Ngày 17/10, PV Người Đưa Tin trực tiếp có mặt tại nhà ông Đàm Xuân Hòa, ngụ làng Klẵ (xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) để ghi nhận thông tin.
Theo quan sát của PV, hiện không còn cột nước phun bọt hàng chục mét như trước, thay vào đó, miệng giếng được chủ nhà bịt kín bằng ống sắt, kèm theo khóa van đóng mở.
Trao đổi với PV, ông Hòa cho biết: "Mặc dù gia đình đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng, nhưng để đảm bảo an toàn, cũng như phục vụ hoạt động sản xuất của gia đình nên tôi lấp giếng vĩnh viễn".
Theo ông Hoà, trước đó nhiều người tư vấn cho ông rằng, để một thời gian giếng tự khắc ngừng phun khí lạ sau đó có thể dùng để tưới tiêu như bình thường.
Thế nhưng, qua nhiều ngày không thấy hiện tượng phun bọt khí suy giảm. Bên cạnh đó, gia đình thu mua nông sản như tiêu, mì khô phơi ngoài sân, bọt nước theo gió tỏa khắp nơi khiến nông sản bị ẩm mốc.
Do đó, ông Hòa thuê thợ về trộn bê tông tươi đổ xuống nhưng không ăn thua. Hơi nước đẩy mạnh làm cho bê tông sôi sùng sục.
Sau đó, ông quyết định thả 10 ống bê tông, mỗi ống dài 4m đã đúc sẵn xuống, tiếp tục dùng thêm 2 cọc gỗ dài 8m vót nhọn một đầu ghim chặt xuống. Sau đó, dùng ống sắt có khóa van hàn chặt miệng giếng.
Theo ông Hòa, sau vài ngày mở ra, ông không thấy còn hiện trượng phun bọt khí nữa.
Trước đó, dư luận xôn xao về sự việc kỳ lạ, giếng khoan của hộ gia đình ông Đàm Xuân Hòa (ngụ làng Klẵ, xã Ia Kly) bất ngờ phun nước khỏi mặt đất, cao hơn 10 mét với áp lực hơi nước rất mạnh. Sự việc xảy ra lúc 12h ngày 30/7, đến thời điểm giữa tháng 8, nước vẫn chưa ngừng phun.
Kiểm tra thực tế, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xác định lượng nước và hỗn hợp khí phun cao khỏi miệng lỗ khoan có lưu lượng khoảng 0,2 - 0,3 lít/s. Qua phân tích mẫu nước cho thấy, nước có chất lượng khá tốt, hầu hết các thông số phân tích nằm trong giá trị giới hạn theo tiêu chuẩn.
Khí tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan đã chạm đến chiều sâu phân bố của một túi khí. Nguồn gốc, đặc điểm khí chưa xác định chính xác, cần được nghiên cứu chi tiết bằng các nghiên cứu chuyên sâu.
Nước trong hỗn hợp khí và nước có thể là đồng hành trong mỏ hoặc nước trong lỗ khoan ở phần trên của mỏ khí.
Kết quả phân tích nhận định, có thể nước trong lỗ khoan có nguồn gốc cung cấp từ nước mưa.
Thông qua quá trình cung cấp, nước ngấm trực tiếp từ trên mặt đất, qua các tầng đất đá thấm nước, ít có khả năng là nước chôn vùi trong các mỏ ở các cấu trúc nằm sâu bên dưới lòng đất hoặc các nguồn gốc nội sinh khác.
Ngày 18/10, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Rơ Mah Hênh, Chủ tịch UBND xã Ia Kly cho biết, trước sự việc giếng khoan phun khí liên tục không ngừng, xã đã tham mưu một số đơn vị tư vấn để đưa ra giải pháp khắc phục. Sau khi được các đơn vị tư vấn, hộ gia đình ông Hoà đã tích cực hưởng ứng, dùng các trụ bê tông đúc sẵn thả xuống giếng khoan. Bên cạnh đó, ông Hòa tiến hành bịt kín miệng giếng lại, sau vài ngày mở van không còn hiện tượng gì nữa. Đến nay, về cơ bản cuộc sống của gia đình ông Hòa đã ổn định, giếng khoan phun khí đã không còn phun nữa.