Bố mẹ “mặc cả”, con đặt điều kiện
Chị Hồng Hạnh (ngụ đường Giải Phóng, Hà Nội) phàn nàn: "Ở nhà có mình cháu Linh là cháu trai nên mọi người đều rất chiều. Muốn cháu làm điều gì, bố cháu thường "mặc cả" "bố sẽ mua cái này, cái khác cho". Không biết có phải thành quen hay không nên bây giờ mỗi khi người lớn có yêu cầu gì là cháu lại "ra điều kiện".
Có lần cháu bị sốt xuất huyết phải nhập viện, để nịnh cháu uống thuốc, anh ấy lại mua cho một con rô-bốt hoặc siêu nhân nên chỉ sau 2 tuần nằm viện, vợ chồng tôi phát hoảng khi nhìn lại, cháu đã sở hữu tới 27 con siêu nhân lớn nhỏ".
Các bậc cha mẹ không nên "mặc cả" với con khi muốn làm con làm một việc gì đó. Ảnh minh họa
Đó là chưa kể, ở nhà cháu còn đòi mẹ cho số tài khoản để đăng kí trò chơi trên mạng. Có lần không có mẹ ở nhà, nhưng thấy thích một trò chơi mới cháu tự ý đăng kí 6 trò chơi một lúc khiến tháng đó tiền cước internet bị đội lên tới gần 1 triệu đồng.
Khi phát hiện được điều này, chị Hạnh tuy có tỏ ra "nghiêm khắc" hơn với con, song ông bà nội thì lại cho rằng "cháu lanh lợi, thông minh và biết thích ứng nhanh với hoàn cảnh".
Một trường hợp tương tự, cháu Tuấn Anh (7 tuổi, Pháp Vân, Hà Nội) là con của một gia đình có điều kiện kinh tế, hễ cháu muốn gì là ông bà, bố mẹ lại mua.
Trong nhà, đồ chơi đắt tiền của Tuấn Anh không kể hết nhưng với cháu "như thế là chưa đủ". Hàng ngày, khi bố đón ở cổng trường, Tuấn Anh lại nằng nặc đòi mua đồ chơi. Chỉ cần con đòi là bố Tuấn Anh lại mua, không cần băn khoăn đồ chơi con đòi đắt đến đâu. Một hôm cháu đi học về, đòi tiền để mua bộ đồ chơi mới của Singapore với giá 1,2 triệu đồng.
Không được đồng ý nên sau đó vài ngày, hễ làm gì là cháu lại ra điều kiện: "Con làm xong thì mẹ cho con đi mua đồ chơi, mẹ nhé!". Thậm chí, mỗi khi dỗ ăn cơm cháu cũng đặt điều kiện với mẹ "Con ăn hết chỗ này mẹ hứa sẽ cho con mua đồ chơi đấy!".
Trên các diễn đàn lamchame, nhiều phụ huynh đã "than ngắn, thở dài" về thói quen xấu của con trẻ: Ra điều kiện với bố mẹ. Chị Mai Vân (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) chia sẻ: "Con tôi thường đòi mẹ mua cái này hay cái kia.
Mẹ bảo đi đâu thì bắt mẹ cam kết mẹ phải mua cho con thì con mới đi. Nếu không mua thì mỗi sáng đi học bé đều nhõng nhẽo đòi cho bằng được, không đáp ứng thì khóc lóc, phải dùng biện pháp mạnh mới chịu đi học. Tình trạng này kéo dài khiến tôi càng ngày càng bực mình".
Lỗi do người lớn?
Chị Hoàng Hải Ly (Trung Hòa, Hà Nội) đặt câu hỏi trước tình trạng này: "Phải chăng đó chính ở lỗi bố mẹ đã "mặc cả" với con?
Tại Câu lạc bộ học làm cha mẹ tốt (Hà Nội), nhiều phụ huynh cùng có chung những thắc mắc về thói quen "ra điều kiện" của con và mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm giúp con vứt bỏ thói quen xấu.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai lý giải: "Vì sao trẻ mặc cả? Bởi người lớn có yêu cầu đối với chúng. Khi bạn thay đổi cách thức không yêu cầu nữa, trẻ sẽ không thể ra điều kiện, mặc cả. Các bậc cha mẹ có thể thay đổi bằng cách ẩn giấu yêu cầu đó và thể hiện ở góc độ khác khi lên tiếng, chẳng hạn "Nếu con đến muộn các bạn cười cho đấy!", "Ăn cơm bỏ dở, đói sẽ không có gì để ăn đâu!"... Khi trẻ nhận biết được hậu quả không tốt lành, chúng sẽ chủ động phục tùng yêu cầu của bạn".
Không nên chiều theo ý trẻ mỗi khi trẻ vòi vĩnh
Chuyên gia tâm lý học Nguyễn Thị Mùi, giảng viên khoa Tâm lý Đại học Sư phạm I chia sẻ: "Trên thực tế, sở dĩ trẻ hình thành thói quen thích mặc cả có liên quan tới cách giáo dục của cha mẹ trong cuộc sống thường ngày. Một số cha mẹ thoạt tiên thường đưa ra những điều kiện dụ dỗ con, thực tế là một kiểu điều kiện, lâu ngày trẻ hình thành thói quen này. Để tránh trẻ đưa ra điều kiện, cha mẹ có thể đưa ra những quy tắc nhất định, rõ ràng, dần giúp trẻ hiểu rõ những sự việc nào cần làm, làm như thế nào và giúp chúng hiểu rõ quy tắc là điều không thể thay đổi tùy tiện. Phần lớn điều kiện của trẻ mang tính chất thăm dò, chỉ cần các bậc phụ huynh kiên trì giữ vững nguyên tắc, trẻ sẽ thay đổi".
Tuy nhiên, cũng không ít cha mẹ lại cho rằng những đòi hỏi đó của con mình là những biểu hiện tốt. Trước những ý kiến cho rằng đòi hỏi như vậy là "phản ứng nhanh với cuộc sống", cô Thu Nguyệt (Giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội) phản biện: "Nếu để cứ để kéo dài như thế, có thể bé sẽ không hiểu được giá trị những thứ mình đã có. Hơn nữa khi đã đòi được cái này, chắc chắn bé sẽ đòi tiếp cái khác".
Theo cô Nguyệt, với trẻ con, khi đã hình thành một thói quen gì thì rất khó sửa. Nếu muốn các bé thay đổi, cha mẹ cần chú ý chấn chỉnh từ từ. Với những đòi hỏi không hay, tốt nhất chúng ta nên cân nhắc cẩn thận, không nên đáp ứng tất cả yêu cầu theo ý của trẻ. Các bậc cha mẹ không nên tạo cho con thói quen xấu, "mặc cả" với con trước khi muốn con làm một việc gì đó.
Ngân Giang