Mới đây loạt ảnh giếng cổ kế bên đình làng Mông Phụ (Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) bị đoàn làm phim hài Tết bôi trát, làm mới nhằm tạo bối cảnh trong phim. Để giúp giếng trông như mới được xây dựng, các thành viên trong đoàn phim đã dùng lớp vôi ve màu đỏ, bút vẽ màu đen phủ trát, tô vẽ bên ngoài bề mặt giếng. Việc làm này đã vi phạm những quy định của Luật di sản văn hóa, gây ra bức xúc lớn trong nhân dân địa phương.
Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm xác nhận sự việc trên và cho biết, sau khi nắm thông tin, chính quyền địa phương đã có mặt để xử lý.
"Cái sai của đoàn làm phim là do nhận thức, họ muốn tạo bối cảnh chiếc giếng đá ong trông như mới để hợp với bối cảnh đoàn làm phim. Chúng tôi đã yêu cầu dừng, đình chỉ, không tiếp tục quay phim nữa. Ngoài ra phải khắc phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của chiếc giếng", ông Thạo nói.
Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cũng cho biết, thực tế, đoàn phim chỉ mới vôi ve bên ngoài chứ không phải sơn sửa gì, có thể khắc phục bằng việc cọ rửa lại bằng nước.
Chia sẻ về việc ồn ào này với Người Đưa Tin, nhà văn hoá Xuân Hương thẳng thắn: "Việc dùng vôi ve, màu vẽ tác động lên giếng cổ ở Đường Lâm là đang làm sai lệch đi Di tích cấp Quốc gia. Ở những Di tích này, chính những nét rêu phong, cổ kính của không gian Di tích đã làm nên nét văn hoá riêng nơi đó. Đoàn phim chỉ vì những thước phim mà làm hỏng cả một công trình như thế thì phải xem lại. Nhiều năm nay, làng cổ Đường Lâm là địa chỉ đến của nhiều đoàn phim hài Tết, chứng tỏ sức hút của ngôi làng cổ này.
Tuy nhiên, khi làm nghệ thuật, chúng ta phải tôn trọng không gian nơi đến. Phải hỏi ý kiến nhân dân, các cấp quản lý ở địa phương nếu có tác động lên Di tích. Giếng cổ nếu cọ rửa, khôi phục thì cũng không thể hoàn trả lại được sự rêu phong mong manh, tinh tế như xưa. Đó là lý do nhiều người rất bức xúc và phẫn nộ với việc làm của đoàn phim".
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng một người dân ở Đường Lâm cho hay: "Đây không phải là lần đầu tiên các đoàn phim tự ý tác động, làm mới, thay đổi lên không gian, di tích làng cổ. Cứ mỗi dịp Tết đến, hàng đoàn ô tô đi lại chật kín trong làng dù không được phép. Các thành viên ăn nói, ngủ nghỉ, hò hét gây ầm ĩ trong không gian làng cổ. Đặc biệt, không ít những căn nhà thờ bị họ sử dụng làm bối cảnh đóng các phim hài tục tĩu, phản cảm.
Nhà thờ của gia đình tôi cũng đã từng bị đoàn phim hài Tết sử dụng làm nơi diễn các cảnh rất phản cảm, diễn viên nữ ăn mặc hở ngực, thầy giáo đóng cảnh ngủ với mẹ của học trò, lời thoại phản cảm không để đâu cho hết… Thậm chí, cách đây vài năm, một đoàn làm phim còn cho đào cả sân đình làng cổ quê tôi để trồng một cây gạo. Đây đều là những di tích cổ phải bảo tồn, tôn trọng, không thể tự ý muốn làm gì thì làm như vậy được".
Chiều ngày 8/11, ông Nguyễn Đăng Thạo cho PV biết: "Đoàn phim đã xin lỗi thừa nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, màu thời gian và rêu quanh giếng thì phải hàng tháng mới trở lại như cũ vì phải chờ mưa gột rửa lớp vôi ve ngấm vào thành giếng thì rêu mới mọc được. Đây có lẽ là bài học cho các đoàn phim. Nếu muốn quay, chụp ở bất cứ đâu phải xin phép địa phương và không được tác động và Di tích, nếu không sẽ bị phản ứng".
Ông Trương Quốc Thắng - đại diện đoàn phim cho hay: "Ê kíp đã xin lỗi vì những sai sót của mình, khi đoàn phim về quay tại làng cổ đã xin phép phía Chủ tịch xã, Phó công an và cán bộ văn hóa xã. Tuy nhiên, đoàn đã thiếu sót trong quá trình báo cáo và xin phép Ban quản lý di tích. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để không xảy ra chuyện như vậy nữa và mong tiếp tục được địa phương tạo điều kiện cho đoàn phim được hoàn tất các cảnh quay".