Trước và sau khi trở thành hoàng đế của Đại Cồ Việt, ông không chỉ có những đóng góp lớn trong việc chống lại quân Tống xâm lược đến từ phương Bắc, quân Chiêm Thành đến từ phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và phát triển đất nước. Tài năng và đức độ của ông khiến các sứ thần Trung Quốc đồng loạt tôn sùng, các từ trưởng sơn động một lòng thán phục. Nhờ đó, đất nước dưới thời Lê Đại Hành ngày một phồn vinh, thịnh vượng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được ấm no, an lạc.
Lê Đại Hành có 5 hoàng hậu gồm Đại Thắng Minh hoàng hậu Dương Vân Nga, Phụng Càn Chí Ly hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo hoàng hậu, Trịnh Quắc hoàng hậu và Phạm hoàng hậu. Ngoài ra ông còn có một người vợ khác là Chi Hậu Diệu Nữ, bà này sinh được hai người con trai là Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh.
Ông có 11 người con trai và 1 người con nuôi đều được phong vương trong đó có hai anh em ruột Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh. Năm 989, hoàng tử Lê Long Việt được phong làm Nam phong vương. Còn Lê Long Đĩnh (986 - 1009) là hoàng tử thứ 5 được vua cha phong làm Khai Minh Vương cử đi trấn giữ châu Đằng (nay là huyện Kim Động, Hưng Yên) vào năm 992. Con trưởng của Lê Đại Hành là Lê Long Thâu được phong làm thái tử nhưng vị này đã sớm qua đời năm 1000.
Lê Long Đĩnh lên ngôi sau khi thuê người ám sát Lê Trung Tông - Ảnh minh họa.
Năm Ất Tị (1005) vua Lê Đại Hành mất để lại di chiếu nhường ngôi cho con trai thứ 3 là Lê Long Việt nhưng Lê Long Việt chưa kịp đăng quang thì người anh thứ 2 là Đông Thành Vương Lê Long Tích và người em thứ 6 là Trung Quốc Vương Lê Long Kính đem quân đến đánh nhằm chiếm đoạt ngôi báu.
Trong khi đất nước không thể một ngày không có vua thì các hoàng tử nhà Tiền Lê hung hăng lao vào cuộc tương tàn kéo dài suốt 8 tháng trời khiến đất nước lâm vào cảnh hỗn loạn. Càng về sau, phần thắng càng nghiêng về Lê Long Việt và Lê Long Tích, người anh thứ 2 và cũng là người trội nhất trong số các hoàng tử. Cuối cùng, Trung Quốc Vương thua chạy, trốn về trại Phù Lan (nay thuộc Mỹ Hào, Hưng Yên) còn Đông Thành Vương chạy vào đất Cử Long (nay thuộc Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá), đến cửa biển Kỳ La (nay thuộc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thì bị giết. Trong cuộc nổi loạn này Lê Long Đĩnh cũng tham gia nhưng Lê Long Việt nể tình anh em ruột thịt nên tha cho. Sau khi bình ổn được nội loạn, Lê Long Việt chính thức lên ngôi.
Nhưng làm vua chưa được 3 ngày, vua Lê Trung Tông đã bị chính người em ruột của mình là Lê Long Đĩnh thuê sát thủ vào cung ám sát. Trước đó, khi cố tình làm loạn để tranh giành ngôi báu với anh mình, Lê Long Đĩnh đã được Lê Trung Tông vì nể tình ruột thịt mà tha chết. Tưởng em trai vì thế mà biết ăn năn, hối cải, chung sức giúp mình trị vì thiên hạ, Lê Trung Tông đâu ngờ có ngày lại bị chính người em trai mà mình thương tình tha chết ra tay sát hại.
Sau khi sát hại em ruột của mình là vua Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh nghiễm nhiên trở thành người kế vị. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Lê Long Đĩnh được coi là hoàng đế tàn bạo, hoang dâm nhất. Mỗi khi nhắc đến ông, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh một hôn quân, bạo chúa bị gọi bằng cái tên Lê Ngọa Triều. Học giả Trần Trọng Kim đã đúc kết toàn bộ sự nghiệp của ông vua cuối cùng nhà tiền Lê là Lê Long Đĩnh bằng một đoạn sau đây trong Việt Nam sử lược: "Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa.
Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; Có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ; Có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông. Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi hài hay là nhại tiếng làm trò. Long Đĩnh làm vua được 2 năm thì đổi niên hiệu là Cảnh Thụy (1008 - 1009). Sang năm sau là năm Kỷ Dậu (1009) thì mất, làm vua được 4 năm, thọ 24 tuổi. Vì lúc sống Long Đĩnh dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều cho nên tục gọi là Ngọa Triều".
Hình ảnh ông vua bạo ngược Lê Long Đĩnh trong phim "Về đất Thăng Long" - Ảnh minh họa.
Luật nay: Lê Long Đĩnh đã phạm vào tội giết người
Ông bà ta vốn có câu "Khôn ngoan đá đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" nhưng thực tế lịch sử cho thấy không ít triều đại phong kiến đã xảy ra việc chỉ vì tranh giành quyền lực mà anh em, con cháu lao vào cuộc tương tàn, sát hại lẫn nhau. Nhưng hiếm thấy trường hợp nào như Lê Long Đĩnh, đã được anh trai thương tình tha mạng, không những không biết ăn năn hối cải mà còn mượn người ám sát chính anh ruột của mình để đoạt lấy ngai vàng. Việc làm bất nghĩa của Lê Long Đĩnh đã được ghi lại trong lịch sử và ngàn đời sau vẫn còn bị người đời lên án mỗi khi nhắc đến cái tên Lê Ngọa Triều.
Theo quy định tại điều 93 (Bộ luật Hình sự Việt Nam), Lê Long Đĩnh đã phạm vào tội giết người. Mục M, khoản 1 của điều luật này quy định "người nào giết người thuộc trường hợp thuê giết người hoặc giết người thuê thì bị phạt tù từ hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình".
Xét trường hợp của Lê Long Đĩnh, hành động giết người vốn đã là một trong những tội ác nghiêm trọng nhất trước pháp luật. Tội ác đó càng nghiêm trọng hơn khi nạn nhân không những là vua của một nước mà còn là anh em ruột thịt của hung thủ, người trước đó không lâu đã vì tình thân mà tha chết cho y những mong y có thể cùng mình sớm hôm lo toan việc nước. Chỉ vì tranh quyền đoạt lợi, mưu cầu mục đích xấu xa, Lê Long Đĩnh đã ra tay sát hại chính anh ruột của mình. Việc làm bất trung, bất nghĩa đó đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến tình hình trong nước vốn đã rối ren lại càng thêm hỗn loạn. Do đó, tội ác của Lê Long Đĩnh là không thể dung thứ và phải chịu mức án cao nhất của cung hình phạt là tử hình.
Lê Long Đĩnh là một ông vua bị "đóng đinh" trong lịch sử với hàng loạt những việc làm xấu xa, đồi bại trong đó có việc giết anh ruột để đoạt ngai vàng. Nhưng trong một số tài liệu sử học khác lại cho rằng Lê Long Đĩnh là một ông vua có nhiều công trạng trong việc chỉnh đốn triều chính, phát triển kinh tế và cầm quân đánh giặc. Về việc thuê người ám sát anh ruột của mình là vua Lê Trung Tông, nhiều ý kiến cho rằng không đủ bằng chứng để luận tội. Trong "Đại Việt sử ký toàn thư" (Ngô Sĩ Liên) cũng chỉ rõ việc này khi viết "Sách dã sử chép rằng: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông".
Theo quy định tại điều 63 (Bộ luật Tố tụng Hình sự) về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải chứng minh: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội...
Điều 64 (Bộ luật Tố tụng Hình sự) quy định: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Trong khi đó, việc Lê Long Đĩnh thuê người lẻn vào cung ám sát anh trai chỉ là một sự kiện được ghi lại một cách chung chung trong dã sử và được các sử gia ghi chép lại. Trong các tài liệu sử học đó, việc nhà vua bị ám sát chưa được đề cập một cách chi tiết, thiếu tính chất thuyết phục cho nên nếu theo luật pháp ngày nay, Lê Long Đĩnh chưa thể bị kết tội giết người khi chưa có đủ bằng chứng chứng minh tội ác của ông vua được cho là bạo ngược vào loại bậc nhất trong lịch sử Việt Nam này.
Dương Dung