Giật mình những cuộc gọi bất thường
LTS: Hàng triệu thông tin cá nhân bao gồm số điện thoại, mail, công việc, địa chỉ chỗ làm, nơi ở… được mua bán tràn lan. Đó là lý do không ít người giật mình khi người lạ gọi điện đến thông báo đã nắm rõ từng số liệu của họ. Vậy những thông tin khách hàng này được lấy từ đâu và vì sao những bí mật cá nhân lại được mua bán công khai như vậy?
Đảm bảo “không lừa đâu”
Giống như những món hàng thông thường khác, việc mua bán thông tin cá nhân diễn ra rầm rộ, công khai trên “chợ mạng”. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần gõ cụm từ “data khách hàng” thì hàng loạt các trang web xuất hiện như: Mua bán trao đổi data khách hàng 2018, Danh sách khách VIP tất cả các nghề, Data kinh doanh khách hàng tiềm năng, Gói data làm thay đổi sự nghiệp của bạn…
Nổi bật sẽ là những dòng quảng cáo đánh đúng tâm lý người mua: “Bạn cần mua data khách hàng mới nhất, bạn muốn mua danh sách khách hàng chất lượng nhất… Chúng tôi chuyên cung cấp, bán data khách hàng chọn lọc, bán danh sách khách hàng theo đúng yêu cầu”. Để thêm phần uy tín, các trang web này cho biết, danh sách được rao bán đã được tổng hợp công phu từ 4 triệu khách hàng tiềm năng trong nhiều năm, ở nhiều lĩnh vực, nhiều tỉnh thành khác nhau.
Tất cả các trang web này chỉ có duy nhất một số điện thoại để liên lạc với bên bán, ngoài ra không có bất kỳ thông tin nào về địa chỉ doanh nghiệp, nơi giao dịch...
Để nắm rõ hơn về cách mua bán của những “ông chủ” nắm giữ lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ này, chúng tôi truy cập vào web Data khách hàng VIP. Đây là nơi được quảng cáo sẽ có trong tay 3,2 GB data khách hàng nếu bỏ ra 1-2 triệu đồng. Liên hệ theo số điện thoại 0917439xxx được đăng tải trên trang web, chúng tôi được một người tên Phong giới thiệu: “Bạn tìm đến đúng địa chỉ rồi, bỏ ra có 1-2 triệu đồng bạn sẽ nắm được bí mật của các team leader, giám đốc kinh doanh, sale cứng, thậm chí là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các lĩnh vực trong gói data bao gồm gói bất động sản (Khách hàng của 1.059 dự án chung cư, biệt thự, nghỉ dưỡng của Vinhomes, Vinpearl, FLC, Sun Group,... tại Hà Nội, TP.HCM và các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng trên cả nước). Gói ngân hàng thì khách hàng sẽ là những người có số dư trên 5 tỷ đồng của 22 ngân hàng (158.000 khách hàng). Hàng chục nghìn khách VIP đang là giám đốc doanh nghiệp, quan chức,... Hàng chục nghìn khách hàng là hội viên Golf, khách hàng spa thẩm mỹ, làm đẹp. Chúng tôi đang nắm giữ tổng 12 triệu số điện thoại, trên 100.000 mail. Đủ mọi ngành nghề, họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email được sắp xếp có đề mục, tên file, khu vực…”.
PV tiếp tục dò hỏi về chất lượng cũng như độ chính xác của những gói data này thì ông chủ tên Phong khẳng định: “Độ bảo mật là số một, với mỗi gói data mua sẽ được khai thác trong mọi ngành nghề. Tôi đang làm quảng cáo truyền thông chuyên nghiệp nên chắc chắn sẽ không lừa mọi người đâu. Cứ tiền giao là sẽ được check hàng ngay lập tức”.
Xem video: Cuộc trao đổi "bí mật" giữa khách hàng và "ông chủ" năm giữ các gói data khổng lồ:
Theo lời chia sẻ “kín”, trong tay Phong hiện giờ có hàng triệu thông tin cá nhân của khách hàng được chia ra làm các gói. Gói 3,2 GB gồm 2100 bộ data VIP các nghề như bất động sản, ngân hàng, giám đốc, chứng khoán… có giá 1,2 triệu đồng. Gói 5,2 GB gồm 3180 bộ data VIP có giá 2,2 triệu đồng.
Với những khách chịu chi, Phong sẽ cung cấp thêm cả thông tin tài chính, địa chỉ làm việc, những mặt mạnh, yếu và một bộ mail “khủng” riêng biệt mà không phải ai cũng có. Ai mua có thể kiểm tra thỏai mái, vì “ông chủ” Phong “là người làm nghề đã lâu, có uy tín”.
