Mới đây, đoạn clip ghi lại hình ảnh hai học sinh mặc đồng phụ vô tư “diễn” cảnh tình tứ, “khóa môi” giữa trốn đông người khiến dư luận bức xúc.
Đoạn video này được đăng tải với dòng chú thích: "Mặc kệ người xung quanh, hai học sinh dính lấy nhau từ sáng đến chiều tại Aeon Mall Tân Phú".
Theo quan sát, hai bạn trẻ mặc đồng phục học sinh thản nhiên ôm hôn nhau thắm thiết trên ghế chờ, giữa hành lang khu chính của trung tâm thương mại, nơi có rất đông người qua lại.
Không để ý những tiếng xì xào bàn tán của những người xung quanh hai bạn trẻ này vẫn vô tư thể hiện tình cảm của mình, bất chấp ánh mắt không hài lòng của mọi người xung quanh.
Chỉ sau vài giờ đăng tải, hình ảnh “khóa môi” tình tứ của hai bạn trẻ mặc đồng phục này lập tức được phát tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Đoạn clip đã nhận được 400.000 lượt xem, hơn 2.000 lượt bình luận và chia sẻ.
Phần lớn cư dân mạng đều “sốc” và “ném đá” cho hành động quá lố của cặp đôi này.
Thành viên có nick Minh Huy bức xúc: “Các cô cậu học sinh bây giờ liều quá. Phải chăng, bây giờ, các anh chị yêu quá “thoáng” khiến các em học tập theo. Ngay giữa chốn đông người mà lại tự nhiên như vậy thấy thật choáng váng. Không biết bố mẹ xem được hình ảnh này sẽ nghĩ như thế nào”.
Còn bạn Vân Hồng chia sẻ: “Không thể tin nổi, hành động quá lố này. Những hình ảnh này sẽ được lưu lại và sau này chúng sẽ nhận được bài học. Nhà trường và gia đình cần có những biện pháp cứng rắn hơn”.
Không những thế, trên các diễn đàn làm cha mẹ, clip này cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt cùng những lời bình luận hết sức gay gắt.
Trước tình trạng trẻ lớn sớm, yêu “thoáng” này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, T.S Tâm lý học Nguyễn Thị Minh (Học viện Hành chính Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là hành động vô cùng thiếu lịch sự và hiện tượng này xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất do chế độ dinh dưỡng, các ông bố mẹ hiện nay cho ăn nhiều chất đạm, sữa ngoại… cơ thể nhiều chất sẽ dậy thì sớm.
Thứ hai, do trẻ tiếp xúc sớm với phim ảnh nhiều. Đây cũng là một ảnh hưởng tương đối lớn đối với trẻ, kích hoạt nhu cầu, tâm lý, trẻ luôn có xu hướng bắt chước người lớn.
Ngoài ra, các hoạt động của trẻ hiện nay bị bó hẹp, cơ hội rèn luyện về lao động ít. Một số bậc cha mẹ chưa thực sự quam tâm, định hướng cho con. Trẻ bị ép học nhiều nên chúng muốn “thoát” ra khỏi việc học bằng những hình thức khác.
T.S Minh cũng cho rằng, trước hành động này của trẻ, các bậc làm cha mẹ cần có phải gặp gỡ tìm hiểu nguyên nhân vì sao, phải phân tích, giải thích để trẻ hiểu. Chứ không vội có những suy diễn quá mức khiến trẻ bị tổn thương, như vậy hậu quả sẽ lớn hơn.
Nhà trường, gia đình và xã hội cần phải giáo dục đạo đức và hướng dẫn kỹ năng sống phải đi trước và thật sự tác động mạnh mẽ để trẻ trụ vững trước nguy cơ lệch lạc giá trị và hành vi.
M.Thu