“Giếng độc” và 3 cái tang liên tiếp
Lưu Thị Hà Giang là học sinh chuyên khoa Địa của trường Quốc học Huế, từng tham gia các cuộc thi cấp quốc gia của trường. Bố Giang là một cựu chiến binh, ông đã đi qua cuộc chiến tranh và trở về nguyên vẹn, lấy vợ, sinh con với ước mơ cho các con ăn học thật tốt để thoát khỏi cái nghèo. Gia đình em vì con đông vất vả, kiếm tiền ở quê không thể đủ để nuôi con ăn học nên bố mẹ em đã bàn với nhau cùng nhau đi làm ăn xa, kiếm tiền nuôi con.
Để các con mình đỡ khổ nên ông bà đào cái giếng trong vườn nhà mình để lấy nước uống và sinh hoạt cho cả nhà. Sáu anh chị em nương tựa vào nhau sống bằng những tháng lương của bố mẹ gửi về hàng tháng. Cuộc sống thật ấm êm khi cả sáu anh chị em đều rất chăm chỉ và học giỏi. Gia đình em sẽ không thể rơi vào nỗi đau buồn như ngày hôm nay, nếu như ngày đó cái giếng nước không được đào lên.
Kể về những người anh, người chị của mình đã ra đi vĩnh viễn, em lại khóc. Bi kịch bắt đầu khi người anh trai đầu của em sau khi tốt nghiệp 12 thi vào một trường Đại học và nhập trường. Nhưng hai tháng sau khi nhập trường gia đình đã nhận được tin báo là anh đang đau nặng phải nhập viện. Khi gia đình mang con về, đem ra Hà Nội chữa trị thì anh đã qua đời. Các bác sĩ nghi anh bị nhiễm chất độc dioxin.
Người ta nói cách cái giếng nhỏ ở nhà Giang (thôn Quyết Thắng, xã Thanh Thạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) hơn hai mét có một quả bom mang chất độc, chính chất độc ấy đã thấm vào nguồn thức ăn của 6 anh chị em.
Sau nỗi buồn chưa vơi của người anh trai gia đình em lại tiếp tục hứng chịu tin buồn, người chị thứ hai vừa tốt nghiệp lớp 12 cũng qua đời. Tiếp sau đó là cái chết của người anh trai thứ tư khi mất cũng vừa 18 tuổi.
Sau 3 cái tang liên tiếp, gia đình em gần như rơi vào tuyệt vọng. Tất cả những cái chết đều được các bác sỹ xác định là hư thận. Đến chị thứ ba cũng là bệnh nhân thường trú của khoa Thận bệnh viện Trung ương Huế đã 10 năm nay.
Cùng uống một nguồn nước nên cả sáu chị em đều bị nhiễm chất độc. Vì gia đình nghèo không có tiền thay thận, nên cứ vài ngày chị của em lại tới bệnh viện thay máu một lần. Hiện nay Hà Giang cũng đang được xác nhận là bị thận dạng nhẹ nên em phải sống với chế độ ăn uống kiêng.
Lưu Thị Hà Giang nuôi ước mơ vào đại học.
Giờ đây, sau những biến cố của gia đình nên cậu em út sau Hà Giang đã phải chuyển về quê ông bà nội sống với bố ở Bố Trạch. Bởi gia đình em đã bán mọi thứ kể cả ngôi nhà đang sống, khu vườn để lo chạy chữa cho con.
Bà Trần Thị Loan, người hàng xóm gần nhà Giang cho biết: “Gia đình em trước đây là gia đình hạnh phúc, con cái tuy đông nhưng bố mẹ em luôn làm ăn vất vả mong con chăm chỉ học hành sớm có một tương lai tốt đẹp. Nhưng không ai ngờ gia đình đó lại gặp những chuyện như vậy.