Từ chối gặp mặt vì… nhạy cảm
Để tạo niềm tin, Phong không ngần ngại gửi các gói data từ bất động sản, ngân hàng, giáo viên, các khu chung cư như Time City, Mỹ Đình… Không những thế, Phong còn chủ động gửi cho khách một bảng danh sách khách hàng có thu nhập cao tại Hà Nội gồm số địa chỉ, số điện thoại, mail… được cập nhật mới nhất để kiểm chứng thông tin trước khi “xuống tiền”.
Mặc dù dịch vụ mua bán thông tin cá nhân được Phong giới thiệu chuyên nghiệp, chi tiết nhưng khi chúng tôi đề nghị gặp mặt để trao đổi trực tiếp, Phong lập tức từ chối vì… nhạy cảm. “Bên tôi chỉ giao dịch online, không gặp mặt trực tiếp, nếu như có nhu cầu, khách hàng chuyển tiền là dữ liệu sẽ được gửi về mail. Nói thật, đây là việc làm khá tế nhị và nhạy cảm, không biết bạn hiểu nó nhạy cảm ở mức độ nào nhưng bạn là người mua chỉ có liên đới. Tôi là người bán chịu trách nhiệm cao nhất. Việc làm này còn liên quan đến người thứ 3 nên rất khó gặp mặt cũng như trao đổi trực tiếp được”, Phong nói.
Không chỉ có Phong, mà rất nhiều “ông chủ” rất ngại gặp mặt người mua khi giao dịch thông tin cá nhân. Tất cả các “ông chủ” này đều dùng chung một hình thức kinh doanh: Sẵn sàng cho check khách hàng, khi đã đồng ý với từng thỏa thuận sẽ nhận tiền mua tài khoản và gửi danh sách khách hàng vào mail. Còn gặp mặt? Miễn bàn.
Phong khẳng định thêm, dịch vụ của mình là “hàng xịn” và không quên “bóc mẽ” chiêu trò của nhiều “ông chủ” khác.
Đổi số vẫn bị truy
Từ danh sách mà Phong cung cấp để check xem khách hàng có thực, chúng tôi đã liên hệ tới số điện thoại 0914756xxx của chị C.T.A, tại Nam Từ Liêm, Hà Nội. Chị A. đã rất căng thẳng khi biết thông tin cá nhân của mình bị lộ: “Tôi cũng không hiểu vì sao thời gian gần đây nhiều người gọi điện đến mời chào tiếp thị, thậm chí là cho vay nặng lãi. Ai gọi điện đến tôi cũng hỏi “sao lại biết số điện thoại của tôi?”. Thông tin cá nhân của tôi thì tôi chỉ kê khai khi mua xe, đăng kí xe hoặc mua bảo hiểm, làm việc với ngân hàng…”.
Tiếp tục liên lạc với số điện thoại 0903234xxx, chủ nhân số điện thoại là anh B. tại Ứng Hòa, Hà Nội. Anh B. cũng là cái tên trong danh sách người thu nhập cao của Phong vừa được cập nhật vào tháng 8/2018. Khi PV nói chuyện, anh B. ngạc nhiên: “Vì sao họ lại biết được đích danh số điện thoại đó của tôi? Thậm chí các đối tượng này còn biết đích danh nhà cửa của tôi ở đâu, tôi làm nghề gì? Nếu cứ tiếp tục để xảy ra tình trạng này, biết đâu một số đối tượng xấu dùng thông tin của tôi đi làm việc trái pháp luật? Tôi rất lo sợ bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mình”.
Cũng theo anh B., anh là người bận rộn nên nhiều khi có rất nhiều tin nhắn rác, các cuộc gọi mời chào khiến anh thấy bực bội. Có ngày, anh nhận được cả chục cuộc gọi chỉ để mời các dịch vụ. “Họ gọi bất kỳ lúc nào mà họ thích. Chưa kịp để khách hàng nói gì họ cứ thao thao bất tuyệt giới thiệu, quảng cáo các dịch vụ mà họ có thể cung ứng. Nhiều lần bực mình quá tôi đã tắt máy. Đầu năm tôi đã phải đổi số điện thoại, mua số mới tinh mà không hiểu vì sao họ vẫn biết?”, anh B. bày tỏ.
Trả lời cho câu hỏi của chị A., anh B. và hàng triệu khách hàng đang hoang mang sau mỗi cuộc gọi bất thường, mời độc giả đón đọc kỳ 2: Hé lộ chiêu thức đánh cắp thông tin cá nhân khách hàng.
Xem thêm video: Giật mình những cuộc gọi bất thường:
Mai Thu