Giết trâu để vu họa cho... chủ trâu

Giết trâu để vu họa cho... chủ trâu

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Vào thời Nguyễn Mạc, để đảm bảo sản xuất, triều đình đã ra lệnh các nơi không được tùy ý giết trâu. Bởi thế, đôi khi người ta hại nhau bằng cách ngầm giết trâu của nhau, rồi lại đi trình báo với quan. Chiếu theo Luật nay thì kẻ giết trâu sẽ bị quy vào Tội hủy hoại tài sản.

Nguyễn Mại là người xã Ninh Xá, huyện Chí Linh, nay là thôn Ninh Quang, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sinh năm 1655, năm 37 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (tức Hoàng giáp) khoa Tân Mùi niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691) đời Lê Hy Tông.

Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Mại gắn bó nhiều năm với mảnh đất xứ Đoài (tức Sơn Tây). Ông được giới quan trường đương thời ca ngợi là vị quan thanh liêm, chính trực, xét xử các việc công minh.

Còn trong dân gian xứ Đoài thì truyền tụng ông là Bao Công của đất Việt, bởi sự sâu sát, gần gũi với dân và tài xét đoán các việc như thần. Dưới đây là một vụ án cho thấy sự anh minh của vị quan này.

Vào thời ấy, để đảm bảo sản xuất, triều đình đã ra lệnh các nơi không được tùy ý giết trâu. Nếu ai có trâu què hay gầy yếu không cày bừa được thì phải trình báo lên huyện, rồi khi giết thịt xong, lại phải mang đầu trâu lên trình lần nữa, để làm bằng chứng.

Tuy thế, trong dân gian thường hay xảy ra những chuyện xích mích, và đôi khi người ta hại nhau bằng cách ngầm giết trâu của nhau, rồi lại đi trình báo với quan.

Cho nên, trong trường hợp ấy, nếu quan xét xử chiếu lệ thì dễ gây ra chuyện tình ngay lý gian người bị hại bị xử oan, còn kẻ gây hại lại nhởn nhơ ở ngoài vòng pháp luật.

Pháp luật - Giết trâu để vu họa cho... chủ trâu

Một hôm, quan Đốc trấn đang làm việc trên công đường thì có một lão nông từ huyện Tam Đái đến, trình báo về việc nhà ông ta có con trâu bị kẻ gian cắt đứt lưỡi mà chết.

Nguyễn Mại sau khi lắng nghe, lại hỏi han thêm các việc có liên quan, nhận thấy đây là người làm ăn chất phác, cơ nghiệp trông cậy vào mỗi con trâu và dăm sào ruộng, nên không thể có chuyện tùy tiện giết trâu được.

Nghĩ đoạn, ông bảo người này ra về cứ mổ trâu ăn thịt và đem bán, chứ không phải trình báo lại cho quan huyện biết nữa. Sau đó, ông cũng không cho thuộc hạ đi điều tra thêm về việc này. Chủ định của ông là để đánh lạc hướng kẻ gian.

Quả nhiên, chỉ mấy ngày sau, ông nhận được công văn của quan huyện Tam Đái trình lên, trong đó có kèm lá đơn tố cáo về tội tùy ý giết trâu mà không trình báo của một người cùng làng với người có con trâu bị cắt lưỡi.

Lập tức, ông phái lính về tận làng này bắt ngay nguyên đơn (tức kẻ đi tố cáo) về công đường xét hỏi. Chỉ sau vài câu phủ đầu, tên này đã phải khai có họ hàng với quan huyện Tam Đái và chính y là thủ phạm đã cắt lưỡi trâu. Ông phạt tên này rất nặng, vừa để răn đe chung, nhưng cũng ngầm ý cảnh cáo viên quan huyện nọ.

Lut nay: Ti hu hoi tài sn

Nguyễn Mại có cái uy của một vị quan xử kiện, nhưng mặt khác, ông cũng rất am hiểu tâm lý học tội phạm, và chính điều ấy, khiến cho giới tội phạm cũng phải khẩu phục, tâm phục.

Ngày nay, hành vi của tên hàng xóm có thể bị quy vào tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Theo Điều 143 của Bộ luật Hình sự: "Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Trong vụ án này, tên hàng xóm có dã tâm hại ông chủ con trâu, đã bàn bạc với quan huyện nên được xem là có tổ chức. Chiếu theo khoản 1, Điều 143 của Bộ luật Hình sự, tên này sẽ khó tránh khỏi khung hình phạt tù từ 2 đến 7 năm tù.

Đối với viên quan huyện, tùy vào mức độ tham gia để xem xét mức án cho phù hợp. Nếu viên quan này không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tên hàng xóm thực hiện việc phạm tội, đã che giấu, các dấu vết, tang vật của tên này hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm.

Còn nếu, biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.

Vương Trn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.