Tháng 4, tiết trời nắng gắt, oi bức. Từ tờ mờ sáng, người dân khắp nơi đi xe máy, xe đạp chở theo lỉnh kỉnh can, bình, gàu nhựa đến giếng Só La ở thôn Đông, xã An Vĩnh, chen nhau lấy nước ngọt về sinh hoạt. Tiếng trò chuyện, cười đùa của người đi lấy nước xen với sóng biển rì rào buổi ban mai làm xao động một góc trời.
Người dân ở huyện đảo Lý Sơn chen chúc múc nước ở giếng "Vua" (còn gọi là giếng nước Xó La). Ảnh: Trí Tín. |
Đảo Lý Sơn bốn bề là biển cả nên việc tìm mạch nước ngọt, đào giếng gặp nhiều khó khăn. Bà Phạm Thị Ý ở xã An Vĩnh nói, nhiều gia đình đã đào, khoan hàng chục cái giếng nhưng đành phải bỏ vì toàn gặp nước nhiễm mặn. Do vậy giếng nước Xó La từ lâu trở thành nơi cung cấp nguồn nước ngọt quý giá cho toàn huyện đảo, nhất là mùa khô hạn.
Thoăn thoắt thả dây gàu xuống giếng Xó La múc nước đổ vào chiếc phễu gắn với can nhựa 30 lít, ông Phạm Vàng ở thôn Đông, xã An Vĩnh kể, giếng này nước ngọt thanh trong khó nơi nào sánh bằng. Người dân quanh đảo chỉ dùng để nấu ăn, pha trà hay nấu chè. Còn tắm giặt thì phải ra biển sau đó dùng tạm các giếng nước lợ (nhiễm mặn) gần nhà.
Nhiều gia đình trên đảo mưu sinh bằng nghề chở nước thuê, như vợ chồng ông Dương Văn Kiên ở xã An Vĩnh gắn bó với chiếc xe đạp thồ cũ kỹ để làm nghề phu nước hơn chục năm. Mùa khô hạn, vợ chồng ông phải thức dậy từ 3h đến giếng lấy nước đổ đầy các can nhựa rồi đợi đến sáng chở đi bán. Còn mùa mưa thì công việc thồ nước của ông Kiên bắt đầu từ lúc 7h.
"Lúc trước còn khỏe mỗi ngày vợ chồng tôi chở khoảng 20 can nước (khoảng 600 lít) từ giếng Xó La đến các hộ gia đình, mỗi can được 6.000 đồng. Giờ tuổi cao sức yếu, mỗi ngày giỏi lắm chỉ thồ được khoảng 10 can, cũng tạm đủ cho vợ chồng già sinh sống", ông Kiên thổ lộ.
Vợ chồng ông Dương Văn Kiên thồ nước ngọt từ giếng Xó La đến bán tận nhà dân ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín. |
Vợ chồng ông Mai Văn Thu ở cùng thôn cũng hành nghề phu nước hơn 8 năm qua. Giã từ nghề biển ở tuổi 30 vì bệnh tật, chân tay của ông Thu bắt đầu co rút dần, gia đình lâm vào khốn khó nên ông bàn với vợ đi chở nước thuê cho người dân trên đảo. Trung bình mỗi ngày họ đi bộ thồ 3 chuyến được 15 can nhựa (tương đương 450 lít nước), vượt chặng đường dài tổng cộng khoảng 30 km đưa nước ngọt bán ở khắp ngõ ngách trên đảo.
Người dân Lý Sơn quý trọng giếng nước Xó La như là cứu tinh giúp họ vượt qua mỗi mùa khô hạn. Xung quanh nguồn gốc giếng có nhiều giả thuyết. Theo nhiều lão nông, tương truyền sau khi lên ngôi, vua Gia Long đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé Cù Lao Ré (nay là đảo Lý Sơn). Thời điểm này, nhân dân trên đảo đang lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng giữa mùa khô hạn. Thương cho dân tình gặp "đại hạn", vua Gia Long cho lập đàn tế trời cầu mưa. Hôm sau vua sai quân đào giếng xuống hơn một mét đã thấy mạch nước phun trào. Nhớ ơn vua, nhân dân đã đặt tên là “giếng Gia Long” hay giếng "Vua ban".
Còn TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi lý giải, có thể chính vì điều kỳ diệu giếng nước sát mép biển nhưng cho nước ngọt quanh năm mà nhân dân Lý Sơn đã sùng tín gọi là giếng nước vua ban. Còn theo cứ liệu lịch sử, giếng nước này do người Chăm cổ xưa giỏi phong thủy tìm ra mạch nước ngọt sát mép biển, đào từ trước thế kỷ XV nhằm cung cấp cho các thương thuyền buôn bán, đi lại qua "con đường tơ lụa" trên biển. Thuở xưa giếng nước này được người Chăm cổ sắp xếp bằng loại đá khá đặc biệt, lấy từ các miệng núi lửa trên đảo Lý Sơn.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn nhấn mạnh, giếng nước Xó La là giếng nước độc đáo, dù ở sát biển nhưng cho nước ngọt nhất so với tất cả giếng ở địa phương. Giếng nước này có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cả huyện đảo.
Theo ông Linh, từ lâu, huyện xác định đây là di tích lịch sử, văn hóa vì nó gắn với truyền thuyết giếng nước "Vua Gia Long", quá trình sinh sống của người Chăm cổ trên huyện đảo thuở xưa. Do vậy, hàng năm huyện giao cho xã An Vĩnh luôn tôn tạo, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm nhằm gìn giữ giếng nước ngọt Xó La để sử dụng lâu dài.
Theo Trí Tín (Vnexpress)