Với hình phạt phi giáo dục – bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương (chủ nhiệm lớp 3A5, trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) đã bị sa thải. Điều này không có gì phải ngạc nhiên vì nền giáo dục do dân và vì dân không cho phép những “con sâu” tồn tại.
Tôi biết cô đã khóc, nhưng nước mắt cũng không thể giúp cô có được một cơ hội công tác trong môi trường giáo dục. Bởi giáo dục con người đòi hỏi sự chỉn chu và đức hy sinh, sự chuẩn mực và lòng yêu mến thuần túy giữa con người với con người.
Cô và gia đình đã xin dư luận một cơ hội sửa sai, nhưng tôi cá là không ai muốn cô sửa sai trong môi trường giáo dục. Có chắc rằng sau 1 năm, 2 năm hay nhiều năm hơn nữa, phút bốc đồng trong cô không quay lại? Lúc đó, có khi không còn là nước giặt giẻ lau bảng...
Không khó khi qua vài cái click chuột, tôi biết cô là một cử nhân kinh tế, học văn bằng 2 hệ đại học sư phạm và là con của một cán bộ cũng công tác trong ngành Giáo dục. Một vị lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương đã từng lên báo và thông tin rằng, huyện An Dương đang thiếu giáo viên tiểu học và trường tiểu học An Đồng đang thiếu 11 giáo viên nên phải ký hợp đồng thời vụ với cô Hương.
Tôi hiểu những khó khăn, sự cân nhắc của người làm quản lý, họ có những lý lẽ của riêng mình. Nhưng nếu so với con số giáo sinh sư phạm ra trường hiện còn dôi dư và chưa có việc làm thì, số thiếu ấy không là gì cả. Tại sao trong số rất nhiều những sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm, ta phải chọn lựa người thiếu sự bình tĩnh, không có phương pháp sư phạm như thế? Hay vì còn những lý do nào khác riêng tư hơn kiểu “vị cây dây quấn”, nể nang, ưu ái “con ông cháu cha”?
Chiếc giẻ lau vô tri đã “tố” nhân cách của một người làm “thầy”, đồng thời nó cũng xóa tư cách của một nhà giáo. Nhưng chiếc giẻ lau đã làm đúng phận sự của nó - xóa đi những điều sai trái, những thứ không cần thiết, không đáng tồn tại trong môi trường giáo dục.
Dù là muộn, nhưng những người có chức trách trong ngành Giáo dục cũng cần phải xem xét lại cách đào tạo của mình. Có trường sư phạm nào dạy học sinh quỳ gối, uống nước giặt giẻ lau bảng như thế? Hay các cô đang tự cho mình quá nhiều quyền uy và đánh mất niềm tôn kính của cả xã hội dành cho nghề cao quý?
Xin đừng đổ lỗi do áp lực, tuổi trẻ bồng bột hay bất cứ lý do nào để ngụy biện cho tư cách lệch chuẩn sư phạm của mình. Nếu đã không thể đi trên con đường trồng người cao quý, xin hãy lùi lại, nhường đường cho sự cao quý khác.
Một người bình thường sẽ không suy nghĩ và hành động phản giáo dục như vậy. Ở đây, không chỉ là lỗi của một mình cô giáo, mà còn có vai trò quản lý của nhà trường, của ngành Giáo dục địa phương và cao hơn, ấy là biểu hiện của nền giáo dục loay hoay, chống chếnh.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!