“GIEO CHỮ” CHO NHỮNG MẦM XANH TRONG ĐẠI NGÀN
Sinh ra và lớn lên trong rừng sâu nên rất ít các em nhỏ người dân tộc Đan Lai được học hành. Sau khi các em đến khu tái định cư, các thầy cô đã nỗ lực giúp đỡ các em tiếp thu kiến thức và cả rèn luyện kỹ năng sống.
Muốn con học tốt, bố mẹ phải biết chữ
Sau khi những người Đan Lai rời vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát về khu tái định cư, qua khảo sát của UBND xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, phần lớn bà con đều không biết chữ. Có người được học qua nhưng cho đến thời điểm hiện nay đã quên hết mặt chữ. Trước tình trạng trên, các giáo viên trường tiểu học Thạch Ngàn 2 đã cùng với hội phụ nữ xã quyết định mở lớp xóa mù chữ cho mọi người.
Cô giáo Đặng Thị Nhàn, Hiệu phó trường tiểu học Thạch Ngàn 2 cho biết, lớp học đầu tiên được mở năm 2020 tại bản Kẻ Tắt – Pá Hạ. Mục tiêu đề ra là sau khi kết thúc lớp học 100% phụ huynh tham gia đều biết đọc, biết viết và biết tính toán. Nhưng hành trình vận động phụ huynh đến trường không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn hơn cả vận động học sinh đến lớp.
“Những năm đó, để vận động người dân đến với lớp xóa mù chữ, tôi và đồng nghiệp phải đến tận nhà vận động, phân tích, giảng giải cho họ hiểu, giúp họ không mặc cảm, tự ti khi lớn tuổi rồi mới đi học. Đối với những người ngại, trốn không muốn gặp, chúng tôi phải nhờ đến cán bộ phụ nữ, già làng, trưởng bản đi vận động cùng”, cô Nhàn cho hay.
Thầy giáo trẻ Lê Văn Cường (SN 1997, quê huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ an), mới về trường tiểu học Thạch Ngàn 2 được khoảng 3 năm đã xung phong phụ trách lớp học xóa mù cho bà con Đan Lai.
Mỗi ngày hai buổi sáng chiều, thầy Cường dạy học chính khóa lẫn tăng tiết cho học sinh. Buổi tối, tại gian ký túc xá, thầy còn nhận phụ đạo cho học sinh yếu hoặc bồi dưỡng thêm cho những em khá. Gắn bó với những đứa trẻ Đan Lai, nên khi biết nhà trường mở lớp thầy cũng tình nguyện dạy xóa mù cho phụ huynh của học trò mình.
“Tôi cũng sinh ra lớn lên ở vùng cao, nên thấu hiểu được khó khăn, thua thiệt của học sinh dân tộc thiểu số cũng như vất vả của người dân. Với phụ huynh Đan Lai, do trước kia không được đi học đầy đủ nên giờ còn nhiều người chưa biết chữ hoặc tái mù. Bản thân mình có kiến thức, nghiệp vụ và thời gian thì cố gắng dạy chữ cho bà con”, thầy Cường chia sẻ.
Tổ chức hát karaoke để… luyện đọc
Vận động phụ huynh đến trường chỉ mới thành công bước đầu, dạy chữ cho các bác U50, U60 mới là điều khó khăn. Lớp học được tổ chức vào buổi tối, sau khi bà con đi làm hoặc lên nương rẫy về. Theo các thầy cô, việc dạy cho người lớn còn công phu hơn học sinh, bởi khả năng tiếp thu chậm, tay cứng, dễ nản...
Thầy Nguyễn Duy Linh, Hiệu trưởng trường tiểu học Thạch Ngàn 2 cho biết: “Chúng tôi ưu tiên những thầy cô là người đồng bào dân tộc vì họ biết ngôn ngữ, am hiểu văn hóa, tập quán của bà con để quá trình vận động cũng thuận lợi hơn. Đồng thời, các thầy cô phải là người biết cảm thông, chia sẻ và đồng hành cùng học viên. Ngoài những giờ học, có thể chia sẻ các kỹ năng về nuôi dạy con, vướng mắc cuộc sống”.
Để duy trì sĩ số mỗi tiết học, giáo viên thường mua quà như vở, bút, bánh kẹo... cho học viên. Biến bài học chữ, phép tính thành những đoạn thơ hoặc bài hát. Thậm chí tổ chức hát karaoke để luyện... đọc chữ cho học viên. Ngoài ra, Ban giám hiệu còn kêu gọi cá nhân, tập thể trên địa bàn thường đến động viên, tặng chăn màn,… để giúp những phụ huynh này đến lớp.
Sau khóa đầu tiên thành công, năm nay, lớp học lại tiếp tục được mở cho người dân ở bản Thạch Sơn – nơi có những hộ gia đình người Đan Lai đầu tiên đến tái định cư từ 15 năm trước.
Chị La Thị Thoa, bản Thạch Sơn nói: “Ngày xưa vất vả nên không được học chữ. Sau này được bộ đội biên phòng và các thầy cô dạy cho một vài buổi nên cũng biết viết tên mình. Nhưng sau khi chuyển đến đây thì chữ cũng quên hết. Giờ được đi học lại mừng lắm, viết được tên của mình, tên của các con”.
Theo thầy Hiệu trưởng trường tiểu học Thạch Ngàn 2, việc dạy xóa mù, trước hết để giúp bà con Đan Lai biết đọc, biết viết và các con số cơ bản, giúp ích cho chính cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, khi phụ huynh biết chữ, cảm nhận được sự quan tâm của thầy cô, có thêm hiểu biết sẽ quan tâm hơn đến việc học của con cái. Đó cũng là cách để tăng mối quan hệ gắn bó, tương tác giữa nhà trường, học sinh, phụ huynh.
“Điều đáng mừng là khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, bà con Đan Lai ở Thạch Sơn, trong đó chủ yếu là phụ nữ đã chủ động đề xuất nhà trường mở thêm lớp ở bản này. Chứng tỏ những điều mà chúng tôi thực hiện, tận tâm với trò, phụ huynh đã được đón nhận và tạo sự thay đổi trong nhận thức của bà con dân bản. Hiện nay chúng tôi đã mở được 3 lớp và dự kiến sẽ tiếp tục”, thầy Linh phấn khởi nói.