Theo những con số PV mới ghi nhận được, chỉ tính riêng tại khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, trong ngày mùng 1 và mùng 2 tết Nguyên Đán đã có tới 169 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có những trường hợp bệnh nhân còn trong tình trạng lơ mơ, mất kiểm soát, nhiều hơi men. Đến ngày mùng 3 tết (30/1), bệnh viện này tiếp nhận thêm 15 trường hợp bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng bị chảy máu dạ dày, nôn ra máu có liên quan đến rượu.
Theo bác sỹ trực Nguyễn Đàm Chính, do đặc thù về chuyên môn, hiện khoa Chống độc chỉ tiếp nhận những bệnh nhân bị tổn thương trực tiếp do rượu còn những tổn thương gián tiếp như liên quan đến tai nạn giao thông và có chấn thương kèm theo thì thường được chuyển sang khoa Cấp cứu hoặc khoa Ngoại.
Xét về tổn thương do rượu, có hai loại thông thường là rượu thực phẩm (ethanol) và rượu cồn công nghiệp (methanol). Trong sáng ngày 1/2, khoa vừa cho xuất viện 3 trường hợp ngộ độc rượu thông thường ethanol sau khi bệnh nhân đã ổn định.
Trong ngày hôm trước (30/1), cũng có một bệnh nhân 57 tuổi quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên nhập viện với đầy đủ triệu chứng lâm sàng của ngộ độc rượu cồn công nghiệp. Các kết quả xét nghiệm máu ban đầu đều cho ra gợi ý của việc ngộ độc methanol, bệnh nhân được tiến hành lọc máu rất sớm nhưng vì tình trạng quá nặng, đến tối cùng ngày, mặc dù được các y bác sỹ hết sức điều trị nhưng vẫn không giữ được huyết áp, người nhà bệnh nhân đã xin cho về.
Tổng thời gian từ khi cấp cứu nhập viện đến khi xin về của bệnh nhân chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Đây là trường hợp được cho là nặng nhất được tiếp nhận điều trị tại khoa những ngày trong tết.
Về tình hình chung, thời gian trong tết, số ca ngộ độc rượu trong tết không tăng nhiều. Theo bác sỹ Chính, những ngày trước tết, khoảng 26-27 tháng chạp âm lịch, đột nhiên số ca ngộ độc rượu tăng vọt, có những đợt cao điểm, 4 bệnh nhân tử vong trong một ngày do ngộ độc rượu cồn công nghiệp; còn thông thường, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 1 đến 3 ca ngộ độc rượu nhưng không quá nặng.
Thời điểm sau tết do chưa có thống kê cụ thể nên chưa thể kết luận số ca có tăng hay không so với cùng thời điểm năm ngoái.
Ghi nhận tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng cho thấy, số ca ngộ độc rượu, tai nạn giao thông hay đánh nhau có liên quan đến uống rượu bia trong mấy ngày tết cũng tăng cao. Theo bác sỹ Đoàn Mạnh Nam, Trưởng khoa điều dưỡng tại bệnh viện này: thống kê tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình từ 26/01 đến ngày 30/1 (từ 29 tháng Chạp đến ngày mùng 3 tết tổng số khám cấp cứu là 381 ca trong đó tổng số ca tai nạn giao thông là 72 ca.
Tổng số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông là 21 ca, do đánh nhau 15 ca…Và không ít trường hợp trong số này có liên quan đến rượu bia. Một số trường hợp ngộ độc nặng do uống rượu ngoại. Dù được lọc máu, dùng thuốc giải độc và sử dụng máy trợ tim mạch ngay khi nhập viện nhưng bệnh nhân đã bị suy thận, tổn thương não nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi, không thể cứu chữa, gia đình đã xin đưa bệnh nhân về.
Theo các bác sỹ, hiện nay việc phân biệt qua chẩn đoán thông thường ngộ độc rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol là rất khó, phải chuyển đi các viện chức năng mới có kết quả giám định, rất mất thời gian.
Khi bệnh nhân có triệu chứng nặng, phân biệt được là cồn công nghiệp thì đã chuyển sang giai đoạn muộn. Một là bệnh nhân có thể chết, còn nếu may mắn sống sót sẽ để lại di chứng về mặt thị lực, suy thận…
Khi mới chỉ dừng ở việc nghi vấn, không có đủ bằng chứng về ngộ độc methanol thì rất khó thuyết phục người nhà bệnh nhân hợp tác điều trị. Bởi lẽ, chi phí cho điều trị ngộ độc rượu do methanol hiện còn khá đắt.
Trung bình, một lần lọc máu do cồn công nghiệp mất khoảng 15 triệu đồng, một ngày có khi phải tiến hành lọc máu 2 lần. Chi phí trên là không nhỏ với nhiều gia đình bệnh nhân khó khăn.
Đ.Huệ