“GIEO CHỮ” CHO NHỮNG MẦM XANH TRONG ĐẠI NGÀN: Tận tâm dạy chữ, ân cần trong sinh hoạt dạy kỹ năng sống

“GIEO CHỮ” CHO NHỮNG MẦM XANH TRONG ĐẠI NGÀN: Tận tâm dạy chữ, ân cần trong sinh hoạt dạy kỹ năng sống

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 2, 05/09/2022 07:00

Ngoài việc dạy học sinh kiến thức, các thầy cô còn dành thời gian chỉ cho các em những kiến thức về vệ sinh cá nhân và kỹ năng sống.

Sinh ra và lớn lên trong rừng sâu nên rất ít các em nhỏ người dân tộc Đan Lai được học hành. Sau khi các em đến khu tái định cư, thầy cô đã nỗ lực giúp đỡ các em tiếp thu kiến thức và cả rèn luyện kỹ năng sống.

Bám bản, bám học trò

Cô giáo Vi Thị Duyên, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Thạch Ngàn 2 là một trong những giáo viên đã gắn bó với học sinh dân tộc Đan Lai từ ngay thời điểm các em về nơi đây.

“Thời gian đầu, các em chậm hơn so với mặt bằng chung của trường trong tiếp nhận kiến thức và kỹ năng. Điều này có thể lý giải được, bởi trước đó các em sống trong núi rừng, địa hình cách biệt và ít khi tiếp xúc với môi trường xã hội bên ngoài. Về tâm lý các em cũng nhút nhát, thiếu chủ động. Nhưng chỉ trong 2 học kỳ, các học sinh có sự tiến bộ vượt bậc”, cô Duyên kể.

Giáo dục -  “GIEO CHỮ” CHO NHỮNG MẦM XANH TRONG ĐẠI NGÀN: Tận tâm dạy chữ, ân cần trong sinh hoạt dạy kỹ năng sống

Thầy cô vận động học sinh và phụ huynh đến lớp.

Có được điều này, công sức rất lớn nhờ các thầy cô tận tâm bám bản, bám học trò, tạo ra từng chuyển biến nhỏ. Dạy cho học sinh khác các cô chăm chút, thì đối với các em học sinh dân tộc Đan Lai phải tận tâm gấp đôi, uốn nắn từng chữ một. May mắn, mặc dù trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu bài giảng khá chậm nhưng các em học sinh lại rất ham học, chăm đến lớp.

“Các em cũng hiểu mình không bằng được các bạn khác nên rất nỗ lực. Chính điều đó cũng khiến cho giáo viên như chúng tôi rất tự hào. Bởi các em cố gắng thì vất vả như thế nào chúng tôi cũng chịu được, cô trò cứ miệt mài với con chữ, việc các em học tốt lên chỉ là thời gian thôi”, cô Duyên cho biết.

Một trong những học sinh thay đổi nhất là em La Thị Duyên. Cách đây 2 năm, Duyên là 1 trong 7 học sinh Đan Lai đầu tiên từ bản Búng, xã Môn Sơn theo bố mẹ chuyển ra Kẻ Tắt – Pá Hạ. Cô bé rụt rè, nhút nhát và nhớ bạn cũ nên ban đầu nhập học còn bỡ ngỡ, tiếp thu chậm.

Hiểu được điều nay, các thầy luôn động viên Duyên và các bạn, thường xuyên phụ đạo lại kiến thức. Từng bước như vậy, dần dần, cô bé người Đan Lai không chỉ bắt nhịp được tiến độ chung của các bạn trong trường, mà còn tiến bộ vượt bậc. Năm học trước, La Thị Duyên là học sinh có học lực tốt của cả lớp.

Giáo dục -  “GIEO CHỮ” CHO NHỮNG MẦM XANH TRONG ĐẠI NGÀN: Tận tâm dạy chữ, ân cần trong sinh hoạt dạy kỹ năng sống (Hình 2).

Ngoài dạy kiến thức, các thầy cô còn dạy các em vệ sinh cá nhân.

Ngoài ra, do sống hoang dã đã quen nên ý thức vệ sinh cá nhân của các em cũng chưa được tốt. Thêm vào đó, bản thân trẻ vốn hiếu động, thích vui chơi tập thể ngoài trời, hay nghịch đất, cát, tiếp xúc với nhiều vật dụng chưa được vệ sinh sạch sẽ. Những yếu tố đó khiến các em dễ mắc  bệnh do nhiễm khuẩn hoặc bị ảnh hưởng bởi thời tiết, môi trường xung quanh.

Vì vậy, sau giờ học, các thầy cô lại thay nhau hướng dẫn các em những kỹ năng cơ bản như rửa tay sau khi đi vệ sinh, tắm gội hàng ngày… “Các em rất ngoan, cũng rất nghe lời nên việc dạy không khó khăn. Chỉ có điều do các em đã quen với lối sống núi rừng nên không có ý thức giữ vệ sinh. Chúng tôi giáo dục trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh chính là biện pháp để bảo vệ cơ thể, nâng cao sức đề kháng, tạo hệ miễn dịch trước những nguy cơ dịch bệnh xâm nhập”, cô Duyên nói.

