Vụ việc nữ sinh học luật Lê Thị Thúy Hằng (Quảng Ngãi) bị người yêu cũ chém chết tức tưởi ngay khi vừa bước ra khỏi công an phường 22, quận Bình Thạnh được vài trăm mét hay mới đây nhất là một cô gái ở Đã Nằng bị tưới xăng “đốt sống” ngay tại cửa một phòng trà… tất cả đều có liên quan đến việc nạn nhân khước từ, từ chối tình cảm nên đã bị ra tay sát hại dã man.
Phạm tội vì động cơ đê hèn là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của công dân, do người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý do sự thúc đẩy bởi những động lực mang tính chất xấu xa, ti tiện, thể hiện tính bội bạc, hèn nhát, phản trắc cao và không có tính người.
Hiện trường vụ đốt cô gái ở Đà Nẵng
Phạm tội vì động cơ đê hèn là một trong những tình tiết tăng nặng được ghi nhận tại điểm đ, khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Thế nhưng thế nào là phạm tội vì động cơ đê hèn, hành vi giết người vì bị khước từ tình cảm, vì không được yêu, không được đền đáp lại có thể được coi là phạm tội vì động cơ đê hèn?
Xét trên góc độ tính xấu xa, phản trắc cao và không có tình người thì việc nhẫn tâm giết chết ngay cả người khác mà họ coi là rất yêu, rất thương, thậm chí hành vi giết người ấy diễn ra một cách man rợn như thiêu sống, chém đến chết…thỏa mãn yếu tố của hành vi phạm tội vì động cơ đê hèn.
Động cơ đê hèn ở đây thể hiện ở chỗ hành vi ấy là để trả thù vì bị khước từ tình cảm, vì không được yêu, trả thù như thế là hèn nhát, là phản trắc.
Hiện nay, yêu cầu áp dụng tình tiết "phạm tội vì động cơ đê hèn" trong những trường hợp nào cần phải được các cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể trong một văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất Bộ luật hình sự để từ đó làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng trên thực tế.
Thiết nghĩ, đối với hành vi phạm tội như trên có thể áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt, nhằm răn đe tội phạm. Bởi lẽ nếu chỉ vì những lý do bị khước từ tình cảm mà một người sẵn sàng tước đi sinh mạng của người khác thì thật không thể chấp nhận được. Hành vì đó, ngoài việc cần được dư luận cực lực lên án, cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn.
Điều 48. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (BLHS sửa đổi năm 2009)1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: a) Phạm tội có tổ chức; b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; d) Phạm tội có tính chất côn đồ; đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn; e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; g) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm; h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; i) Xâm phạm tài sản của Nhà nước; k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; m) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; n) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội; o) Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm. 2. Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. |
Giang Quyết