Không ai dám tin khi chứng kiến những cái chết liên tục như vậy trong gia đình. Vì vậy mà ở làng tôi lúc đó ai cũng nghĩ là gia đình bị ma ám, có người còn nói nên mời thầy về cúng không con ma sẽ bắt thêm nhiều người... Rất nhiều lời đồn quanh gia đình lúc đó. Chúng tôi thấy tiếc cho gia đình em lắm, gia đình con cái ai cũng chăm chỉ học hành, tự nhiên gặp phải chuyện như vậy đúng là nỗi đau chồng chất nỗi đau. Làm cha làm mẹ thấy con mình gặp phải tai ương như vậy xót lắm”.
Tương lai bất định của cô gái nhỏ
Khi kể cho chúng tôi nghe về chuyện gia đình, nước mắt em không ngừng rơi. Thoáng đó mà ước mơ của mấy chị em phút chốc đã không còn. Em nhớ lại hình ảnh của mấy anh chị em trước đây thường phấn đấu thi nhau học hành. Giờ mình em lẻ loi. Ước mơ của mẹ em, bố em cũng không còn như trước. Dù biết nỗi đau nào cũng có thể qua nhưng vì nỗi đau chồng chất nên khiến gia đình em đã rơi vào hoàn cảnh như ngày hôm nay.
Giang tâm sự, trước đây trong gia đình mẹ luôn mong chờ hình ảnh con mình sớm thành đạt giờ thấy mẹ phải ra vào bệnh viện mà em đau lòng. Em hằng ngày vẫn thường vào bệnh viện cùng mẹ lượm nhặt từ các thùng rác những thứ có thể bán ve chai. Nhưng năm nay vì cuộc sống ở đây quá khó khăn nên mẹ mới chuyển chị ra bệnh viện Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Vì ở đó gần nhà nên việc lên xuống nhà cũng đỡ vất vả hơn. Lúc trước ở quê em thường ra vào nuôi bệnh cùng mẹ, chính những cô chú ở khoa Thận biết em học tốt nên mới khuyên em thi vào trường Quốc học Huế để được gần mẹ.
Nghĩ lại mấy chị em trước đây cùng ngồi lại quanh chiếc bàn kể về tương lai của mình là em lại khóc. Được hỏi về mơ ước của mình, em buồn buồn cho biết: “Giá như em có thể trở thành người thực hiện được những ước mơ của những người anh người chị của em thì tốt biết mấy”. Em kể mình muốn làm một nữ chiến sỹ công an, nếu sức khỏe em cho phép. Không được thì em sẽ thi vào trường Luật, trở thành một luật sư.
Nhưng em luôn lo lắng sợ hãi, em tâm sự: “Giờ nếu em đi học đại học không biết mẹ em có còn sức lo cho em không? Em sợ mình không có tiền học phải nghỉ giữa chừng. Em không biết nên làm thế nào nữa”.
Nghe em tâm sự có lẽ không ai không đau lòng cho số phận của một gia đình không may mắn, gặp phải tai ương trên trời rớt xuống. Hoàn cảnh của gia đình em rất đáng thương. Hiện tại ước mơ của em cũng đã nằm trong tầm tay, vì em đã nằm trong diện tuyển thẳng vào đại học. Nghe em kể chuyện chúng tôi mong em sẽ luôn khỏe mạnh để có thể vươn đến ước mơ của mình. Chia tay em trong một buổi chiều chúng tôi thoáng đâu đó nỗi buồn của gia đình em, một gia đình kém may mắn, một hoàn cảnh đáng thương. Mong rằng qua bài viết này những ai có lòng hảo tâm có thể chia sẻ hoàn cảnh cùng em.
Nơi bom đạn cày xới nhiều nhất Ông Võ Văn Lập, phó thôn Quyết Thắng (xã Thanh Thạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Trước đây, khu vực thôn Quyết Thắng chính là nơi bom đạn cày xới nhiều nhất. Đời sống của người dân nơi đây luôn hứng chịu những nỗi đau, người mất chồng, người mất vợ, gia đình mất con... Hiện nay tỷ lệ ung thư cũng cao. Trường hợp của gia đình em là một trường hợp không may mắn, mất đi những người con của mình. Chúng tôi cũng đến chia sẻ cùng gia đình, giờ mong em sẽ cố gắng vượt qua hoàn cảnh để có một tương lai tốt đẹp”. |
Đinh Hiền