Vượt qua khó khăn để dạy chữ

Cô giáo Nguyễn Thị Yến là một trong những giáo viên trẻ nhất tại điểm trường Pá Hạ, tiểu học Thạch Ngàn 2 khi bắt đầu dạy học cách đây 2 năm. Tuy nhiên, đây cũng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khiến cho việc học bị gián đoạn. Thời điểm đó, các giáo viên chỉ có thể giao bài cho các em rồi tuần sau vào kiểm tra.

“Ở đây, cuộc sống còn khó khăn nên không thể tổ chức học trực tuyến như các điểm trường khác. Vì vậy, không còn cách nào, chúng tôi đành phải soạn giáo án một tuần, cho các em tự học ở nhà rồi sau đó vào kiểm tra. Sau mỗi đợt giãn cách thì lại tổ chức dạy thêm để giúp các em theo kịp tiến độ”, cô Yến cho hay.

Giáo dục -  “GIEO CHỮ” CHO NHỮNG MẦM XANH TRONG ĐẠI NGÀN: Tận tâm dạy chữ, ân cần trong sinh hoạt dạy kỹ năng sống (Hình 3).

Các thầy cô chia nhau đến từng nhà để kiểm tra bài vở học sinh. Ảnh GVCC.

Do các cháu học sinh là người dân tộc Đan Lai, công tác giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho gặp nhiều vất vả khi bất đồng ngôn ngữ. Vì vậy, những giáo viên “cắm bản” như cô Yến phải gần gũi với bà con đồng bào dân tộc để tự học, trang bị cho mình biết sử dụng được một “ngoại ngữ” mới. Có như thế, việc vận động, tuyên truyền con em ra trường, đến lớp trong những dịp khai giảng đầu năm học sẽ thuận lợi hơn.

Ngoài ra, công tác mới 2 năm nhưng những khó khăn, vất vả ở địa bàn này, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Yến cũng đã “nếm đủ”. Đặc biệt, thời tiết, khí hậu tại khu vực vùng núi cao, thung lũng này rất khắc nghiệt, nắng thì nóng đến khô rát nhưng lạnh thì đến mức tê cóng, nhức buốt chân tay.

Nhà cô Yến ở thị trấn Con Cuông, tức là cách điểm trường Pá Hạ tận hơn 40km. Con đường từ nhà đến trường rất khó đi, phần lớn đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên cô phải mất gần 2 giờ để di chuyển. Buổi sáng, cô Yến phải dậy từ 5h sáng, buổi chiều sau khi kết thúc buổi dạy thì cũng phải 19h cô mới về đến nhà. Xa như vậy nhưng do cơ sở vật chất ở điểm trường còn hạn chế, phòng nghỉ của giáo viên nhỏ hẹp nên cô Yến vẫn phải đi về mỗi ngày.

“Sợ nhất là mùa mưa bão, vì trên đường về có nhiều điểm cầu tràn nên thường xuyên bị ngập. Có thời điểm tôi và đồng nghiệp phải ở trong này một tuần không về được. May mà thức ăn còn nhờ được dân bản nếu không cũng chịu thua”, cô Yến cười.

Giáo dục -  “GIEO CHỮ” CHO NHỮNG MẦM XANH TRONG ĐẠI NGÀN: Tận tâm dạy chữ, ân cần trong sinh hoạt dạy kỹ năng sống (Hình 4).

Các em lần đầu được học tập trên máy tính nên vô cùng thích thú.

Niềm vui mà cô giáo trẻ luôn trân quý, coi như động lực để phấn đấu trong nghề là từng ngày nhìn thấy các em học sinh của mình khôn lớn, bản thân cô luôn được phụ huynh quý mến.

Với cô, vào những dịp hè khi xa điểm trường, xa bản, thời gian như đằng đẵng vì nỗi nhớ trò, nhớ bản, nhớ bà con. Đó cũng là lý do vì sao, trong những dịp hè, cô lại tự mình đi xe máy vượt hành trình đường đèo dốc, đồi núi để thăm hỏi gia đình học sinh. “Người dân vô cùng hiền lành, các học sinh ham học. Tôi rất may mắn khi mới ra trường đã được đến đây giảng dạy. Cũng vì thế tôi cảm thấy yêu quý nghề giáo viên hơn bao giờ hết”, cô Yến nói.

Ông Võ Đình Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông cho biết, thời gian gần đây người Đan Lai tái định cư tại bản Thạch Sơn và bản Kẻ Tắt – Pá Hạ có nhiều thay đổi, chuyển biến. Trong đó, các giáo viên tại điểm trường mầm non, tiểu học, THCS đã có nhiều đóng góp, cống hiến để phát triển chất lượng dạy học, nâng cao nhận thức, trình độ dân trí cho bà con.

(còn nữa)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.