũng liên quan đến đường dây làm giấy khám sức khỏe giả, mới đây phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP.Hà Nội) đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự Phạm Tiến Nghĩa (26 tuổi, ngụ tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo cơ quan này, Nghĩa là người làm giả, rồi bán lại hàng loạt giấy khám sức khỏe, giấy ra viện...
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Nghĩa, PC46 thu giữ 1 dấu tròn có khắc tên bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, 1 dấu tròn của công ty cổ phần bệnh viện Giao thông Vận tải, 5 dấu tên của các bác sĩ.
Hà Nguyễn