Cảnh sát cho biết họ cho phép bảo lãnh tại ngoại đối với toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn mà chưa đưa ra cáo buộc nào, nhưng sẽ tiếp tục giữ tàu chở dầu để điều tra.
Trước đó, hôm 4/7, chính quyền Gibraltar phối hợp với lực lượng Hoàng Gia Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Grace I vì nghi ngờ Iran đang phá vỡ các lệnh trừng phạt của EU bằng cách đưa dầu tới Syria. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Anh tại Iran – ông Rob Macaire tới cơ quan này nhằm bày tỏ quan điểm phản đối của Tehran liên quan tới vụ bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran trên eo biển Gibraltar.
Ngày 8/7,Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đăng tải trên Twitter, khẳng định Iran không phải là một thành viên của EU và cũng không phải là đối tượng bị áp đặt bất cứ lệnh cấm vận dầu mỏ nào của châu Âu. Chính vì thế, nhà ngoại giao này xem vụ Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran là hành động “vi phạm luật pháp”, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và phải được chấm dứt ngay lập tức.
Ngày 13/7, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã điện đàm, trò chuyện cùng người đồng cấp Iran. Ông Jeremy tuyên bố Anh sẽ tạo điều kiện cho việc thả tàu chở dầu Grace I đang bị tạm giữ nếu Tehran đảm bảo nó sẽ không đến Syria.
Đáp lời, ông Zarif đã khẳng định thiện chí của Iran nhằm giải quyết vấn đề này và không muốn tình hình tiếp tục leo thang căng thẳng. Ông yêu cầu Anh nhanh chóng trao trả tàu.
Tuy nhiên, ông Zarif nhấn mạnh Iran vẫn sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu dưới bất kỳ điều kiện nào. Tehran đổ lỗi cho Mỹ đã sắp xếp việc bắt giữ tàu chở dầu. Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran với mục đích tạm dừng xuất khẩu dầu của Iran.
Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo phủ nhận thông tin trên, cho biết quyết định bắt giữ tàu chở dầu, mà theo ông là mang theo 2,1 triệu thùng dầu, đã không được thực hiện theo yêu cầu của bất kỳ quốc gia nào khác.
Bá Di (Tổng hợp)